Phía bờ hậu phương

Khi những người lính cảnh sát biển, kiểm ngư đang ngày đêm có mặt tại điểm nóng mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển chủ quyền Việt Nam thì ở phía bờ, những người mẹ, người vợ vẫn đảm đang, mạnh mẽ. Phóng viên Báo SGGP tìm về làng quê Quảng Bình, nơi có những người phụ nữ là hậu phương chắc chắn cho người lính biển yên tâm với nhiệm vụ được giao.
Phía bờ hậu phương

Khi những người lính cảnh sát biển, kiểm ngư đang ngày đêm có mặt tại điểm nóng mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển chủ quyền Việt Nam thì ở phía bờ, những người mẹ, người vợ vẫn đảm đang, mạnh mẽ. Phóng viên Báo SGGP tìm về làng quê Quảng Bình, nơi có những người phụ nữ là hậu phương chắc chắn cho người lính biển yên tâm với nhiệm vụ được giao.

        Mẹ vẫn động viên con đi lính biển

Căn nhà bếp của mẹ Hồ Thị Đức, Trần Văn Phương mất trong trận chiến giữ đảo Gạc Ma vào ngày 13-3-1988 ở làng cát Đơn Sa (Quảng Phúc, Quảng Trạch) đã xuống cấp vì mối mọt. Mẹ Đức đang nhặt mớ lạc vừa đưa từ ruộng về đã vào chuyện: “Ngày xưa, thằng Phương hắn nói đi lính về thì sửa lại nhà cho mạ (mẹ) nhưng hắn hy sinh ở Gạc Ma. Chừ đã 25 năm rồi, mối mọt ăn hết đòn tay, rui, mè rồi mà hắn không về, hắn ở lại giữ biển cùng đồng đội rồi”... Mẹ Đức đã già, gần 80 tuổi, nhưng ruộng vườn vẫn làm để mưu sinh. Năm anh Phương hy sinh, mẹ Đức động viên đứa con thứ hai lên đường.

Kể về những đứa con, mẹ Đức nói: “Mệ có 4 đứa con trai thì 3 đứa mệ động viên đi lính biển hết. Thằng Phương đi xong thì thằng Hồng, thằng Hồng đi xong thì động viên thằng Hiệp đi. Chừ thằng Hồng qua cảnh sát biển rồi, thằng Hiệp đi xong thì về giúp mạ làm ruộng”. Khi chúng tôi về làng cát Đơn Sa, anh Hồng đang có mặt ở vùng 2 cảnh sát biển để làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển. Anh vốn là lính hải quân từ năm 1988 đến năm 2001 thì sang cảnh sát biển.

Chủ yếu có mặt trên sóng nước là chính, nhưng mẹ Đức tin tưởng lắm, mẹ nói: “Đẻ được đứa con trai mô lớn là mệ động viên đi lính biển hết, đi để góp sức góp công bảo vệ đất nước. Có hy sinh mệ cũng cam lòng, chừ có nhiễu sự, mệ cũng động viên mấy đứa tái nhập ngũ. Vì nước vì non thì mạ sá chi...”.

Bà Hồ Thị Đức, người mẹ có 3 con trai đều đi lính biển, con trai lớn - liệt sĩ Trần Văn Phương đã hy sinh ở đảo Gạc Ma.

Bà Hồ Thị Đức, người mẹ có 3 con trai đều đi lính biển, con trai lớn - liệt sĩ Trần Văn Phương đã hy sinh ở đảo Gạc Ma.

Trên những đồi cát lúp xúp của làng Thanh Bình (Quảng Xuân, Quảng Trạch), cụ Phạm Thị Thại (88 tuổi) đang vun những đống lúa vào bao. Cụ đã già, lưng khom sát đất nuôi chồng đang nằm liệt giường nhưng khi nói về những đứa con là lính biển, mắt cụ ánh lên niềm tin vững vàng.

Cụ Thại kể: “Tui có 4 đứa con trai, đi lính hải quân cả bốn. Một đứa mất năm 1988 trên biển chưa tìm được xác, 3 đứa còn lại tui cũng động viên đi. Chừ xuất quân rồi, hiện chuyển qua kiểm ngư, cũng tham gia bảo vệ biển Hoàng Sa. Tui coi thời sự trên ti vi, chộ Trung Quốc ngang ngược mà giận lắm, uất lắm. Nhìn mấy đứa con, có hề chi tui cũng động viên chúng góp sức”.

        Những người phụ nữ đảm đang

Anh Trần Xuân Hồng con mẹ Đức hiện đang làm nhiệm vụ của cảnh sát biển. Ở làng, vợ anh ngày đêm đảm đang nuôi con lớn khôn để anh yên tâm với đồng đội hoạt động chấp pháp trên biển quê hương. Chồng đi xa, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân mở cửa hàng may ở làng. Chị cho biết: “Trước đây anh làm lính hải quân, vợ con vào trong Cam Ranh, Khánh Hòa động viên anh giành hết tâm sức với đồng đội. Ngày anh chuyển sang cảnh sát biển, thì vợ con về quê. Chừ thấy tình hình Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam ta, càng động viên anh vững tâm với đồng đội, ở nhà con cái đã có em lo”.

Anh chị có hai con. Đứa lớn đang học ở Đại học Quảng Bình, đứa nhỏ đã lên lớp 5, cả hai cháu đều học giỏi. Làm được điều đó, mẹ Đức khen: “Con Xuân rứa là hậu phương vững chắc cho thằng Hồng đó”.

Bên bờ sông Kiến Giang, tại làng Hiển Lộc (Duy Ninh, Quảng Ninh), một người phụ nữ từng là hậu phương của chồng, nay là hậu phương của con. Chị Trần Thị Liễu, vợ của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, hy sinh tại đảo Gạc Ma. Lúc anh lên đường, họ có hai đứa con nhỏ Nguyễn Mậu Trường (SN 1986), và Nguyễn Tiến Xuân (SN 1988). Anh Phong lúc đó là đảo trưởng đảo Gạc Ma, chị Liễu một mình vừa nuôi con vừa làm ruộng, nhưng vẫn động viên chồng bám chắc biển đảo cùng đồng đội. Chị là hậu phương vững vàng cho anh chắc tay súng.

Ngày anh hy sinh, hai đứa con còn nhỏ dại, chị vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi nấng chúng nên người. Thằng Trường lớn lên viết đơn vào đơn vị của bố từng công tác xin là lính hải quân. Rồi thằng Xuân cũng theo gương anh viết đơn tình nguyện. Cả hai đứa con trở thành đồng đội của bố. Chị Liễu mừng rơi nước mắt: “Rứa là tụi nhỏ đã lớn, đã biết suy nghĩ góp chút sức với bao người khác ở khắp miền đất nước để bảo vệ biển đảo”. Hiện Trường đã ra quân đang mưu sinh ở thành phố Vũng Tàu. Còn Xuân ở lại quân ngũ để nối tiếp tấm gương người cha liệt sĩ.

Chị Liễu ở quê, thấy Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan trái phép trong biển chủ quyền nước ta, chị vẫn thường gọi điện động viên con: “Ở nhà mọi việc khói hương cho ba đã có mạ lo. Con cứ theo nhiệm vụ thật tốt, biết kính trên nhường dưới, biết đoàn kết với đồng đội để có sức mạnh mà góp sức bảo vệ biển đảo nghe con”. Những lúc động viên con xong, chị Liễu lại thắp hương trên bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, khấn mong anh cùng đồng đội đã khuất phù hộ cho bao người lính đang công tác ở các vùng biển đảo được tai qua nạn khỏi.

        Lời khen từ hậu phương

Trở lại với mẹ Hồ Thị Đức, mẹ kể: “Thằng Phương hy sinh, hắn có một đứa con là Trần Thị Thủy. Tưởng hắn con gái sẽ đi dạy, ai ngờ lớn lên, hắn viết thư vô Cam Ranh (Khánh Hòa), xin vào đơn vị ba hắn để được là lính hải quân. Khi biết hắn viết đơn như rứa, mệ động viên, ba con là người lính đã hy sinh, vào bộ đội biển, con nhớ phải lễ phép. Rứa là con Thủy đi, chừ hắn cũng dần cứng cáp, mỗi lần hắn gọi điện về, mệ nói hắn cứ yên tâm công tác, đừng lo chi ở nhà hết, ai cũng khỏe”. Tính ra, gia đình mẹ Đức có đến 4 người là lính biển. Với Thủy mẹ Đức khen: “Hắn rứa là nậy rồi, tin tưởng được rồi”.

Mấy ngày nay, mẹ Đức không bỏ sót bất cứ thông tin nào việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên tivi và đài phát thanh. Mẹ rất phẫn nộ với hành động ngược ngạo, nhưng rất ngợi khen những người lính biển. “Cảnh sát biển rồi kiểm ngư của mình rất hiên ngang, không sợ tàu của Trung Quốc rất to, mà bình tĩnh. Mình có bị thương, có tàu hỏng vì bị đâm nhưng rất can đảm để nói với họ biển Hoàng Sa là biển của ta. Mệ thấy rứa là yên tâm lắm, phấn khởi tinh thần cảnh sát biển, kiểm ngư rất điềm đạm”- mẹ bày tỏ.

Còn cụ Thại thì bộc bạch: “Chừ có nhà báo về, cho tui gửi lời thăm đến đồng đội của con tui trên biển, các con cứ yên tâm bám biển bảo vệ quê hương, ở nhà làng xóm, anh em tin tưởng lắm”. Không riêng gì mẹ Đức, cụ Thại, nhiều người ở các làng quê mà chúng tôi tiếp xúc đều tin tưởng vào lực lượng cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư, luôn hành động kiên cường, dũng cảm.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục