Mỹ thay ngựa giữa dòng: Đối phó với đe dọa an ninh

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 24-11 đã công bố quyết định chấp thuận đơn từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, 68 tuổi. Sự ra đi của ông Hagel đã được báo trước từ nhiều tháng trước đó thông qua những chính sách của Nhà Trắng.
Mỹ thay ngựa giữa dòng: Đối phó với đe dọa an ninh

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 24-11 đã công bố quyết định chấp thuận đơn từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, 68 tuổi. Sự ra đi của ông Hagel đã được báo trước từ nhiều tháng trước đó thông qua những chính sách của Nhà Trắng.

Lạc lõng giữa Nhà Trắng

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel từ chức dưới áp lực của Tổng thống Barack Obama trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng phải cải tổ đội ngũ an ninh quốc gia, nhất là khi Mỹ đang đối mặt với các cuộc xung đột leo thang ở nước ngoài và đảng Cộng hòa chiếm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội.

Tờ New York Times nhắc lại rằng hồi tháng 2-2013, ông Obama rất hồ hởi đề cử ông Hagel, một nhân vật thuộc đảng Cộng hòa vào vị trí đứng đầu Lầu Năm Góc với kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan. Giờ đây, ông Hagel lại bị cáo buộc là thụ động trước chính sách quốc phòng của Mỹ, nhất là trong việc đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông Hagel cũng được tờ New York Times cho rằng thiếu sự hỗ trợ trong từ các nhân vật thân cận với ông Obama.

Theo tờ báo này, phụ tá của ông Obama đã quyết định loại bỏ Bộ trưởng Quốc phòng sau khi căng thẳng gia tăng trong hàng loạt các vấn đề, bao gồm cả những gì được xem là sự chậm trễ của ông Hagel trong việc di dời nhà tù ở Guantanamo và những tranh cãi với bà Susan E. Rice, cố vấn an ninh quốc gia, về chính sách đối với Syria.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và ông Chuck Hagel trong buổi công bố quyết định của Tổng thống chấp nhận đơn từ chức của ông Hagel.

Trong thời gian tại vị, ông Hagel không bao giờ có thể thâm nhập sâu vào đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, New York Times dẫn lời các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cho biết. Ông có nhiều khác biệt với bà Rice, Ngoại trưởng John Kerry và cả chánh văn phòng Nhà Trắng Denis R. McDonough.

Tổng thống “quá gần với Susan Rice và John Kerry trong cuộc đàm phán với Iran”, một quan chức giấu tên của Chính phủ Mỹ cho biết. Ông Hagel cũng thường im lặng trong các cuộc họp của Nhà Trắng đến mức Nhà Trắng thường tìm đến ý kiến của Tướng Martin E. Dempsey, Chủ tịch của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân.

Theo New York Times, trong vài tháng qua, ông Hagel đã bị lu mờ trước Tướng Dempsey, người đã giành được sự tin tưởng của ông Obama với đề nghị của ông về hành động quân sự chống lại IS. Ngoài ra, ông Hagel cũng gặp khó khi lần đầu tiên trong gần hai thập niên qua, Bộ Quốc phòng Mỹ phải đối mặt với việc thu hẹp chi tiêu cũng như các tác động của việc cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Nguyên nhân cốt lõi là ông Obama hiện nay đang muốn có một bộ trưởng quốc phòng phục vụ cho chiến tranh, trong đó có các cuộc chiến tranh hiện tại Ukraine và Trung Đông. Khoảng 3.000 lính Mỹ đang được triển khai tại Iraq để giúp quân đội Iraq chống lại các chiến binh IS. Ngay cả trước khi đảng Dân chủ thua trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ trước đảng Cộng hòa, ông Obama đã phải chịu áp lực để “khởi động lại” đội ngũ an ninh quốc gia của ông khi có nhiều lời chỉ trích về phản ứng của Nhà Trắng trước IS, động thái của Nga ở Ukraine và các cuộc khủng hoảng khác.

Theo Reuters, một quan chức chính quyền Mỹ cho rằng ông Hagel đã làm rất tốt trong việc xử lý điểm nóng tại Afghanistan cũng như cắt giảm chi tiêu. Nhưng khi cuộc khủng hoảng về IS ở Iraq và Syria đã trở thành vấn đề ưu tiên lớn hơn, các quan chức cấp cao tại Nhà Trắng nghĩ rằng đó không phải là khu vực chuyên môn của ông Hagel.

The New York Times đưa tin, trước khi công bố chính thức việc từ chức của ông Hagel, trong 2 tuần qua, ông Obama và ông Hagel đã tổ chức một loạt các cuộc họp. Ông Hagel, sẽ tiếp tục phục vụ cho đến khi Bộ trưởng Quốc phòng tiếp theo của ông Obama được Quốc hội Mỹ thông qua.

Còn theo tờ Washington Post, ông Hagel dường như bị mất sự tôn kính của các tướng lĩnh quân đội trong các cuộc họp chiến lược của Nhà Trắng, đặc biệt là với cuộc chiến chống lại IS. “Tôi không bao giờ có thể nói được đâu là quan điểm của ông Hagel về bất cứ điều gì”, một quan chức cấp cao tham gia các cuộc họp cho biết. Thay vào đó, Hagel thường làm việc đằng sau hậu trường.

Khó cho người thay thế

Các quan chức chính phủ cho biết danh sách những người thay thế ông Hagel có Michèle Flournoy, 53 tuổi, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách chính sách. Bà được xem là gần gũi với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton. Kế đến là ông Ashton B. Carter, 60 tuổi, cựu Thứ trưởng Quốc phòng. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Rhode Island, ông Jack Reed, 63 tuổi, là cựu sĩ quan quốc phòng, cũng được coi là một ứng cử viên, nhưng phát ngôn viên của ông nói rằng ông không ra tranh cử chức này.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz, đảng Cộng hòa bang Texas, đã đề nghị chính quyền xem xét cựu Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman của bang Connecticut vào vị trí ông chủ Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, quan điểm của ông Lieberman về an ninh quốc gia được xem là quá bảo thủ.

Bên trong Lầu Năm Góc, có rất ít sự đồng thuận về các chính sách quốc phòng. Một số quan chức quân sự đã phàn nàn rằng chiến lược quân sự của Mỹ quá e dè và những giới hạn của tổng thống về việc sử dụng các lực lượng mặt đất của Mỹ đã đe doạ những nỗ lực của họ.

Ngoài ra, còn có sự bất mãn rộng rãi giữa những người đứng đầu các binh chủng với Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ. Dù là ai, Bộ trưởng Quốc phòng sắp tới của Mỹ cũng sẽ phải vật lộn với một chiến lược quân sự ở Iraq và Syria nhằm tiêu diệt IS. Bộ trưởng Quốc phòng tiếp theo sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn trong việc kiểm soát tư lệnh các binh chủng, nhất là khi người này ra điều trần trước Quốc hội.

THỤY VŨ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục