Chuyện mới ở Ngư Thủy

Ngư Thủy ngày nay (gồm 3 xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) không còn những túp lều cỏ rười úp trên cát. Khi đường sá vượt những trảng cát về với đồng bào ở đây, mọi thứ đều đổi thay. Có những đổi thay trở thành kỳ tích sinh tồn.
Chuyện mới ở Ngư Thủy

Ngư Thủy ngày nay (gồm 3 xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) không còn những túp lều cỏ rười úp trên cát. Khi đường sá vượt những trảng cát về với đồng bào ở đây, mọi thứ đều đổi thay. Có những đổi thay trở thành kỳ tích sinh tồn.

Ký ức xưa

Biển Ngư Thủy Nam mỗi buổi sáng, người khắp các ngõ túa ra bờ biển đông đúc nhiều tháng liền trong vụ cá Nam. Cụ ông Trương Văn Hiếu kể: “Trước đây, Ngư Thủy Nam nghèo khó nhất vùng. Dân Bãi ngang vay tiền đóng tàu lớn nhưng không ngân hàng nào cho vay cả. Họ nói đóng tàu xong không có lạch tránh bão thì tán gia bại sản không thể cho vay. Người làng xoay trần với cát. Có mấy trăm chiếc thuyền nhỏ, gọi là bơ nan, chỉ đi biển một đêm hoặc một ngày rồi vào bờ”. Thuyền vào bận ấy, khoang chỉ dăm ba con cá nục, ít cá trích và vài con cá mực không đủ chi phí đèn dầu.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, đau đáu: “Làng có biển, rứa mà khó khăn, đánh bắt không có gì. Cũng chiếc thuyền nan như cha ông mấy trăm năm trước, lối đánh bắt xưa cổ như trước nên chẳng được chi cả. Dân buồn, lãnh đạo xã cũng buồn. Nhưng may, làng Liêm Tiến có anh Điện đi xa về mà làng biển khác hẳn”.

Mùa cá ở Ngư Thủy với những mẻ lưới nặng đã nuôi sống dân mạnh mẽ trên cát.

Mùa cá ở Ngư Thủy với những mẻ lưới nặng đã nuôi sống dân mạnh mẽ trên cát.

Ấy là ngư dân Hoàng Ngọc Điện. Làng nghèo, nhà anh cũng nghèo phải đi xứ biển miền Nam làm thuê. Anh Điện choáng ngợp trước cách đánh bắt của ngư dân phía đó, đầy đủ máy móc, trang bị hiện đại trên các con tàu to. Trong số máy móc đó, anh chú ý đến máy dò cá. Anh Điện kể: “Tui dò hỏi, hỏi đến khi mô họ không còn chi trả lời là xong, tui xin nghỉ, về quê. Bà con đi biển xa đánh cá lớn, máy dò lớn. Dân làng tui ghe nhỏ, bơ nan thì mua máy dò nhỏ”. Về được làng, anh Điện bắt xe vào Đà Nẵng, vay mượn tiền mua chiếc máy dò nhỏ như chiếc thoại để bàn, loại dò cá của Nhật Bản.

Chuyến ra khơi đầu tiên vào năm 2013, cả nhà, cả xóm rồi cả làng cứ ngóng tin thuyền của Điện. Có người nói: “Kinh nghiệm cha ông để lại chưa ăn thua, cái máy nhỏ như bàn tay rứa ra cơm cháo chi”. Nhưng khi thuyền của Điện cập bờ, sau một đêm giữa biển, khoang đầy ắp cá. Rồi chuyến sau, chuyến sau nữa, chuyến nào Điện cũng thu về vài tấn cá. Gần đây nhất, thuyền của Điện đánh được cả 6 tấn cá. Phải nhờ các thuyền nan khác dìu vào bờ vì sợ chìm thuyền...

Phổ cập máy “tìm” cá

Từ chuyện của Điện, người làng tìm cách vay mượn vốn, tập trung mua máy dò Nhật Bản. Họ vào Đà Nẵng, nhiều mối lái bán máy dò Trung Quốc giá rẻ, người Ngư Thủy thật bụng, cứ máy của Nhật Bản mà mua. “Giá đến 15 - 20 triệu đồng nhưng tiền nào của nấy, đồ Trung Quốc ở trong nhà bật lên, màn hình cũng dò được cá. Toàn cát quanh nhà thì biển đâu mà tín hiệu có trên màn hình cá vẫn nổi, đồ dỏm rồi. Đồ Nhật Bản bền, chắc, đồ thiệt nên bà con ngư dân tui yên tâm”, cụ Hiếu kể. Từ cái máy “tìm cá” của Điện, người Ngư Thủy Nam dần phổ cập cho chiếc thuyền bơ nan của mình. Chiều lại, từng tốp ngư dân ra biển, cái hộp nhôm nhỏ như tủ thuốc được nâng như nâng trứng. Họ gắn vào đó để tránh bị sóng đánh ướt máy. Khi ra ở vị trí đánh bắt, máy được bật lên, họ dò theo rặng san hô khổng lồ cách bờ chừng 5 hải lý, nơi đó vô số cá đang ẩn cư theo loài với từng đàn đông đúc...

Sáng sớm những hôm sau, mặt trời ló dạng, chừng 5 giờ sáng, các thuyền lặc lè vượt sóng vào bờ. Từng thúng cá được bê lên từ khoang thuyền. Đủ loại cá. Nhưng chủ lực vẫn là cá nục, cá trích, và mực nháy còn tươi rói. Ngư dân ở đây cho biết, cá của họ không hề ướp đá, đánh bắt trong đêm, vào bờ đã có xe của thương lái đợi sẵn bên chân sóng thu mua. Mỗi ký cá 8.000 đồng, mỗi thuyền đi 4 người, mỗi đêm họ khai thác được vài tạ cá đến nhiều nhất có thuyền 6 tấn cá. Tính ra, trừ chi phí, mỗi người được 500.000 đến chừng 1 triệu đồng. Ông Ngô Văn Quyến hồ hởi: “Một đêm đi biển, bãi ngang được chia như rứa là mừng. Nhưng có khi được chia đến 2 rồi 3 triệu đồng vì trúng đậm, mà trúng đậm đúng nhờ cái máy tìm cá cả”.

Không chỉ Ngư Thủy Nam mà Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc cũng đưa máy dò cá của Nhật Bản lên chiếc thuyền bơ nan nhỏ thó trước biển cả. Họ đánh bắt gần bờ nên mong đủ ăn, đủ mặc đã là ước mơ. Nhưng hai năm nay, khi có chiếc máy này, cuộc đời của ngư dân ở đây luôn có việc làm. Cũng chừng đó thời gian, nhờ có chiếc máy ấy, nhiều nhà cửa của ngư dân ở vùng Ngư Thủy được xây kiên cố. Con cá Ngư Thủy tươi ngon vì không ngâm tẩm, được khách khứa trong vùng và cả tận Đồng Hới đặt mua, bởi cái cách thức làm cá chân chất và bán không đắt đỏ đã cuốn hút khách phương xa.

Cá biển nuôi cá nước ngọt

Người vùng Ngư Thủy nay có chuyện mới khiến họ tự hào. Quê hương xứ biển mặn mòi lại nuôi rất tốt cá lóc xứ ruộng. Họ cũng xem đó là kỳ tích. Kỳ tích hơn nữa là cách nuôi, không cho cá ăn bột tăng trọng mà vỗ béo chúng bằng chính con cá biển họ đánh bắt được. Ngư Thủy Nam là trung tâm của cách nuôi cá lóc này. Lang thang trên biển làng, thấy từng tốp ngư dân dùng kéo cắt cá tươi rói thành mảnh, hỏi phải bà con làm mắm? Họ lắc đầu: “Để nuôi cá lóc chú ạ!”. Ông Nguyễn Xuân Quyết đang cùng vợ cắt mấy rổ cá nói thêm: “Chú không tin à. Chút nữa theo tui vô cho cá ăn là biết. Ở đây nuôi cá lóc mà cho ăn bột công nghiệp là tốn kém, vì thứ đó cá lóc ăn nhiều quá, đến bữa chưa có chúng đâm ra cắn nhau, ăn thịt nhau, lỗ hết. Cá biển ở đây mỗi cân tính ra mua gốc giá 8.000 đồng/kg, cắt nhỏ cho cá lóc ăn, cuối vụ tui lời được 20 triệu đồng, rứa là mừng. Ham hố lời nhiều mần chi. Phải uy tín thì cá nuôi mới ngon chú ạ”.

Chạy khắp các làng cát ở Ngư Thủy, gần như nhà nào cũng có một hồ cá. Trước đây không hề có cảnh này, bởi lúc đó nghèo, cái ăn lần mò từng bữa trên cát, không nghĩ ra được cách gì để khá hơn. Nay, mọi thứ đã đổi đời khi có con đường vượt sa mạc cát về với những phận người ở đây. Không chỉ người dân thoát cảnh khó khăn mà nhiều o của đội pháo binh Ngư Thủy năm xưa cũng thoát khó khăn. Như o Huân buôn bán cá mắm, đồ khô... đã gầy dựng được nhà cửa khang trang, tạo cơ nghiệp cho con cái. Và điều đặc biệt, những đứa trẻ làng cát ngày xưa chân bám vào cát bỏng, tìm trường học chữ hoa cả mắt, thì nay lứa trẻ mới lớn lên đã có trường ngay trên xứ cát. Mỗi năm, ở vùng này không chỉ hàng chục con em đậu đại học, cao đẳng mà còn có nhiều hơn số đó đi khỏi làng để học nghề, làm thợ. Dòng máu Ngư Thủy chịu thương, chịu khó, chịu đựng khắc nghiệt nên con gái, con trai ở đây tỏa đi làm thợ hay bất cứ nghề gì cũng được người khác trọng vị bởi tính cẩn trọng, chu đáo.

Ngư Thủy ngày nay đã khác. Tuy cuộc sống phía trước vẫn còn nhiều lo toan. Nhưng người làng biển bãi ngang đã vượt qua được định mệnh để chủ động với bao ba đào sóng cả. Làng của họ xưa cực nhưng là nếp đất cha ông để lại. Nay họ đã biết vươn vai để không thẹn với tổ tiên.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục