Nghĩa tình đồng đội

Có lần, ông Ba Ngay ra Hà Nội dự hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hỏi: Ban liên lạc toàn người về hưu sao còn vận động được tiền? Ông trả lời đơn giản: Trả ơn đồng đội, trả nghĩa đồng bào việc gì cũng làm, làm bao nhiêu cũng không đủ…
Nghĩa tình đồng đội

Có lần, ông Ba Ngay ra Hà Nội dự hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hỏi: Ban liên lạc toàn người về hưu sao còn vận động được tiền? Ông trả lời đơn giản: Trả ơn đồng đội, trả nghĩa đồng bào việc gì cũng làm, làm bao nhiêu cũng không đủ…

Tình người lính

Thiếu tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô, là người cởi mở. Bên ly trà nóng, ông kể thời chiến tranh quan hệ đồng đội, quân dân được thử thách, trui rèn bền chặt lắm. Bộ đội Tây Đô được Hội Mẹ chiến sĩ, hội phụ nữ, cơ sở quần chúng... chăm sóc, bảo bọc trên từng bước đi, trong từng trận đánh. Bà con bám trụ đào hầm, sẻ chia từng miếng bánh, cọng rau... Thời kỳ 1970-1971, dân bị kềm kẹp, đưa vô ấp chiến lược khốc liệt vậy mà vẫn tìm mọi cách để chở gạo, mang thuốc tiếp tế nuôi bộ đội mình. Bộ đội thì đánh chống càn bảo vệ dân, tối lại đi phát cỏ, làm rẫy... cho dân.

Ông Ba Ngay trao quà cho hội viên Hội Cựu chiến binh

“Bước qua khói lửa cuộc chiến, mình còn sống là phúc phận lắm rồi. Trả ơn, trả nghĩa đồng đội, đồng bào cho thật thấu đáo là trách nhiệm của những người lính. Công tác dân vận thiết thực ở chỗ này”, ông Ba Ngay nói vậy. Tháng 6-2002, Ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô thành lập. Đến nay đã tập hợp được hơn 3.000 thành viên, sinh hoạt tại 19 tiểu ban ở 5 tỉnh thành và gắn với các chi hội cựu chiến binh tại các khu dân cư.

Dù về hưu, người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô những năm chống Mỹ vẫn dõi theo từng bước đi của tiểu đoàn anh hùng này. Sau cuộc chiến, Tiểu đoàn Tây Đô đã có gần 3.000 cán bộ chiến sĩ hy sinh, trên 1.000 đồng chí là thương binh, bệnh binh, hàng trăm người trở về với cuộc sống đời thường. “Đồng đội nhiều người còn nghèo quá, mình phải tính. Đầu tiên cất nhà cho Tư Nhăm (Nguyễn Tấn Đạt), Trung đội trưởng Đại đội 31 cũ ở xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành A, Hậu Giang). Tiếp theo, 4 ngôi nhà đồng đội xây dựng ở Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh. Năm 2002, xây được 30 căn, mỗi căn 30 triệu đồng; trong đó huyện cho 5 triệu đồng, gia đình thêm 3 triệu đồng, còn lại do ban liên lạc lo. Năm 2004, làm được 40 căn (40 triệu đồng/căn)... Đạt được kết quả đó còn do tấm lòng của hàng trăm tổ chức, cá nhân đóng góp. Hội viên cựu chiến binh cũng tham gia đóng góp, người ít nhất cũng 500.000 đồng.

Hơn 10 năm qua (chưa tính năm 2015), Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô đã xây được 775 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” ở hầu khắp các tỉnh thành phía Nam. Nhờ chương trình góp vốn Quỹ “Tình thương đồng đội” (xây nhà, mua cây giống, cá giống…), nhiều đồng đội cũ từng phải đi móc củ sen, lượm cọng rau, mớ cá đã vươn lên thoát nghèo, khấm khá, con cái vô đại học. Bà con, chính quyền thêm tin tưởng.

Từ hiệu quả cùng tác động tích cực của hoạt động này, năm nay, Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ cố gắng giải quyết cho Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô 50 căn nhà theo Nghị quyết 22 của Chính phủ. Tháng 7 này, Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô đã chuẩn bị 500 suất thuốc, 70 suất quà về chiến trường xưa, chăm lo các gia đình chính sách…

Tâm nguyện của vị tướng già

“Chúng tôi có 3 cái không là không tiền, không quyền, không trụ sở. Đổi lại, ban liên lạc tâm huyết lắm. Ai có lòng đều trân trọng đón nhận. Vận động được phải làm cho hết. Nghèo thì cạp đất mà ăn chứ không thể bớt xén tiền cho anh em”, ông Ba Ngay nói vậy. “Hơn nửa thế kỷ qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô không ngại hy sinh gian khổ lập nên những chiến công hiển hách, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, làm sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.”, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ khẳng định, về những đóng góp của Tiểu đoàn Tây Đô, đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Trong chiến tranh giữ nước, Tiểu đoàn Tây Đô biến những tên đất, tên làng ở Cần Thơ, Tây Nam bộ và Campuchia thành những địa danh chiến thắng. Hoàn thành nhiệm vụ, hòa nhập đời thường nhưng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn luôn sáng chói. “Anh hay khóc khi nhắc về đồng đội/đã hy sinh mồ không biết chỗ nào/ Anh cũng khóc khi nhắc về đồng đội/sống cơ hàn, đau ốm, mái tranh xiêu” (Nước mắt người Anh hùng) của tác giả Nguyễn Thị Đan Tâm viết tặng Anh hùng LLVTND Lê Thanh Sơn như vậy. “Không phải căn nhà hay gói quà mà là nghĩa tình. Cái tình đó trúng nguyện vọng, trúng chính sách, hợp lòng dân và tình đồng đội nên nhận được sự đồng tình cao”, ông Ba Ngay giải thích.

“Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô mạnh nhất trong các ban liên lạc. Mấy chú mấy anh chỉ dựa vào nghĩa tình, mọi cái đều xã hội hóa, vận động không hà. Lấy nhà làm trụ sở, xuất tiền túi đi khảo sát các nơi, lập kế hoạch chăm lo cho anh em... Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô góp phần rất lớn cùng Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ trong việc xây nhà đồng đội, nhà tình nghĩa, tình thương; xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới… Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ luôn tạo mọi điều kiện, hỗ trợ hết mình cho các hoạt động này”, Đại tá Huỳnh Thanh Phương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ nhận định. Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang Cần Thơ (30-7-1945 - 30-7-2015), Bộ chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ, Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ, Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô, phối hợp trao tặng 70 căn nhà cho những người có công trong LLVT Cần Thơ.

“Bộ đội mạnh vì có dân. Đổi mới gì cũng phải bám dân, lấy dân làm gốc. Chăm lo đồng đội tốt cũng là hướng đến cuộc sống người dân. Công tác chính trị, công tác tham mưu… nên đặc biệt chú ý đến việc này. Suốt nhiều năm qua LLVT Cần Thơ đạt được nhiều thành tích cũng bởi tạo được lòng tin, được dân thương, dân mến. Chỉ mong lớp trẻ luôn tiếp nối truyền thống, luôn vững vàng bản lĩnh; nâng cao trình độ, sức mạnh để giữ vững đất nước”,  người lính già Ba Ngay tâm sự.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục