Tím biếc cuộc chia ly

Người mẹ trước mặt chúng tôi rất khiêm nhường, lặng lẽ. Nhưng tôi tự hỏi, nếu như cuộc kháng chiến không có những người mẹ dám hy sinh, mất mát; dám chịu đựng, vượt lên nỗi cô đơn sâu thăm thẳm như mẹ Phan Thị Hồng, liệu có được chiến thắng lớn của dân tộc?
Tím biếc cuộc chia ly

Người mẹ trước mặt chúng tôi rất khiêm nhường, lặng lẽ. Nhưng tôi tự hỏi, nếu như cuộc kháng chiến không có những người mẹ dám hy sinh, mất mát; dám chịu đựng, vượt lên nỗi cô đơn sâu thăm thẳm như mẹ Phan Thị Hồng, liệu có được chiến thắng lớn của dân tộc?

Mẹ VNAH Phan Thị Hồng (Sáu Tiến), sinh năm 1936, khi làm công tác giao liên Khu Tây Nam bộ (trái) và hiện nay, khi ở bên di ảnh người thân yêu nhất của cuộc đời.

1. Mẹ Phan Thị Hồng cất giọng trầm buồn, kể về cuộc đời mình. Chồng đi tập kết khi mẹ mới 19 tuổi. Lúc ấy, mẹ mới mang thai, nên phải ở lại quê hương. Năm 1955, mẹ thoát ly làm giao liên công khai cho Khu Tây Nam bộ. Khi Hiệp định Genève bị phá vỡ, mẹ biết mình không thể ngồi yên, mà phải góp tay để đất nước mau có được hòa bình. Những năm chính quyền Ngô Đình Diệm được dựng lên, ra lệnh tàn sát những người kháng chiến cũ, mẹ đã khôn khéo thoát khỏi tầm kiểm soát của địch, lặng lẽ nhận lấy một nhiệm vụ vô cùng lớn lao: nối liền đường dây huyết mạch giao thông liên lạc cho cách mạng.

Với chiếc thuyền mong manh, mái chèo, đôi tay bền bỉ, cải trang thành thường dân, mua bán cây trái, khoai củ kiếm sống, mẹ đưa thư từ, tài liệu, vũ khí, cán bộ từ tỉnh này qua tỉnh khác, từ khu 8 sang khu 9, vượt qua những con sông “cuộn sóng”, qua những đồn bót, trạm gác… Mẹ làm hầm bí mật nuôi giấu cán bộ ngay trong vùng địch kiểm soát. Mẹ tâm sự: “Có những việc mình làm mình biết, nguy hiểm lắm, sơ suất một chút là đổi bằng tính mạng. Những lúc đi vào vùng giặc, mẹ giấu tài liệu trong người mà vẫn làm ra vẻ bình thản, để địch không nghi ngờ. Cứ thế, mẹ đi qua lằn ranh của sự sống chết… Mẹ gửi con trai cho nhà nội. Lên 10 tuổi, con trai mẹ được tổ chức đưa đi học trường thiếu sinh quân ở Cà Mau”.

Mẹ Phan Thị Hồng nhìn lên bức di ảnh con trai - liệt sĩ Lê Công Chiến, ngậm ngùi: “Nó nhiều lần trốn khỏi trường, đòi đi bộ đội. Mấy đứa con gái học cùng trường, biết nó sẽ bỏ đi, năn nỉ: “Anh ở lại với tụi em, đừng đi! Anh mà trốn đi, trường mình không được khen thưởng đó!”. Mẹ cười trong nước mắt, nói: “Nó quyết đi trả thù cho cha. Có một lần, biết nó trốn đi, tôi tìm tới, đau thắt lòng khi thấy con trai chưa đủ cao để đeo súng. Tôi nói: “Con đi mẹ sẽ chết”. Nó hỏi: “Sao mẹ phải chết?”. Mẹ nói: “Lo cho con mà mẹ chết”. Lặng đi một lúc, mẹ tiếp lời: “Không phải mẹ không muốn con đi bộ đội. Rồi con phải nhập ngũ, đi chiến đấu, như ba con. Nhưng đợi lớn đã. Con còn nhỏ quá, vô bộ đội làm ảnh hưởng đơn vị. Lỡ không chịu đựng được gian khổ, con đào ngũ, bỏ về, mẹ xấu hổ, tự vận chết chớ sao”. Lần đó, nó thương mẹ, trả súng đi về. Nhưng rồi khi cao thêm được một chút, nó lại trốn đi bộ đội. Lần này, nó đi thiệt…”.

2. Câu hỏi của những người tuổi trẻ vô tình gợi lên trong lòng mẹ nỗi đau về một cuộc chia ly vĩnh viễn, về ngày gặp mặt mẹ từng chờ đợi, khao khát. Mẹ kể về chồng mẹ - Lê Công Nhâm - sau khi tập kết ra Bắc, đã tìm mọi cách trở về Nam chiến đấu. Ông sớm có mặt ở đoàn quân vượt Trường Sơn vào Nam. Trải qua hàng tháng trời gian khổ, hiểm nguy, ông về đến được cánh rừng Tây Ninh, giáp căn cứ Campuchia. Lúc đó, ông ở Lữ đoàn 338, phụ trách thông tin. Mơ ước lớn nhất của người lính ra đi từ mùa thu năm 1945 là được gặp lại vợ con.

Bản thân cuộc đời làm giao liên của mẹ là một nghịch lý, bởi mẹ từng đưa đón bao cán bộ, nối đường dây cho bao cặp uyên ương được gặp nhau nhưng bản thân mẹ, một cuộc đoàn tụ với chồng sau nhiều năm chia cắt cũng chỉ là mơ ước. Khi nhận được tin chồng đã về đến Tây Ninh, lòng mẹ rộn rã niềm vui. Nỗi nhớ chồng cồn cào gan ruột người vợ trẻ.

Giao trạm cho đồng đội, người vợ trẻ chuẩn bị nhiều thứ đi thăm chồng. Mẹ kể: “Mẹ giã nếp gói bánh cho chồng. Bao năm xa cách, là vợ, mẹ biết chồng mẹ thích ăn gì, mặc gì. Mẹ chuẩn bị nhiều thứ lắm. Nhưng như có linh tính, sao mẹ giã nếp mà nhấc cái chày lên không nổi, tay chân rã rời. Lần đó mẹ hồ hởi dắt thằng Chiến đi theo cho nó gặp ba nó, vượt qua nhiều trận đụng độ với giặc, nhiều trận địch càn, ném bom… Lần hồi, hai mẹ con lên tới được rừng Tây Ninh, ở nhà một cơ sở, sát căn cứ của ông ấy mà không vào trong được, do địch mở trận càn rất ác liệt. Mẹ nghe loáng thoáng, trận càn ấy có hai cán bộ mùa thu hy sinh. Tình hình ác liệt đến mức mẹ muốn hỏi mà không sao hỏi rõ, tường tận được; cũng không dám hỏi vì sợ phải đối mặt với thực tế, đành phải dẫn con về…

20 ngày sau, mẹ tìm mọi cách đi thăm chồng. Lần này, mẹ đưa con đi bằng đường sông. Ra đón mẹ là một anh bộ đội tưởng vợ mình đến thăm nhưng không phải. Qua lời anh bộ đội mẹ mới biết, chồng mẹ cũng đã từng đi đón vợ hụt như thế. Nhiều lúc xuyên mấy chục cây số đường rừng, tới nơi, mặt buồn hiu trở về vì đó là vợ người ta. Nghe ông kể, mẹ càng thấy thương chồng. Xuống xuồng, mẹ giành cầm chèo cho mau tới. Anh bộ đội nhìn mái chèo thoăn thoắt của mẹ, cảm động hỏi: “Chồng chị tên gì”. Mẹ nói: “Lê Công Nhâm”. Anh bộ đội lặng nhìn người thiếu phụ. Thật khó khăn, anh mới cất được lời: “Chồng chị hy sinh rồi”. Bàn tay cầm chèo của mẹ khựng lại, chiếc xuồng chao đi. Từ đó, mẹ không còn chèo được nữa. Anh bộ đội đi cùng cầm lấy mái chèo. Con trai mẹ òa khóc nức nở. Cậu bé từng khao khát biết mặt cha, từng tưởng tượng ra hình ảnh người cha là “bộ đội mùa thu” của mình, từng gặp người cha mà cậu bé tưởng tượng trong giấc mơ. Cậu gục vào ngực mẹ, biết giấc mơ ấy không bao giờ trở thành sự thật. Mẹ ôm chặt con, nước mắt cứ tuôn chảy. Những người trên xuồng lặng đi trước tiếng khóc và nước mắt của hai mẹ con. Mẹ nhớ như in, đó là ngày 2-5-1962. Người bộ đội đưa hai mẹ con vào căn cứ, đưa mẹ thăm mộ chồng. Thắp lên nén hương, mắt mẹ nhòa đi, nhớ ngày tiễn chồng đi tập kết. Mẹ nhớ, ra Bắc, ông gửi lá thư vào Nam động viên vợ: “Em ráng chờ anh. Hai năm anh về. Nhanh mà em, cứ như mình ngủ quên…”.

Qua lời kể của đồng đội ông, mẹ biết khi hy sinh, chồng mình đang làm nhà cho đơn vị thông tin, trực thăng bất ngờ bao vây, lao xuống đổ quân. Không muốn chiếc máy truyền tin quý báu rơi vào tay giặc, ông quay về cơ quan, mang máy đem giấu. Lúc ấy, trực thăng rà soát, bám mục tiêu, đáp xuống, lôi ông lên trực thăng. Ông kiên quyết không để bị bắt, lao xuống đất, chọn cái chết anh dũng...

3. Rồi mẹ kể, nghẹn ngào, sau đó, cả hai mẹ con đều lao vào chiến dịch Mậu Thân. Mẹ là giao liên công khai, như con thoi đưa thư từ, tin tức, vũ khí từ Cà Mau về Cần Thơ. Có một lần trực thăng đổ quân, càn quét, mẹ suýt bị bắt. Mẹ chợt bình tĩnh, mang tài liệu đem giấu. Mẹ kéo chị em còn thiếu kinh nghiệm xuống hầm, tránh đạn. Mẹ kể: “Khó khăn, gian khổ, mẹ không sợ, mẹ chỉ sợ gặp mấy tên lính quen nhận mặt. Có lần, mẹ chở vũ khí ngụy trang, chất bí đỏ lên xuồng. Đếm trạm gác, tên lính nhìn mẹ lom lom: “Sao tôi thấy chị quen quá. Chị con nhà…”. Mẹ đánh lạc hướng: “Con má Bảy”. Mẹ nhớ má Bảy là gia đình binh sĩ, có con là sĩ quan quân đội Sài Gòn. Tên lính phân vân: “Sao tui không biết?”. “Tại em đi hoài nên anh không biết”. Tên lính khoát tay với đồng bọn: “Thôi cho qua, khỏi xét”. Bơi xuồng qua khỏi vùng nguy hiểm, mẹ mới tin mình vừa thoát chết…

Mải lao vào những chuyến công tác giao liên đặc biệt, mẹ đâu hay, đêm mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, con trai mẹ hy sinh khi anh Lê Công Chiến tham gia một trận đánh vào mục tiêu ở Tây Nam bộ. Đơn vị của anh dũng cảm mở mũi xung phong nhưng do lực lượng địch quá mạnh, đơn vị anh bị đẩy bật ra ngoài…

Nỗi đau mất chồng, mất đứa con trai duy nhất sâu thẳm hơn trời đêm, mênh mang hơn sông nước. Nhưng mẹ không thể gục xuống, khi cách mạng đang cần người giao liên dạn dày sông nước. Có ai ngờ những lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam vượt qua cơn sóng dữ của thời khó khăn, ác liệt nhất của cuộc cách mạng bằng con thuyền mong manh của những người phụ nữ mảnh mai, bé nhỏ. Sau Mậu Thân 1968, địch phản công dữ dội. Cách mạng miền Nam không tránh được tổn thất. Từ chiến trường Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định Võ Văn Kiệt theo đường giao liên công khai, về đến khu 9 tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng. Mẹ Phan Thị Hồng được giao nhiệm vụ đưa đón các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Trung ương Cục miền Nam vượt qua những dòng sông nguy hiểm, về đến căn cứ miền Tây.

Chiến tranh trôi qua đã gần 40 năm, vậy mà mẹ Phan Thị Hồng vẫn nhớ như in lần đưa đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc ấy là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, trên chiếc vỏ lãi, từ căn cứ U Minh, ra Hộ Phòng… Khi ấy tàu địch giăng kín sông. Mẹ kể: “Trước lúc xuống vỏ lãi, chú Sáu Dân (bí danh đồng chí Võ Văn Kiệt) thấy mình trắng quá, không giống như dân sông nước xứ U Minh, nên chú lấy dầu nhớt thoa lên da cho lem luốc, để bớt trắng. Mẹ dự đoán tình huống khi chở mấy chú đi công khai, lỡ đụng tàu địch, hoặc bọn lính ở trạm xét hỏi, sẽ rất căng nên dặn chú Sáu: “Chú Sáu ơi, ra ngoài đó, chú nín thinh, giả điếc nghen!”. Chú Sáu giả điếc rất giống. Anh Sáu Quắn ngồi phía trước, chú Sáu ngồi phía sau, mẹ cầm lái. Đúng như mẹ đoán, tàu địch kêu lại xét hỏi. Chú Sáu giả bộ không nghe gì. Mẹ nói: “Đây là chú tôi. Chú bị bệnh nặng lắm!”. Tên lính hỏi: “Bệnh gì?”. Mẹ nói nhanh: “Bệnh lao”. Tên lính tỏ ra ghê sợ, khoát tay: “Thôi đi đi”. Chú Sáu là vậy, rất bình tĩnh, vững vàng trước mọi tình huống!”.

Trong cuộc đời làm giao liên công khai, mẹ không nhớ mình đã thực hiện bao chuyến đi, chở bao nhiêu tấn vũ khí, đưa đón bao cán bộ; đưa bao người vợ, người chồng sau bao năm xa cách gặp nhau… Những chuyến công tác khó khăn nhất, nguy hiểm nhất, bằng sự mưu trí, dũng cảm, mẹ đã quên mình hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng có một việc mà mãi đến hôm nay, lòng mẹ luôn day dứt, mẹ vẫn thấy chưa yên lòng. Nghĩa trang Vĩnh Long chừa một chỗ trống dành cho ngôi mộ của con trai mẹ - liệt sĩ Lê Công Chiến - nhưng cho mãi đến nay, vẫn chưa tìm được hài cốt. Trước mộ chồng - liệt sĩ Lê Công Nhâm từ Tây Ninh được quy tập về nghĩa trang Vĩnh Long - mẹ thầm hứa: “Em sẽ hết sức cố gắng tìm Chiến về bên cạnh anh!”.

TRẦM HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục