Thổ Nhĩ Kỳ kết nối Á - Âu

Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa lý đặc biệt, nằm ở cả 2 phần lục địa Á - Âu, là điểm dừng chân cuối cùng của “Con đường tơ lụa” huyền thoại; nơi hội tụ văn hóa, lịch sử lừng lẫy từ cổ đại đến hiện đại… Quốc gia Hồi giáo này đang dần cởi bỏ sự “bí ẩn” về mình để trở thành một nền kinh tế lớn mạnh, đặc biệt là sự tăng trưởng đột phá về thu hút khách du lịch.
Thổ Nhĩ Kỳ kết nối Á - Âu

Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa lý đặc biệt, nằm ở cả 2 phần lục địa Á - Âu, là điểm dừng chân cuối cùng của “Con đường tơ lụa” huyền thoại; nơi hội tụ văn hóa, lịch sử lừng lẫy từ cổ đại đến hiện đại… Quốc gia Hồi giáo này đang dần cởi bỏ sự “bí ẩn” về mình để trở thành một nền kinh tế lớn mạnh, đặc biệt là sự tăng trưởng đột phá về thu hút khách du lịch.

Istanbul - Điểm nối quan trọng

Istanbul là trung tâm kinh tế, văn hóa, lịch sử, là TP lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Istanbul thật sự đặc biệt với nhiều “cái nhất”, diện tích rộng 5.343km2 nhưng Istanbul là TP liên lục địa trải dài ở cả 2 châu lục Âu - Á, được nối với nhau bằng eo biển Bosphorus nằm trên tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Trung tâm lịch sử và thương mại của Istanbul nằm ở phần lục địa châu Âu, 1/3 dân số nơi đây sống ở phần thuộc châu Á. Với 14 triệu dân, Istanbul được xem là vùng đô thị lớn nhất châu Âu và được xếp vào một trong những TP đông dân nhất thế giới. Istanbul nằm trong tốp 5 thành phố có số lượng tỷ phú sống nhiều nhất thế giới.

Với bề dày lịch sử và vai trò cửa ngõ kết nối, Istanbul được mệnh danh là “Thủ đô của thế giới”. Istanbul cũng được xem là nơi trung chuyển lớn, hãng hàng không Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ có hơn 250 điểm đến trên toàn thế giới, chính vì vậy sân bay quốc tế Atatuk ở Istanbul luôn nhộn nhịp với những chuyến bay nối chuyến từ Á, Phi vào châu Âu và ngược lại. Các cảng biển nằm trên eo biển Bosphorus lúc nào cũng tấp nập tàu biển chở khách du lịch từ châu Âu cập cảng.

Thung lũng nấm với những cây nấm khổng lồ.

Với những gì đang có, Istanbul đã và đang có một sức hút lớn đối với du khách quốc tế. Lượng khách quốc tế đến Istanbul và Thổ Nhĩ Kỳ tăng đột biến, trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế. Vào thời điểm năm 2000, Istanbul chỉ đón 2,4 triệu khách quốc tế, đến năm 2010, TP này đón 7 triệu khách quốc tế và 3 năm sau, con số này đã tăng lên gấp đôi, lên 15 triệu khách quốc tế.

Ông Nguyễn Thế Cường, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết, với 78 triệu dân, Thổ Nhĩ Kỳ đã đón 35 triệu khách quốc tế trong năm 2013, lọt vào tốp 5 nước đón khách du lịch quốc tế nhiều nhất. Thủ đô Ankara chỉ có 1,5 triệu dân nhưng đón tới 12 triệu khách quốc tế; Istanbul có 14 triệu dân nhưng đón đến 15 triệu khách quốc tế. Với bước thay đổi chỉ trong vòng 12 năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang nắm giữ vai trò kinh tế, chính trị quan trọng của khu vực. Nền kinh tế đứng thứ 16 thế giới này đang mở ra nhiều cơ hội giao lưu thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam.

Cappadocia - Tuyệt tác dưới lớp tro bụi

Cappadocia cách Istanbul 1 giờ 45 phút bằng đường bay, một địa danh phải đến trên bản đồ du lịch thế giới, bởi sự độc đáo có một không hai mà tạo hóa đã ưu ái tạo ra cho vùng đất này. Sẽ không quá lời khi nói rằng, nếu như đã đến Thổ Nhĩ Kỳ mà chưa đến được Cappadocia thì đó là một thiếu sót lớn của những ai yêu thích khám phá, du lịch. Chính vì vậy, Cappadocia thu hút đến một nửa lượng du khách quốc tế đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Cappadocia từng là vùng đất chết trên sa mạc, hàng triệu năm trước, núi lửa phun trào đã tạo thành nhiều lớp mắc ma nhiều tầng, lớp. Trải qua biến đổi của thời gian, bên dưới lớp tro bụi đó đã hình thành nên những tuyệt tác thiên nhiên có một không hai dành riêng cho vùng đất này. Dường như mọi điều đặc biệt nhất của thế giới và của thiên nhiên đã hội tụ tại đây. Người ta nói rằng, có 3 thứ ở Cappadocia khiến ai cũng phải ao ước được một lần đặt chân đến, đó là một thiên nhiên độc nhất vô nhị, một bề dày lịch sử và một nền văn hóa cực kỳ độc đáo.

Do cấu tạo của địa chất từ những đợt phun trào núi lửa, đã hình thành nên những thung lũng “kỳ lạ”, với nhiều núi đá vôi có màu sắc, hình thù lạ mắt. Điểm nhấn là thung lũng nấm với những cây nấm khổng lồ, làm du khách ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến. Nếu có cơ hội đứng trên những đồi cao hoặc nhìn từ khinh khí cầu, du khách mới có thể nhìn thấy hết được vẻ đẹp mênh mông, đặc sắc của thiên nhiên nơi này.

Những ngôi nhà được khoét, đào sâu trong núi, kiến trúc độc đáo ở đây cũng là một bất ngờ cho du khách. Những ngôi nhà này sẽ giữ ấm vào mùa đông và làm mát vào mùa hè. Ngày nay, do cảnh báo về thải khí độc và nguy cơ sụp đổ bởi cấu tạo của đất yếu, nên người dân không được phép sống trong những ngôi nhà này. Tuy nhiên, ở thị trấn Goreme, những ngôi nhà trong núi này đã được tận dụng xây dựng thành những khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng phục vụ du khách.

Trong lịch sử, Cappadocia luôn là điểm nóng của các cuộc chinh phạt, xâm chiếm của nhiều đế chế lớn mạnh trong khu vực như Ba Tư, La Mã, Byzantine, Ottoman. Cuộc chiến giữa các sắc tộc và tôn giáo đã buộc người dân thời đó phải tìm cách trốn chạy, ẩn nấu kẻ thù bằng cách xây làng mạc dưới lòng đất. Hiện có khoảng 40 làng mạc nằm rải rác dưới lòng đất Cappadocia.

Trong đó, nổi tiếng nhất là TP ngầm Kaymakli sâu 7 tầng, xây dựng trên diện tích rộng 2,5 km2 vào thế kỷ VI-X; có đầy đủ các công trình sinh hoạt như phòng ngủ, nhà bếp, nhà thờ, kho chứa, sản xuất rượu… TP ngầm này vẫn đang được mở cửa phục vụ du khách tham quan ở 4 tầng.

Bán hàng trả giá kiểu người Thổ

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo, 97% dân số theo đạo Hồi. Tuy nhiên, so với nhiều nước ở khu vực lân cận, văn hóa Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ cởi mở hơn. Vì vậy hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa ở đây phần lớn đều do người đàn ông đảm nhận.

“Đàn ông Thổ bán hàng quá khéo” - đó là những nhận xét đầu tiên của du khách Việt Nam khi đã trải nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ở bất cứ đâu trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, khi đi qua các quầy hàng bán kem, bánh mứt, trái cây, nước ép… người bán luôn đon đả mời, thậm chí ép khách dùng thử, khi dùng xong bạn không mua hàng cũng đừng lo sợ người bán hàng sẽ khó chịu.

Với các đồ dùng khác cũng vậy, người bán hàng cũng rất vui vẻ khi bạn đã lục tung đống đồ mà không chọn mua được món nào. Sự bực tức, cáu gắt người mua, du khách dường như không có ở người Thổ. Đó không đơn thuần là nghệ thuật bán hàng mà là một nét văn hóa mà chúng ta cần học hỏi.

Theo chia sẻ của hướng dẫn viên địa phương, việc trả giá, kỳ kèo bớt một thêm hai trong mua bán tạo cảm giác giao lưu và khi trả giá thành công du khách sẽ cảm thấy vui vẻ vì mua được món hàng ưng ý với giá tốt. Áp dụng tốt nguyên tắc đầu tiên trong marketing bán hàng là phải nhớ tên khách, dù tên tiếng Việt có dấu, âm tiết khó đọc nhưng chắc chắn người bán hàng ở đây sẽ nói đúng tên khách trong suốt quá trình trao đổi, từ lúc hỏi tên khách cho đến khi nói lời tạm biệt.

Khi giới thiệu để bán một chiếc áo da nhãn hiệu Kircilar, người bán đưa ra 2 mức giá, 1.900 USD dành cho giá xuất khẩu, còn giá bán ở đây chỉ có 880 USD. Khi khách xem hàng, người bán bồi thêm: “Nếu các bạn mua, chúng tôi sẽ giảm 13% đơn giá, nếu mua nhiều chúng tôi sẽ giảm thêm và rồi nếu trả bằng tiền mặt sẽ giảm thêm chút nữa”. Người mua như đang bị cuốn theo đà giảm giá, khó bỏ qua món đồ mình ưa thích khi giá bán đã giảm đi khá nhiều. Và cuối cùng, chiếc áo da này giảm 25%, còn 660 USD!

Khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, du khách luôn được các công ty du lịch hỗ trợ, nên trả giá thấp hơn 20% - 40% khi mua hàng. Tuy nhiên, tùy theo cảm nhận về chất lượng, đánh giá giá trị món hàng, nếu khách giỏi trả giá sẽ mua được hàng với giá rất tốt, thậm chí thấp hơn rất nhiều so với giá đưa ra ban đầu.

Từ món hàng đắt tiền bày bán trong các showroom lớn ở các trung tâm du lịch cho đến cái móc khóa hàng lưu niệm bán ở vỉa hè, du khách điều có thể trả giá khi mua. Cả việc đi taxi cũng phải trả giá vì ở đây taxi không sử dụng đồng hồ tính kilômét đường đi. Tuy nhiên, ở các khu trung tâm mua sắm lớn tại Istanbul như Taksim thì mua theo giá niêm yết.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục