Phản hồi loạt bài "Sóng ngầm" buôn lậu qua biên giới: Điều chỉnh chính sách để chống buôn lậu

Báo SGGP số ra ngày 26, 27 và 28-1 đã đăng tải loạt bài “Sóng ngầm” buôn lậu qua biên giới nhằm phản ánh vấn nạn hàng hóa nhập lậu vào nội địa chưa thể xử lý dứt điểm do bất cập và kẽ hở từ chính sách. Trong đó, vấn đề mới được nêu ra là việc lợi dụng chính sách cư dân biên giới để buôn lậu. Cần làm gì để xử lý vấn đề này? Phóng viên SGGP tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng để tìm câu trả lời.
Phản hồi loạt bài "Sóng ngầm" buôn lậu qua biên giới: Điều chỉnh chính sách để chống buôn lậu

Báo SGGP số ra ngày 26, 27 và 28-1 đã đăng tải loạt bài “Sóng ngầm” buôn lậu qua biên giới nhằm phản ánh vấn nạn hàng hóa nhập lậu vào nội địa chưa thể xử lý dứt điểm do bất cập và kẽ hở từ chính sách. Trong đó, vấn đề mới được nêu ra là việc lợi dụng chính sách cư dân biên giới để buôn lậu. Cần làm gì để xử lý vấn đề này? Phóng viên SGGP tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng để tìm câu trả lời.

Ngày cao điểm có tới 2,4 vạn lượt người qua lại cửa khẩu Móng Cái để mua bán, trao đổi hàng hóa.

Kể từ năm 2006 đến nay, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 254 về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới - gọi chung là Quyết định 254, theo đó cho phép 38 mặt hàng hóa do cư dân nước có chung biên giới sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hóa đó không quá 2 triệu đồng/người/ngày - đồng nghĩa với việc cho phép các cư dân ở biên giới (như ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… nơi đang có cửa khẩu hoạt động tấp nập) có thể sang Trung Quốc mua, xách hàng hóa nằm trong danh mục về Việt Nam với trị giá từ 2 triệu đồng/lần trở xuống thì sẽ không phải nộp bất kỳ khoản thuế nào theo quy định của nhà nước.

Lợi dụng kẽ hở này, các đầu nậu đã thuê mướn người dân thuộc diện cư dân biên giới đi xách hàng nhập khẩu vào nội địa sau đó thu gom và đưa về tiêu thụ mà không cần phải nộp thuế cũng như khai báo. Cũng vì vậy, tại các cửa khẩu tiểu ngạch thuộc tỉnh Lạng Sơn, có thời điểm tập trung cả ngàn cửu vạn và cư dân biên giới đi xách hàng. Còn tại cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh, thời gian qua có ngày có tới 2,4 vạn lượt người qua lại.

Trong khi đó, lực lượng hải quan được giao trách nhiệm kiểm tra, kiểm kê hàng hóa khai báo nhập về thừa nhận chỉ kiểm tra bằng cảm quan và cũng không thể kiểm tra hết được toàn bộ, vì vậy hàng lậu - hàng cấm đưa vào nội địa là khó tránh khỏi. Đây là một chiêu thức để các đầu nậu lách luật và trốn thuế, buôn hàng lậu đã công nhiên tồn tại từ nhiều năm nay.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Chỉ đạo 389 về Phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ, việc chống các loại hàng lậu, hàng cấm vào nội địa như ma túy, tiền giả đã và đang gặp nhiều khó khăn thì việc ngăn chặn các loại hàng hóa lợi dụng chính sách cư dân biên giới cũng rất nan giải. Để quản lý chặt hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu thuộc diện cư dân biên giới, thời gian qua, thực hiện theo chỉ đạo, các cơ quan liên ngành của tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức rà soát các địa điểm được coi là nơi tập kết hàng hóa trên địa bàn.

Nhờ vậy, tình trạng buôn lậu đã giảm hơn nhưng các chủ hàng vẫn đang tìm mọi cách để khai thác kẽ hở của chính sách và không chỉ lợi dụng chính sách theo Quyết định 254 mà đối với các mặt hàng nằm ngoài danh mục 38 mặt hàng cư dân không phải nộp thuế, họ còn mua bán cả những mặt hàng không cho phép như vải, quần áo người lớn, mỹ phẩm… bằng việc lợi dụng kẽ hở của Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA của Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Bộ Công an để hợp thức hóa các hóa đơn chứng từ cho hàng lậu.

Đại tá Từ Mạnh Hùng, Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng, do trong Thông tư 60 chỉ quy định các loại hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam do mua lại của các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh chỉ cần có hóa đơn bán hàng của bên bán là được lưu thông và có thể xuất trình hóa đơn của lô hàng trong thời gian tới 72 giờ nên các đối tượng buôn lậu rất dễ dàng thu gom hàng. Nhiều khi hàng chưa nhập về Việt Nam, chủ hàng đã có hóa đơn chứng từ mua bán nên lực lượng chức năng rất khó xử lý.

Để tăng cường hiệu quả cho hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại, mới đây Bộ Tài chính đang soạn thảo dự thảo quyết định về việc sửa đổi, bổ sung Điều 5 Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 7-11-2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới. Trong đó, điểm nổi bật và đáng quan tâm là đã bổ sung sửa đổi cho quy định các hộ dân biên giới được phép miễn thuế với các lô hàng có trị giá dưới 2 triệu đồng/hộ/ngày thành hộ cư dân biên giới được miễn thuế với trị giá không quá 2 triệu đồng/hộ và không quá 4 (bốn) lần/tháng đối với những loại hàng hóa phục vụ trực tiếp đời sống, sản xuất của hộ cư dân biên giới.

Đối với phần trị giá hàng hóa vượt mức miễn thuế và hàng hóa mà hộ cư dân biên giới mua theo quy định (như theo chính sách 254) nhưng không sử dụng trực tiếp cho đời sống sản xuất của hộ cư dân biên giới mà bán lại cho những đối tượng khác, phải chịu thuế theo quy định của pháp luật hiện hành như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng...

Ông Nguyễn Ngọc Trìu, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho rằng thực tế tại các cửa khẩu, cư dân biên giới không có nhiều tiền và cũng không có nhu cầu để mua hàng hóa với khối lượng lớn liên tục như hiện nay mà chủ yếu đi xách hàng thuê, mua hộ người khác… Do vậy, quy định giới hạn về số lượt mua bán hàng sẽ giúp ngăn chặn vận chuyển hàng lậu từ cư dân biên giới hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đồng thời với việc kiểm soát lượng hàng nhập khẩu thì cũng cần có chính sách giám sát tốt hơn việc cấp giấy tờ thông hành, xuất nhập cảnh cho đúng đối tượng là cư dân biên giới, tránh tình trạng không phải cư dân biên giới cũng được cấp sổ.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục