Bài 9: Từ Công viên phần mềm đến Khu công nghệ cao

(NGUYỄN THỊ KIM NGÂN, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội)
Bài 9: Từ Công viên phần mềm đến Khu công nghệ cao

Thành phố Hồ Chí Minh - 30 năm đổi mới và phát triển

Trong số những mô hình kinh tế tiêu biểu thực hiện 30 năm qua được coi là những đóng góp rất quan trọng của TPHCM vào quá trình hình thành và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cũng như trở thành chế định chung của cả nước, có mô hình Công viên phần mềm Quang Trung và Khu công nghệ cao được hình thành và hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế về nhiều mặt, tạo “cú hích” cho nhiều ngành kinh tế phát triển…

Cơ chế đặc thù

Được điều động về Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn công tác với nhiệm vụ Tổng giám đốc từ hơn 5 tháng qua, song ông Chu Tiến Dũng vẫn giữ nguyên tấm danh thiếp, địa chỉ email và thường xuyên liên lạc trao đổi thông tin với hơn 100 DN tại Công viên phần mềm Quang Trung (CVPMQT) - nơi ông làm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên 14 năm qua. Dẫn chúng tôi đi một vòng tham quan những khu nhà cao tầng, những phân khu chức năng, những hạng mục công trình đang được khẩn trương hoàn thiện, ông Dũng kể: “15 năm trước nơi đây là khu đất gần như hoang phế, lầy lội sau nhiều năm Hội chợ Quang Trung ngưng hoạt động. Năm 2000, lúc còn làm Hiệu trưởng Trường Tin học Thành đoàn, tôi được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tham gia hình thành và phát triển một ngành kinh tế tri thức theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ VII - xác định làm mũi nhọn để phát triển các ngành khác. Anh Nhân cùng với anh em trong lĩnh vực công nghệ thông tin chọn  lĩnh vực phần mềm trong thời điểm đó là phù hợp nhất, vì lĩnh vực phần cứng các nước đã đi xa hơn chúng ta nhiều năm. Thế là ý tưởng về một công viên phần mềm với quy mô không chỉ là nơi ươm tạo tài năng công nghệ thông tin mà còn là trung tâm phát triển phần mềm thu hút nhân tài và nguồn lực trong nước, thế giới được hình thành. Khi nghe anh em trình bày đề án Công viên phần mềm và dự kiến xây dựng tại Hội chợ Quang Trung, Chủ tịch UBND TPHCM Võ Viết Thanh lúc bấy giờ ủng hộ ngay và ông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng hình thành bộ máy và ra quyết định thành lập đi vào hoạt động ngày 16-3-2001”.

Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: THẾ ANH

Thế nhưng, theo ông Dũng, việc chọn tìm mô hình thích hợp cho hoạt động của CVPMQT phải mất 6 tháng. Ngay khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND TPHCM, đồng chí Lê Thanh Hải đã có cuộc họp bàn và đi thực tế tại hiện trường đang ngổn ngang xây dựng. “Dũng báo cáo anh nghe nên chọn mô hình nào?” - Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải ân cần hỏi. “Thưa anh có 3 mô hình: đơn vị sự nghiệp, công ty công ích và DN nhà nước. Nhưng theo em mô hình DN nhà nước là tốt nhất vì nó đủ chức năng của một DN, đủ năng động để làm. Nếu chọn mô hình này, anh phải chuẩn bị sẵn quyết định cách chức giám đốc”. Nghe đến đây, đồng chí Lê Thanh Hải ngạc nhiên hỏi lại: “Có nghĩa là lỗ?”. “Dạ đúng. Mấy năm đầu lỗ là cái chắc, trong khi DN nhà nước, giám đốc 2 năm để lỗ là cách chức. Phải không cho lỗ chúng em mới dám làm”. “Bằng cách nào Tám Hồng (bà Nguyễn Thị Hồng, khi đó làm Phó Giám đốc Sở Tài chính, nay là Phó Chủ tịch UBND TPHCM - NV)?”. “Nếu DN nhà nước, ngân sách mỗi năm chi 3 tỷ đồng”. “Vậy thì quyết ngay, theo mô hình DN nhà nước, cơ chế đặc thù, TP hỗ trợ 3 năm” - đồng chí Lê Thanh Hải quyết.

Thế là “cửa” cơ chế khó nhất đã qua. Những khó khăn khác như đường truyền internet riêng, chính sách đất đai, vốn đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, giá thuê đất, thuê hạ tầng kỹ thuật… cũng được lãnh đạo TP quyết theo “cơ chế đặc thù” không ở đâu có. Ngay cả việc đãi ngộ những người làm việc trong CVPMQT, ông Dũng cho biết cũng được TP quyết theo cơ chế “hai lần lương”, nghĩa là ngoài lương nhà nước, giám đốc còn được toàn quyền sử dụng quỹ lương riêng chi tương xứng cho anh em yên tâm cống hiến tài năng. Nhờ vậy, tốc độ phát triển của CVPMQT nhanh đến chóng mặt. Lúc mới thành lập chỉ có 20 DN hoạt động, mỗi DN vài nhân viên, thì nay lên đến 108 DN công nghệ thông tin, trong đó có 48 DN nước ngoài. Tổng doanh số hoạt động của các DN tính riêng năm 2013 đã gần 12.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu gần 300 triệu USD. Có 5 cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế, mỗi năm đào tạo hàng ngàn chuyên gia công nghệ thông tin cung cấp cho cả nước - là những thành tựu của CVPMQT 14 năm qua mà ông Dũng cho là vượt bậc và thành công đầu tiên ở Việt Nam.

Khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước

Trong chuyến thăm, làm việc với lãnh đạo TPHCM cuối tháng 1-2015, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị được đi thực tế Khu công nghệ cao, vì như đồng chí nói: “Cách nay 7 năm tôi có đến đây, giờ muốn biết đã phát triển ra sao”. Theo kế hoạch, Ban Quản lý Khu công nghệ cao sẽ dành một buổi để báo cáo tình hình, nhưng ngồi trong phòng làm việc chưa đầy 1 giờ, đồng chí Kim Ngân đã đề nghị đi ngay xuống các DN. Tới Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen, câu đầu tiên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hỏi giám đốc Hồ Nhân: “Công ty giải quyết việc làm cho bao nhiêu lao động?”. “Dạ cả công ty chưa đến 100 người”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân càng ngạc nhiên hơn khi thấy có xưởng rộng mênh mông với những thiết bị hiện đại nhưng chỉ có vài lao động mặc áo blouse trắng làm việc. Càng ngạc nhiên hơn khi nghe giám đốc Hồ Nhân báo cáo, năm 2013 có 10/12 loại thuốc đặc trị chữa bệnh ung thư, viêm gan B, C, suy thận được xuất khẩu qua 10 nước trên thế giới, thu về hàng chục triệu USD. Hiện công ty tập trung vào sản xuất các loại thuốc cơ bản chất là protein theo con đường không truyền thống, nhiều năm qua đã thay thế 80% thuốc đặc trị chữa bệnh hiểm nghèo cho người dân. “Như vậy đã rõ, công nghệ cao phải đạt được mục tiêu giá trị cao với nhiều sản phẩm chứa hàm lượng chất xám cao…” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Theo ông Lê Thành Đại, Phó ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, sau 11 năm hoạt động, đến nay đã triển khai đầu tư giai đoạn 2 với 613ha khu công nghệ cao, thu hút 68 dự án với hơn 4 tỷ USD. Các tập đoàn lớn như Nidec (Nhật Bản), Intel (Hoa Kỳ), Samsung (Hàn Quốc)… đã đầu tư và mở rộng sản xuất tại Khu công nghệ cao, tạo ra giá trị của 1ha bình quân 19 triệu USD. Hiệu quả hoạt động của nhiều DN cho thấy 1 đồng đầu tư vào công nghệ cao, lãi 1.000 đồng. Đây được cho là hướng đi đúng đắn và hiệu quả đầu tư cao vào Khu công nghệ cao mà TPHCM kiên trì thực hiện, đồng thời mở đường cho các địa phương trong cả nước phát triển theo.

 “Số liệu của năm 2014 cho thấy các DN trong Khu công nghệ cao đã tạo ra giá trị xuất khẩu đạt 3,1 tỷ USD (bình quân 1ha đất tạo ra 29,77 triệu USD); năng suất lao động của một lao động tạo ra 144.993 USD. Kết quả này khẳng định tầm nhìn chiến lược và xác định đúng hướng của lãnh đạo TPHCM những năm qua. Đây là bài học và kinh nghiệm quý báu để Quốc hội định hình chính sách phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới”.

(NGUYỄN THỊ KIM NGÂN, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội)

 “Năm 2001, khi mới về nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Công ty FPT Trương Gia Bình gặp tôi thuyết phục nên tập trung phát triển công nghệ phần mềm, biến Đà Nẵng thành một trung tâm phần mềm lớn của cả nước sau này, sau TPHCM. Tôi đã thuyết phục được lãnh đạo Thành ủy và được anh Bá Thanh lúc đó làm Chủ tịch UBND TP ủng hộ. Một đoàn lãnh đạo Thành ủy, UBND TP và giám đốc các sở ngành vào TPHCM tham quan, học tập mô hình phát triển CVPMQT. Sau đó, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng để hình thành một trung tâm phần mềm. Học tập như TPHCM, Đà Nẵng cũng lấy một tòa nhà của một số đơn vị đang làm việc để xây dựng Trung tâm phần mềm. TP Đà Nẵng đã mời anh Hiền, Giám đốc Trung tâm phần mềm TPHCM ra làm giám đốc Trung tâm phần mềm Đà Nẵng. Hiện nay, Đà Nẵng đã hình thành một trung tâm công nghệ phần mềm có khả năng thu hút 1 vạn chuyên gia phần mềm trong nước và quốc tế. Có thể nói, TPHCM là tấm gương của hướng phát triển này. TPHCM không chỉ giúp về con người, vốn đầu tư mà còn giúp về kinh nghiệm, tri thức cho Đà Nẵng phát triển công nghệ phần mềm như ngày nay…”.

(PHAN DIỄN, nguyên Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng)


Bài 10: Từ hợp tác hóa đến mô hình nông thôn mới

HOÀI NAM - ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục