Ấm tình đồng đội

Ấm tình đồng đội

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng nỗi đau về sự mất mát hy sinh vẫn âm ỉ trong lòng thân nhân các anh hùng liệt sĩ. Để xoa dịu nỗi đau ấy, cán bộ chiến sĩ Đội 192 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiều năm qua cơm đùm gạo bới sang nước bạn Lào tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam về với đất mẹ.

Trong khi ở Quảng Trị lại có những cựu binh năm xưa dù đã để lại một phần cơ thể trên chiến trường nay lặng lẽ ngày ngày chăm sóc, nhang khói cho từng phần mộ liệt sĩ như chính người thân. Với họ, công việc thường nhật ấy là để tri ân đồng đội đã không tiếc máu xương giành độc lập cho dân tộc...

Đội 192 đang tiến hành cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào

Tri ân đồng đội!

Trên đường thiên lý Bắc - Nam qua thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị mọi người thường bắt gặp hai người đàn ông dáng gầy, đen đều đặn mỗi ngày tỉa cây, tưới nước, nhặt cỏ, nhang khói cho từng phần mộ liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Triệu Phong. Đó là cựu chiến binh Lê Văn Giản (54 tuổi) và Nguyễn Cư (64 tuổi) - những người quản trang tình nguyện lâu năm tại nghĩa trang này.

Nắng nóng gay gắt, từng đợt gió Lào ập tới mang theo cái rát bỏng làm rạc bờ tre, vậy mà hai người quản trang vẫn gò mình trên chiếc thang gỗ cắt tỉa cẩn thận từng khóm phi lao cho thẳng tắp. Gặp khách, ông Cư nhẹ nhàng đỡ ông Giản bước xuống thang. Phe phẩy chiếc mũ cối bạc màu cho vơi bớt mồ hôi, rồi ông Giản chậm rãi nói: “Hai mươi năm về trước, nơi này vốn là nghĩa trang liệt sĩ cấp xã, cơ sở vật chất thiếu thốn, gặp sự tàn phá khốc liệt của bom đạn sau chiến tranh nên rất hoang tàn. Trong một lần đi ngang qua, như có bàn tay ai níu chặt, bước chân đi chậm, tôi dừng lại rồi quyết định xin tình nguyện vào làm quản trang ở đây…”. Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong có trên 550 ngôi mộ, nhưng vẫn còn khoảng 180 ngôi mộ vô danh. Số liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây phần lớn có quê quán ở các tỉnh từ Quảng Bình trở ra, một ít mãi quê tận trong Nam bộ. “Dù các anh quê ở đâu đi nữa, chúng tôi từ lâu đã xem và chăm sóc các anh như người thân… Công việc nhỏ bé chúng tôi đang làm mỗi ngày chỉ với ước mong các anh được ấm lòng, có như vậy mới bù đắp được phần nào sự hy sinh lớn lao của các anh”, ông Cư trầm ngâm.

Tọa lạc trên đồi Bến Tắt thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia (NTLSQG) Trường Sơn không chỉ là nơi an nghỉ của những người con ưu tú anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn là nơi suy tôn, biểu tượng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Hai cựu chiến binh Lê Văn Giản và Nguyễn Cư đang chăm sóc, cắt tỉa cây xanh tại NTLS huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị

Từ tượng đài chính nhìn xuống khu mộ phần các anh hùng liệt sĩ lẩn khuất sau những rặng thông xanh mướt vi vu trong gió chiều, thấp thoáng những người quản trang lặng lẽ quét dọn và cắt tỉa cành cây, ngọn cỏ một cách tỉ mỉ. Anh Hồ Tất Ái, Trưởng ban quản lý NTLSQG Trường Sơn, chia sẻ: “Đơn vị có nhiệm vụ đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước; phục vụ thân nhân các gia đình liệt sĩ và các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước làm lễ viếng ở Nhà khánh tiết; dẫn mọi người đi viếng vào Đài tưởng niệm, đi xuống các khu mộ; chăm sóc cây cảnh, làm vệ sinh toàn bộ 39,8ha và bảo vệ khu nghĩa trang. Mỗi năm một lần, đơn vị phải hoàn thành nhiệm vụ cọ sạch rong rêu trên 10.263 bia mộ, thay cát cho 10.263 bát hương. Mỗi người một việc nhưng tất cả đều chung một tâm niệm là để các liệt sĩ ấm lòng, để mọi người đến đây thăm viếng cảm thấy sự tri ân của Đảng và Nhà nước đối với các anh. Trong số 20 nhân viên của Ban quản trang, chị Nguyễn Thị Bé là người gắn bó lâu nhất với hơn 30 năm lặng lẽ cống hiến tại NTLSQG Trường Sơn. Chị Bé quê ở Triệu Phong, sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chia cắt, căm phẫn khi ngày ngày chứng kiến bom đạn quân thù cày nát từng tấc đất quê hương, chị đã trốn gia đình viết đơn tham gia bộ đội. Sau ngày đất nước thống nhất, như một món nợ ân tình đồng đội, chị tình nguyện xin về công tác tại nghĩa trang khi mới tròn 22 tuổi... Từ đó đến ngày lập gia đình rồi sinh con, chị không một ngày vắng mặt ở nghĩa trang...”.

Rời NTLSQG Trường Sơn khi ánh hoàng hôn đã tắt sau những rặng phi lao với những ngôi mộ màu trắng ẩn hiện, từ đâu đó âm thanh những bước chân hành quân đều đặn, rầm rập, hùng tráng như ngày nào các anh còn ra trận. Những bước chân mạnh mẽ ngày nào đã ngã xuống cho quê hương hôm nay được độc lập, tự do, cho nước nhà thống nhất. Xin mượn những câu thơ đau đáu nỗi niềm trong bài thơ Khát vọng Trường Sơn của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý để tưởng nhớ về những người đã khuất: Nằm kề nhau; Những nấm mộ giống nhau; Mười nghìn bát hương; Mười nghìn ngôi sao cháy; Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng; Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn… Mười ngìn khát vọng được về bên nhau!

Qua Lào tìm đồng đội

Nước bạn Lào trùng điệp núi rừng vốn bị bom đạn cày xới, bom napan, chất độc da cam đốt cháy, thiêu rụi, nhưng nay cây cối bật lên bạt ngàn xanh tốt. Người dân Lào tốt bụng chỉ vẽ đường đi lối lại, nhưng những người biết thông tin bộ đội Việt Nam hy sinh ở đâu, chôn cất ở vị trí nào, ngày một hiếm dần vì người già dần mất đi. Đội 192 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế thành lập với mục đích tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ bộ đội Việt Nam hy sinh ở Lào. Trước năm 1999, Đội 192 chủ yếu khảo sát địa hình địa vật nơi có bộ đội hy sinh. Từ năm 1999 đến nay, Đội 192 đã cất bốc được hơn 750 hài cốt liệt sĩ từ Lào về Việt Nam. Trung tá Nguyễn Văn Hải, công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng là người từng có thâm niên 16 năm cùng Đội 192 qua Lào tìm kiếm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, hồi tưởng: “Một lần vào bản A Vao, huyện Tà Ôi, tỉnh Saravan, dân bản thông tin, ở bản Bạc (tỉnh Xê Công) có mộ của bộ đội Việt Nam. Mừng quýnh, tôi cùng cán bộ chiến sĩ Đội 192 tức tốc hành quân. Song bản Bạc không phải là địa bàn đơn vị phụ trách nên không một ai thông đường đi lối lại, hơn nữa lương thực mang theo có hạn nên đến ngày thứ 5 rồi thứ 7, anh em trong đội chỉ còn vẻn vẹn mấy gói mì tôm chia nhau ăn sống, cầm hơi. Đói lả và mệt nhoài, một số chiến sĩ trong đội có lúc ngất xỉu, suýt chết trong rừng vào ngày thứ 10. Nhưng với ý chí và nghị lực, nhất là vong hồn của đồng đội hy sinh như thôi thúc, toàn đội vẫn dìu nhau băng rừng, lội suối về đến bản Bạc an toàn... Chuyến đi ấy, đội mình đã tìm và cất bốc được nguyên vẹn 4 bộ hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam”.

16 mùa khô với những cơn mưa dông ào ạt nơi núi rừng heo hút cứ lần lượt đi qua, Đội 192 đã hành quân khắp 800 bản làng xa xôi nước bạn Lào, tìm kiếm, cất bốc thân xác đồng đội. Trong những chuyến đi ấy, các thành viên trong đội đã nhiều lần tận mắt chứng kiến, trực tiếp cất bốc thi hài đồng đội còn nguyên vẹn bị vùi sâu dưới gốc cây, hốc đá. Bởi chiến tranh, bom đạn mà, đâu có tránh né ai, có đồng đội bị chết dưới những hẻm núi, những khe đá lớn phải đào bới, tìm kiếm cả tháng trời ròng rã. Trung tá Hải và Đội 192 đã nhiều lần ớn lạnh khi đối mặt với bom đạn vô tình nằm trong lòng đất chưa phát nổ, trong đó lo nhất vẫn là bom đạn phốt pho sau nhiều năm ẩn mình trong lòng đất, lớp kim loại - vỏ bọc bên ngoài hoen rỉ, tạo điều kiện cho chất phốt pho rò ra bên ngoài nên hễ gặp không khí là tự cháy, uy hiếp tính mạng của cả đội cũng như người dân xung quanh. Mỗi lần như vậy, các anh phải sử dụng cách tháo gỡ bom mìn thủ công là dùng gạc y tế, thấm nước bọc lại chỗ rò rỉ, buộc chặt quả bom rồi dùng đòn gánh khiêng đi tiêu hủy…

Văn Thắng

Tin cùng chuyên mục