Hoa sóng nhà giàn

Đoàn tàu chúng tôi tiến đến bãi cạn Phúc Nguyên để thả hoa tưởng niệm 10 liệt sĩ đã hy sinh anh dũng. Nơi đây 18 năm trước, cơn bão Fathes đã nhấn chìm Nhà giàn DK1/6 xuống đáy đại dương. Và một trong những liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại ngàn khơi ở nhà giàn này vẫn được thế hệ lính DK nhắc đến như một niềm kiêu hãnh. Máu huyết, thịt xương của anh đã tan trong biển mặn, nhưng tên anh đã hóa thành hoa sóng biển khơi. Đó là liệt sĩ chuẩn úy Lê Đức Hồng, người con dấu yêu của quê hương miền gió cát.
Hoa sóng nhà giàn

Đoàn tàu chúng tôi tiến đến bãi cạn Phúc Nguyên để thả hoa tưởng niệm 10 liệt sĩ đã hy sinh anh dũng. Nơi đây 18 năm trước, cơn bão Fathes đã nhấn chìm Nhà giàn DK1/6 xuống đáy đại dương. Và một trong những liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại ngàn khơi ở nhà giàn này vẫn được thế hệ lính DK nhắc đến như một niềm kiêu hãnh. Máu huyết, thịt xương của anh đã tan trong biển mặn, nhưng tên anh đã hóa thành hoa sóng biển khơi. Đó là liệt sĩ chuẩn úy Lê Đức Hồng, người con dấu yêu của quê hương miền gió cát.

Dòng thư cuối cùng gửi mẹ

Sau chuyến tuần tiễu trên biển 10 ngày, tôi và trung úy Trương Công Định đến nhà bà Nguyễn Thị Cháu, mẹ của liệt sĩ Lê Đức Hồng. Căn nhà nhỏ nằm gần cuối hẻm 888 đường 30-4. Bà Cháu bật khóc khi chúng tôi xin phép thắp nén hương cho liệt sĩ Hồng. Câu chuyện về liệt sĩ Lê Đức Hồng hy sinh 18 năm trước vẫn vẹn nguyên trong ký ức của đồng đội và người thân, song có một chi tiết mỗi lần nhắc tới, chúng tôi không cầm được nước mắt. Đó là những dòng tâm sự của liệt sĩ viết cho mẹ chưa kịp gửi về đất liền thì đã vĩnh viễn nằm lại biển xanh. Thư có đoạn: “Thêm một năm nữa con không về đón tết cùng gia đình. Tết năm nay mẹ đừng buồn nhé. Con chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp rồi. Là người lính phải biết hy sinh vì Tổ quốc đúng không mẹ. Mẹ ơi, con của mẹ luôn tự hào, kiêu hãnh. Ở quê mùa đông lạnh lắm, mẹ mặc thêm áo ấm và giữ gìn sức khỏe. Con đi chuyến biển này về, sẽ đưa mẹ vào Vũng Tàu sống cho bớt lạnh…”. “Đó là lá thư Hồng viết gửi mẹ trước khi hy sinh. Ngoài ra, còn có 2 lá thư viết cho bạn gái mới quen ở Hà Tĩnh”, trung úy Trương Công Định - người đồng đội của liệt sĩ Hồng hồi tưởng lại.

Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên vùng biển DK1

Đêm mơ thấy con về

Bà Nguyễn Thị Cháu hiện đang sống cùng con gái và con rể ở phường 11, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Thấy tôi mặc quân phục, chưa kịp giới thiệu, bà Cháu nước mắt đã rưng rưng. “Cháu là đồng đội của liệt sĩ Hồng, cùng đơn vị đến thăm gia đình”.  “Vâng”, bà Cháu chỉ kịp nói vậy rồi nghẹn lại. Bà nhìn lên tấm ảnh Hồng trên bàn thờ. Giọt nước mắt chảy tràn bờ mi trên khuôn mặt nhăn nhúm.

Mời tôi ly nước chè xanh, bà Cháu hồi tưởng lại: “Tết năm 1998, Hồng ăn tết xong rồi đi. Tôi giục con lấy vợ, nó bảo: “Sau chuyến đi biển ni về, chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp, con sẽ lấy vợ”. Ai ngờ nó đi mãi không về. Gần 20 năm rồi, tôi chẳng quên được đứa con hiếu thảo này. Gia đình nghèo lại neo đơn, con mất, tôi mất đi điểm tựa”. Nước mắt người mẹ già ngoài tuổi 80 rịn trên khóe mắt. 18 năm qua, nỗi đau mất con vẫn hằn sâu trên khuôn mặt ấy.

Ngày nghe tin con trai hy sinh, từ quê hương Hà Tĩnh, bà Cháu ngất lịm, còn ông Tu - chồng bà, chỉ biết lẳng lặng nhìn lên bàn thờ. Ông không muốn trên ấy thêm một bát nhang nữa. Ông vẫn hy vọng biển xa sóng lớn, biết đâu con trai ông chỉ “lạc sóng” rồi lại quay về. Nhưng điều đau đớn nhất đã đến. Đó là ngày nhận giấy báo tử của con. Ông ép tờ giấy báo tử vào ngực rồi gào khóc kêu thương hai tiếng “Hồng ơi!” giữa mùa đông lạnh giá. Bà con lối xóm đến chia buồn cũng khóc theo ông. Ngôi nhà ngói âm dương rêu phong, mảnh sân gạch cũ tràn ngập đau thương. Đó là nỗi đau không thể xóa nhòa, dù thời gian đã trôi qua 18 năm. Còn hôm nay, trước hương hồn người đồng đội, thêm một lần nữa tôi nghẹn ngào khi nghe câu chuyện kể từ mẹ liệt sĩ.

Liệt sĩ, chuẩn úy Lê Đức Hồng quê ở Thạch Mỹ, Thạch Hà, Hà Tĩnh - một miền quê nghèo bán sơn cước trung du. Nhà nghèo, neo đơn, song ông Lê Đức Tu và bà Nguyễn Thị Cháu luôn mong những đứa con của mình vào bộ đội, phần vì nối nghiệp truyền thống gia đình, phần vì đóng góp nghĩa vụ cho Tổ quốc. Ngày Hồng lên đường tòng quân nhập ngũ, bà Cháu tiễn chân con ra tận đầu làng. Cơm mo cau gói sẵn, bà để trong làn cói rồi dặn con trai: “Dòng họ ta có truyền thống đi bộ đội, con phải phấn đấu noi gương những người đi trước”. Hồng khoác ba lô lên đường trong niềm tự hào ấy.

Sau 3 tháng “lăn, lê, bò, trườn” ở Lữ đoàn Hải quân đánh bộ, Hồng được học lớp trung cấp chuyên ngành Radarsona hải quân tại Trường Trung cấp kỹ thuật hải quân Cát Lái (TPHCM), rồi được điều về Tiểu đoàn DK1 nhận nhiệm vụ.

Những ngày học tập, rèn luyện ở Tiểu đoàn DK1 khối bờ, Hồng luôn là chiến sĩ ưu tú. Trong một lần huấn luyện bơi ở sông Dinh (phường 11, TP Vũng Tàu), anh đã dũng cảm lao xuống dòng nước đang chảy xiết cứu sống đồng đội bị chuột rút khi đang bơi. Dìu được đồng đội vào bờ, leo thang dây lên cầu cảng thì bất ngờ thang đứt. Cú rơi ấy đã khiến Hồng bị giập đùi trái. Sau thời gian điều trị ở Quân y viện 1-5 Hải quân, Hồng tiếp tục lao vào huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Một lần khác, toàn tiểu đoàn đang huấn luyện bắn mục tiêu trên không bằng súng máy cao xạ 12,7 ly, bỗng dây ròng rọc chạy mục tiêu đứt. Mô hình bay bằng thép nặng ở độ cao 40m lao thẳng vào đội hình bộ đội chờ tập. Đang ngắm mục tiêu, nhanh như cắt, Hồng chạy đến hô “dây ròng rọc đứt, mọi người chạy ra xa đi”. Hành động nhanh nhẹn ấy của Hồng đã tránh được tai nạn cho đồng đội.

Xét thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và tinh thần dũng cảm, Đảng ủy Tiểu đoàn DK1 kết nạp Lê Đức Hồng vào Đảng Cộng sản Việt Nam trước ngày đi ra nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6). Ngày anh mang trong tim mình niềm tự hào của người đảng viên cộng sản, cũng là ngày đón nhận quyết định chuyển chế độ từ chiến sĩ sang quân nhân chuyên nghiệp phục vụ quân đội lâu dài, với cấp hàm chuẩn úy chuyên nghiệp, chức vụ trắc thủ radar. Hồng tự hào chia sẻ với đồng đội: “Danh hiệu đảng viên là lẽ sống, còn chiếc áo chuyên nghiệp này là cả đời phấn đấu của mình. Mình tự hào, cha mẹ ở quê cũng rất vui. Trên vai mình đã mang trọng trách Đảng giao, để sau chuyến đi biển này về, mình mặc áo mới luôn thể”.

Thiếu úy chuyên nghiệp báo vụ Trương Công Định, đồng đội thân nhất của Hồng khi đó, kể trong bùi ngùi xúc động: “Trước ngày Hồng đi nhà giàn, em bảo, sao không mặc áo mới?”. Hồng nói: “Để đi chuyến biển này về mặc luôn thể. Ra nhà giàn nước ngọt hiếm lắm, phải giặt tốn nước”. Ngờ đâu chiếc áo chuyên nghiệp chưa mặc lần nào, cậu ấy đã hy sinh”.

Gần 20 năm qua kể từ ngày Lê Đức Hồng hy sinh, bà Cháu luôn đau đáu một phép nhiệm màu, biết đâu anh Hồng trở về, dẫu điều ấy chẳng thể xảy ra. Tiễn tôi ra tận đầu ngõ, bà Cháu nắm chặt tay tôi bảo: “Từ ngày con hy sinh, đêm đêm tôi vẫn mơ thấy nó trở về”.

Bản tình ca của biển

Ngay sau khi nhà giàn Phúc Nguyên 2A sụp đổ, đại tá, nhà văn Nhữ Mai Sinh lúc đó là Chính ủy Lữ đoàn 125 Hải quân, nguyên chiến sĩ Đoàn tàu không số đã sáng tác bài thơ “Những cánh thư màu tím”, sau khi được nghe câu chuyện kể về sự hy sinh quên mình của các liệt sĩ. Đến bây giờ những vần thơ: Tàu đi đảo thư vẫn nhiều hơn cả/ Những cánh thư mực tím tựa hoa đào/ Các anh sống gần mây hơn gần đất/ Thơm góc trời anh ở đến xôn xao/ Gia tài các anh duy nhất là thư/ Hẹn với xa xôi yêu qua đài báo/ Nhà giàn đâu rồi chỉ một trời gió biển/ Đâu hải âu liệng xuống chỗ anh nằm vẫn được các chiến sĩ nhà giàn chép lại trong nhật ký, chuyền tay nhau đọc và coi đó là “gia tài đặc biệt” của mình.

Mới đây, Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Nhà văn hóa Vùng 2 Hải quân đã phổ nhạc những vần thơ ấy thành bài hát cùng tên “Những cánh thư màu tím” sau một chuyến đi ra nhà giàn DK1 trở về. “Sự hy sinh của các chiến sĩ nhà giàn không thể nói hết bằng lời. Tôi muốn ca ngợi các anh bằng những ca từ sâu thẳm của đức hy sinh kiên cường. Thân xác các anh nằm lại ngàn khơi, nhưng tên các anh sẽ mãi mãi là hoa sóng của biển cả, là bản tình ca sống mãi trong lòng nhân dân”.

MAI THẮNG

Tin cùng chuyên mục