Do thám từ điện thoại di động

Việc theo dõi, tìm kiếm vị trí của một thuê bao di động không còn là điều quá xa lạ hiện nay. Giờ đây, điện thoại di động (ĐTDĐ) đang đứng trước nguy cơ trở thành trợ thủ đắc lực giúp các cơ quan tình báo, tổ chức tội phạm dễ dàng tiếp cận vị trí chính xác của chủ nhân dù đang ở bất cứ nơi đâu với công nghệ mới đơn giản.
Do thám từ điện thoại di động

Việc theo dõi, tìm kiếm vị trí của một thuê bao di động không còn là điều quá xa lạ hiện nay. Giờ đây, điện thoại di động (ĐTDĐ) đang đứng trước nguy cơ trở thành trợ thủ đắc lực giúp các cơ quan tình báo, tổ chức tội phạm dễ dàng tiếp cận vị trí chính xác của chủ nhân dù đang ở bất cứ nơi đâu với công nghệ mới đơn giản.

Có số thuê bao là có vị trí

Công nghệ mới khai thác lỗ hổng an ninh của Hệ thống báo hiệu số 7 (SS7) - tập hợp các giao thức điện thoại được sử dụng để thiết lập hầu hết các cuộc gọi, tin nhắn, dữ liệu Internet. Bất cứ khi nào chủ thuê bao gọi điện, nhắn tin hoặc sử dụng các dịch vụ dành cho di động khác, những dữ liệu này sẽ được SS7 xử lý, lưu giữ và chỉ cần xâm nhập được vào hệ thống này, người theo dõi có thể biết được chủ thuê bao đang ở đâu. Vì vậy, việc phải có sự đồng ý của chủ thuê bao hay phải cài mã độc vào máy di động mới có thể theo dõi hiện đã lỗi thời. Có số thuê bao là có vị trí của chủ nhân thuê bao. Hơn thế, khi xâm nhập vào SS7, người theo dõi còn có thể tiếp cận được nhiều thông tin nhạy cảm khác từ danh bạ, hình ảnh, văn bản, đoạn hội thoại... trên điện thoại.

Đây được xem là bước nhảy vọt trong công nghệ do thám. Nhiều chính phủ trên thế giới trong một thời gian dài phải yêu cầu nhà mạng cung cấp dữ liệu dò tìm vị trí của các khách hàng và đa phần chỉ tập trung ở bên trong lãnh thổ quốc gia đó. Nhưng với công nghệ mới này, họ có thể theo dõi những đối tượng họ quan tâm ở bất cứ quốc gia nào. Eric King, Phó giám đốc tổ chức Bảo mật quốc tế (PI) có trụ sở tại London (Anh) cho rằng chỉ cần có tiền, bất cứ ai cũng có thể sở hữu một hệ thống theo dõi trên khắp toàn cầu. Điều này thực sự đáng lo ngại khi tin tặc, tổ chức tội phạm có thể đe dọa bất cứ ai nhờ vào công nghệ này.

Do thám trên di động giờ trở thành nỗi ám ảnh của người sử dụng.

Mọi đối tượng trên toàn cầu

Các công ty thiết kế hệ thống tìm vị trí thuê bao di động rất ít khi công bố rộng rãi ra công chúng sản phẩm của họ. Những doanh nghiệp này chủ yếu tiếp thị đến các đối tượng mục tiêu là lực lượng hành pháp, cơ quan tình báo thông qua các hội nghị chuyên ngành quốc tế.

Trong một tài liệu được dán nhãn bí mật thương mại đề tháng 1-2013, Công ty Verint có trụ sở tại New York (Mỹ), quảng cáo hệ thống dò tìm SkyLock của doanh nghiệp này có khả năng giúp các chính phủ tiếp cận mọi đối tượng quan tâm và trên khắp thế giới một cách hiệu quả. Nhiều người sững sờ với những bức hình chụp địa điểm các thuê bao mà SkyLock dò tìm (đính kèm trong tài liệu) từ châu Mỹ đến châu Phi như Mexico, Nigeria, Nam Phi, Brazil, Congo, Zimbabwe...

PI đã thu thập các văn bản giới thiệu sản phẩm của Verint, đăng tải lên website của PI để người sử dụng điện thoại di động có thể biết sự nguy hiểm từ công nghệ theo dõi của Verint. Doanh nghiệp của Mỹ sau đó đã từ chối bình luận về các thông tin PI cung cấp và rằng SkyLock không nhắm vào các khách hàng người Mỹ hay Israel, thị trường mà Verint cũng đang hoạt động mạnh. Tuy nhiên, mới đây, tờ Washington Post đã nhờ chuyên gia an ninh truyền thông người Đức Tobias Engel sử dụng SkyLock nhằm chứng thực khả năng theo dõi, dò tìm vị trí của hệ thống này. Và kết quả đúng như cảnh báo của PI. Sau khi nhận được số thuê bao do Washington Post cung cấp, Engel đã dễ dàng tìm thấy chủ thuê bao này (một nhân viên của Washington Post) đang ở trong một tòa nhà tại trung tâm thủ đô Washington nhờ vào SkyLock.

Theo Engel, lần đầu tiên ông được biết đến loại công nghệ truy tìm thuê bao di động từ năm 2008 qua một hội nghị do Chaos Computer Club, một nhóm tin tặc ở Đức, tài trợ. Ông Engel cho hay công nghệ theo dõi hồi đó mặc dù thô sơ hơn nhiều so với các sản phẩm hiện nay nhưng cũng khiến những ai có mặt ở hội nghị phải thán phục. Khi đó, diễn giả yêu cầu Engel gõ số điện thoại của mình vào chiếc máy tính của diễn giả. Chỉ ít phút sau, trên màn hình lớn trong khán phòng, công nghệ dò tìm đã công bố địa điểm thuê bao điện thoại đang ở tại Berlin.

Nhiều chuyên gia đều có chung nhận định rằng dường như những sản phẩm công nghệ cao tưởng chừng đang làm cuộc sống con người trở nên thoải mái hơn lại “phát huy” tác dụng ngược. Sự tự do, quyền cá nhân của mỗi người đang bị đe dọa bởi những thiết bị số. Đầu tháng 8 này, Công ty An ninh mạng Symantec của Mỹ đã cảnh báo về rủi ro an ninh thông qua các thiết bị mà người dùng mặc và sử dụng để theo dõi các số liệu trên cơ thể mình như cân nặng, tỷ lệ mỡ thừa… qua mạng Wifi hoặc Bluetooth có thể bị sử dụng vào mục đích theo dõi. Bản báo cáo của công ty an ninh mạng của Mỹ cho thấy 20% các ứng dụng tập thể dục gửi mật khẩu công khai, 52% các ứng dụng được kiểm tra này không làm theo chính sách bảo mật có sẵn. Bản báo cáo chỉ rằng những thông tin gắn liền với cuộc sống của người sử dụng có thể hữu ích cho các chính phủ, các nhà tiếp thị, doanh nghiệp và tất nhiên là cả tội phạm.

Nhiều ý kiến trên mạng hoang mang với công nghệ theo dõi mới. Có người còn cho rằng có nên chăng từ bỏ thói quen sử dụng điện thoại di động. Các chuyên gia đều cho rằng an toàn của người sử dụng đang đặt cả vào tay các nhà mạng. Karsten Nohl, một chuyên gia về viễn thông của Đức, cho biết ông đã tư vấn cho nhiều nhà mạng thay đổi cấu hình trong hệ thống của họ để hạn chế các thông tin mà hệ thống giám sát có thể thu thập. Một số người thì đưa ra các giải pháp tức thời như: mã hóa e-mail, sử dụng các ứng dụng trên Internet để gọi thay vì gọi bằng điện thoại. Những người có đôi chút kiến thức về tin học thì gợi ý có thể sử dụng dịch vụ gọi của một số trang web có khả năng giấu số thuê bao, giúp người sử dụng không bị theo dõi...

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục