Buôn lậu... chính ngạch

Buôn lậu... chính ngạch

“Sóng ngầm” buôn lậu qua biên giới

Đã gọi là “hàng lậu” thì phải tuồn qua đường mòn lối mở, thậm thụt đi đêm, trốn tránh cơ quan chức năng ở cửa khẩu. Tuy nhiên, hiện nay tại khu vực biên giới phía Bắc, hàng lậu có thể vô tư vào nội địa qua các cửa khẩu chính ngạch. Tại sao lại như vậy?   

Rồng rắn đi cõng hàng

Để hỗ trợ đời sống đồng bào biên giới, từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới - gọi chung là Quyết định 254. Theo quyết định này, cho phép 38 mặt hàng hóa do cư dân nước có chung biên giới sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hóa đó không quá 2 triệu đồng/người/ngày. Sau khi có chính sách này, người dân ở khu vực biên giới đã đổ xô đi mua hàng theo tiêu chuẩn miễn thuế. Tuy nhiên, đời sống bà con cư dân biên giới ở các tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai... chả mấy sung túc cũng không có nhiều tiền, nhưng ngày nào cũng nườm nượp kéo sang Trung Quốc “cõng” hàng về. Thật dễ hiểu, họ không mua hàng về để tiêu dùng tại địa bàn theo như quy định mà sau khi hàng được đưa vào nội địa theo từng gói nhỏ dưới 2 triệu đồng sẽ được các đầu mối, cơ sở thu gom lại rồi tuồn về xuôi. Đây là một kẽ hở của chính sách và từ việc khai thác kẽ hở này, hàng lậu đang tràn vào nội địa một cách dễ dàng.

Cư dân biên giới ở Móng Cái (Quảng Ninh) đổ xô đi xách hàng qua cửa khẩu.

Thực tế, Quyết định 254 là một chính sách nhân văn, ý nghĩa của Nhà nước dành cho đồng bào cư dân biên giới, vùng sâu xa được hưởng cơ chế đãi ngộ khi họ phải sống ở nơi biên cương, hạ tầng kinh tế - xã hội còn khó khăn. Tuy nhiên, khi việc mua bán hàng theo Quyết định 254 trở thành thủ đoạn buôn lậu thì ngày càng nhiều người đổ về biên giới để trở thành “cư dân biên giới”. Đặc biệt vào dịp cuối năm, khi các chiến dịch, biện pháp ngăn chặn, phòng chống buôn lậu tại các đường tiểu ngạch được thiết lập chặt chẽ, lực lượng ngăn chặn buôn lậu tại các đường mòn, lối mở được tăng cường… thì hàng lậu đã đổ dồn về cửa khẩu chính ngạch thông qua “con đường cư dân biên giới”.

Có mặt tại khu vực cửa khẩu quốc tế Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), chúng tôi chứng kiến cảnh tượng chưa từng gặp là hàng ngàn người đổ về, qua lại cửa khẩu như đi hội. Trong số này, số người đi du lịch chỉ chiếm một lượng rất nhỏ, còn lại là đi xách hàng. Hơn 10 giờ sáng, trước phòng chờ làm thủ tục xuất cảnh, cả đoàn người đứng lố nhố. Có khoảng 80% là chị em phụ nữ, nhưng cũng có khá nhiều cửu vạn nam. Họ đứng nhốn nháo, tay lăm lăm cuốn sổ thông hành màu vàng, nóng ruột được xuất cảnh sang bên Đông Hưng (Trung Quốc). Ở phía bên kia thuộc cửa nhập cảnh, số lượng người còn đông gấp hàng chục lần. Ngoài sổ thông hành, “cửu” nào cũng khệ nệ với kiện, bọc hàng đã bao bưng kín. Cả một đoàn người nam, nữ đứng ngồi, xếp thành hàng dài cả trăm mét chờ làm thủ tục kiểm kê, khai báo hàng hóa nhập khẩu. Một số cửu vạn thấy có máy ảnh liền kéo sụp mũ, úp mặt xuống những bọc hàng la liệt.

Thật và giả

Theo ông Nguyễn Văn Thoại, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, số liệu thống kê mỗi ngày có khoảng 1,5 - 2 vạn người qua lại cửa khẩu Móng Cái, cao điểm là 2,4 vạn người. Còn bà Dương Thị Huệ, Trưởng ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cho biết, từ tháng 10-2014 đến nay, lượng người qua lại cửa khẩu bắt đầu tăng đột biến.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Dương Văn Cơ, Chủ tịch UBND TP Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, Móng Cái chỉ có 8 xã thuộc diện có cư dân biên giới. Những người dân ở đây cũng tiết lộ rằng sự thật là không chỉ có cư dân biên giới mà cả những người ở dưới xuôi lên, từ nơi khác về cũng đang mạo danh cư dân biên giới, để cố kiếm được cuốn “sổ xanh” (sổ thông hành trong ngày, được cấp dài ngày do công an các xã, phường cấp) với mục đích là đi xách hàng miễn thuế cho các đầu nậu thu gom. Theo UBND TP Móng Cái, trong năm 2014, đã có khoảng 1,95 triệu người qua lại cửa khẩu Móng Cái. Trong số này có tới 87% là diện xuất nhập cảnh bằng sổ thông hành (sổ xanh), còn lại là bằng hộ chiếu và giấy thông hành.

Điều khó hiểu là trong khi hàng từ bên kia về nhiều như vậy, cư dân biên giới rồng rắn xếp hàng tại cửa khẩu thì tại chợ Móng Cái và các chợ dành cho người Trung Quốc trên địa bàn, khi chúng tôi khảo sát thì tình hình lại vắng vẻ khác thường so với những năm trước. Nhiều chủ hàng ngồi ngao ngán vì không có khách. Điều đó chứng tỏ, cả núi hàng do cư dân biên giới “nhập” về không vào chợ mà dồn về xuôi. Đó cũng là lý do vì sao lượng người đổ về cửa khẩu đông như vậy. Một cửu vạn là người dân ở phường Hòa Hải, Móng Cái cho biết, nhờ đi xách hàng thuê, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng/lần. Nếu một ngày đi 3 lần hoặc cả gia đình thay nhau đi “cõng” thì ngày cũng kiếm được 600.000 đồng.

Tình hình mua bán hàng hóa theo chính sách cư dân biên giới tại cửa khẩu Lào Cai và các cửa khẩu phụ cũng tương tự Quảng Ninh, Lạng Sơn. Tại đây, lúc nào cũng có một đội quân “cửu vạn” lên tới khoảng 2.000 người được cho là “cư dân biên giới” sang bên Hà Khẩu xách hàng về. Sau khi hàng từ Trung Quốc được đưa về bên TP Lào Cai, hàng sẽ được tập kết tại khu vực ngay trước cửa khẩu (đồ gia dụng), cạnh bờ sông Hồng hoặc mé hông chợ nông sản (khu vực này chủ yếu là gạch men)… Tại đây, từ khoảng 10 giờ sáng luôn có các xe tải nhỏ hoặc xe khách ngụy trang đậu sẵn để chở cả “cửu” lẫn hàng về xuôi Yên Bái, Phú Thọ. Chủ một nhà nghỉ gần đó cho biết, các xe khách không phải lên để chở khách mà chỉ để đánh hàng về xuôi. Cảnh tượng xảy ra hàng ngày nên cũng thành quen trong mắt người dân TP Lào Cai.

Trước hiện tượng cư dân biên giới gia tăng đột biến tại khu vực cửa khẩu Móng Cái để xách hàng Trung Quốc, lãnh đạo TP Móng Cái khẳng định việc cấp sổ xanh cho các cư dân biên giới thuộc về công an cấp xã, phường và sẽ chỉ đạo kiểm tra lại việc cấp sổ. “Chúng tôi đã chỉ đạo tăng cường lực lượng cho khu vực cửa khẩu và tăng cường quản lý các đối tượng thuộc Quyết định 254. Để ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách để buôn lậu, lực lượng hải quan cũng đã tăng cường kiểm tra các mặt hàng kê khai nộp thuế theo quy định”, ông Dương Văn Cơ cho biết. Ngoài mạng lưới biên phòng, hải quan tại cửa khẩu, cách TP Móng Cái khoảng 2km, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã thiết lập trạm kiểm soát liên hợp tại Km15 bến tàu Dân Tiến để kiểm tra các xe hàng từ biên giới về. Vì vậy, ông Dương Văn Cơ cho rằng, trong trường hợp khách du lịch hoặc người giả mạo cư dân biên giới lên đánh hàng về cũng sẽ được kiểm tra và bắt buộc kê khai nộp thuế bổ sung theo quy định.

Về phía Hải quan Quảng Ninh đã tăng cường cán bộ kiểm soát lượng hàng hóa đưa về qua đường xách tay. Nếu có vi phạm hoặc xách hàng vượt mức quy định sẽ bị đánh thuế hoặc tịch thu chờ xử lý. Đồng thời phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường tiến hành điều tra, nhằm phát hiện và triệt phá các điểm tập kết hàng lậu và các đường dây vận chuyển hàng lậu trên địa bàn.

 Theo tìm hiểu của nhóm PV Báo SGGP tại các cửa khẩu như Móng Cái (Quảng Ninh), Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng), Bản Vược - Bát Xát, Lào Cai…  thì hiện nay, vấn đề còn nhức nhối hơn cả hàng điện tử, đồ gia dụng, hàng không rõ nguồn gốc là các mặt hàng cấm như: ma túy, tiền giả, pháo lậu, nội tạng động vật, hóa chất bảo quản thực phẩm, thuốc kích thích, thuốc lá và các loại hàng nhái, kém chất lượng từ bên kia biên giới tràn vào nội địa.

VĂN PHÚC - THÀNH NAM - NGUYỄN QUỐC

 >> Bài 1: Muôn nẻo hàng lậu

Tin cùng chuyên mục