Lúa vui vào thì con gái

Lúa vui vào thì con gái

Dọc dài những vựa lúa miền Trung, trên các triền đê, dọc chân ruộng, lúa đã rập rờn vào thì con gái. Thì con gái là cách nhà nông nói về giai đoạn lúa chuẩn bị trổ đòng. Ở Quảng Bình, Quảng Trị hay ngược ra Hà Tĩnh, nông dân phấn khởi nhìn những khóm lúa xanh mẫm, mượt mà. Họ nói rằng, trong 5 năm qua, chưa lúc nào mùa lúa đến thì con gái xanh mướt như thế. Báo hiệu một vụ được mùa khi lúa ưỡn ngực đón hương vị khí trời thuận lợi khắp nơi.

1.
Lúa đã reo ưỡn ngực làm đòng trên các chân ruộng giữa màn sương giăng buổi sớm. Đi dọc quốc lộ 1A đoạn qua hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy thấy đồng lúa xanh ngút mắt. Màu xanh đậm đà reo trong gió nồm tạo từng làn sóng xô đuổi nhau như bất tận. Cụ Nguyễn Thế Thi đang thăm đồng, bón đạm nói vui: “Xưa tui trẻ nhìn con gấy (con gái) mà thích mắt răng thì chừ nhìn lúa vô thì con gái thích mắt rứa. Không thích răng được, vì chưa có khi mô lúa xanh mẫm, chắc nịch như năm ni chú ơi. Nhìn mà sướng trong lòng, đời làm nông thấy lúa rì rào như ri là vui lắm chú ơi!”...

Từ mờ sáng, người từ khắp các làng mạc của xã Tân Ninh đã í ới gọi nhau xuyên sương ra đồng để bón đạm, ngắm lúa thì con gái. Bà Nguyễn Thị Lý nói: “Lúa được mùa hay không nhìn giai đoạn này sẽ biết. Thân lúa thẳng tắp, đứng đều, chẹn lúa không lẫn cỏ, nước dưới ruộng vừa đủ để mát mẻ lá lúa ở trên”. Trời tháng tư không quá nắng cũng không quá lạnh, sáng sớm qua sương, mùi lúa thì con gái mơn man lộng lẫy. Cái mùi “thơ dại” của lúa non với đất trời chẳng lẫn đi đâu được. Mùi thơm của cọng lúa cứ thế phát tán khắp làng mạc, làm lòng người quê mùa dậy sớm cũng thư thái.

Một cánh đồng làng bên triền sông Kiến Giang xanh mơn mởn ở thì con gái.

Một cánh đồng làng bên triền sông Kiến Giang xanh mơn mởn ở thì con gái.

Hửng nắng giữa trưa, mùi lúa thơm đậm chất đất, những hương hỏa xa xưa như ùa về dưới triền đê, bóng dáng của văn minh lúa nước mấy ngàn năm cũng hiện ra qua bao trang sách từng đọc. Ngọn lúa đã không biết bao nhiêu năm trở qua thì con gái để đủ đầy dòng sữa nuôi nấng con người xứ Việt vượt dâu bể thời gian để giữ đất, giữ làng. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay khoác chiếc áo xanh non rạng rỡ giữa mùa lao động bền bỉ của nhà nông không một ngày ngơi nghỉ. Giữa mùa lúa thì con gái đó, lòng người như ngất ngây.

2. Tôi có người bạn Robny quốc tịch Úc, nói sõi tiếng Việt, đang học Ngữ văn ở Hà Nội. Mỗi bận đi thực tập đều về các cánh đồng vùng châu thổ sông Kiến Giang du lịch bụi. Robny chọn thời khắc đầu tháng tư và thốt lên lời khen người nông dân xứ Việt như những nghệ sĩ tài ba trình diễn các kỹ năng lúa nước hàng ngàn năm kiểu thủ công, để tạo ra các cánh đồng khổng lồ, nhìn lút đến đường chân trời vẫn không hết màu lúa xanh rì đầy hưng phấn. Trong con mắt của Robny, những thửa ruộng được gieo trồng đó là cách tỉ mẩn kết hợp tài ba của bàn tay họa sĩ, nhà thiết kế, người làm vườn thâm hậu và cách tính toán thông minh của việc bón đạm, chắt nước vào ruộng.

Tôi giải thích với Robny rằng, người dân làm ruộng họ không nghĩ như cách nhìn đó. Họ một nắng hai sương, quần quật với bao mồ hôi nước mắt trên thửa ruộng của mình không phải để ngắm như du khách xa tít ở đâu về, mà họ làm vì cuộc sống mưu sinh phía trước, họ vất vả để mong đổi lại vụ thu hoạch được mùa, không thất bát. Vụ mùa nào lúa xanh tốt ở giai đoạn thì con gái, người phía ruộng chắc chắn phấn chấn để tính tiếp vụ sau một cách cảm hứng. Nếu lúa bị sâu bọ hoặc chuột phá hoại, tinh thần sẽ âu lo, đất đai bất lợi và mùa màng chẳng được bội thu.

Nhưng Robny vẫn một mực lý luận bằng giọng lơ lớ rằng, chính anh chưa bao giờ thấy việc nào như thế ở Úc, đó là một kỳ quan màu xanh ở các làng quê miền Trung này. Góc nhìn của Robny rất khác, anh ta giải nghĩa rằng, ở Việt Nam, màu xanh của núi rừng có thể biến mất nhưng màu xanh của ruộng lúa sẽ vẫn kéo dài mãi, đó không chỉ là cứu cánh của nông nghiệp mà chính lúa cũng giúp giảm thải khí nhà kính, cung cấp không khí trong lành cho con người mà không một giống loài nào có thể thích hợp hơn. Nó vừa có cái ăn, vừa là nhà máy sản xuất ôxy tự nhiên lớn nhất cho người dân một cách miễn phí. Có lẽ Robny đúng với cách nhìn của anh, nhưng nhiều người làm đồng đã cười khi nghe anh nói thế, bởi họ chưa nghĩ đến điều đó bao giờ.

3. Đi trên triền ruộng vùng Quảng Ninh, bất giác có ai đó hát Lý mười thương dị bản ruộng đồng: Một thương lúa xỏa đầu bờ/ Hai thương, hai thương lúa tỏa mùi hương ngạt ngào... Nghe xong dị bản tự biên mới thấy nông dân đang phấn chấn với chân ruộng mùa năm nay. Bà Lý nói: “Ít bữa qua thì con gái, lúa trổ đòng, rồi ngậm sữa, thơm phải biết. Nhưng chắc chắn năm nay được mùa rồi”. Kinh nghiệm truyền đời về chân lúa, gốc mạ đã nói lên điều đó.

Để có cuộc vui thì con gái, người nông dân lam lũ đã trằn mình nhiều đêm ngâm giống lúa nẩy mầm. Theo bà Lý, phải 7 ngày đêm ngâm ủ để lúa nẩy mầm đúng ý. Vừa tưới nước mát, vừa tưới nước ấm cho mầm lúa không bị ra chất nhờn. Kỳ công mỗi đêm phải trở hạt giống 3 cữ cho hiểu tính lúa, để biết nó có “thương người” mà lớn lên bình thường rồi ra đồng đúng hẹn hay không? Ngàn năm trước, lúa nẩy mầm như thế nào theo cách thủ công thì ngàn năm sau, những nông dân như bà Lý cũng làm y hệt như tổ tiên mình đã chắt chiu, truyền đạt.

Lúa trên đồng ở thì con gái xanh mướt đều tắp, nhưng với bà Lý hay nhiều nông dân kinh nghiệm phía làng nhìn thửa này với thửa kia sẽ biết đâu là lúa ngắn ngày, đâu là thửa lúa dài ngày. Chẹn lúa ngắn ngày chỉ cần gieo trong 70 ngày đã thu hoạch, lúa không cao, chỉ thấp ngang bờ ruộng. Sức của nó cực khổ, ở với đất đai bạc màu, phèn mặn. Nhưng nó cũng cố lớn cho nhà nông thành quả thu hoạch khi chín rộ. Dòng lúa dài ngày được nông dân ví von là “công chúa”. Đỏng đảnh, kiêng khem, chăm bẵm nhiều hơn sức lúa 70 ngày. Nàng “công chúa” này có cuộc trưởng thành đến 120 ngày mới thu hoạch. Nhưng như bà Lý nói: “Nông dân thích giống dài ngày, vì cho năng suất cao, mỗi thước vuông (mét) cho cả bao lúa, chớ giống ngắn ngày cả sào chỉ được vài bao thôi. Chẳng qua dặm thêm. Cái lúa dài ngày mới làm nông dân hy vọng tràn trề”.

Và đến vụ mùa thu hoạch, lúa phải trải qua một quang cảnh thụ phấn, thụ tinh rộng khắp trên các cánh đồng. Nếu có một camera quay lại sinh cảnh 35 ngày thụ tinh này chắc chắn đó sẽ là thước phim quý giá đầu tiên của cảnh lúa chắt từng giọt tinh túy của đất trời cho con người được thụ hưởng thành quả mà người ta gọi nôm na là gạo cơm. Từng nhụy đực, nhụy cái và phấn lúa được gió, côn trùng, ong bướm đưa đi quấn quýt vào nhau, thụ tinh cho nhau rồi cương sữa từng hạt lúa trong nắng vàng rực. Nắng chan lên làm chín rộ các chẹn lúa - một thành quả mà nhà nông rất thích. Người ta nói vui, đó là giai đoạn cây lúa “đang yêu”, bởi thế mà thì con gái lúa đẹp mây mẩy khiến ai cũng mừng, bởi thân lúa “yêu kiều” đến lạ...

Gió mơn man thổi khắp các cánh đồng, bà Lý vừa bỏ xong phân đạm trên thửa ruộng của mình. Vụ này bà tin thắng chắc, tiền học cho hai đứa con và bao sinh hoạt cho các tháng ngày tới đều nhờ vào số lúa đang thì con gái mặn mà này.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục