Phản công IS trên mặt trận truyền thông

Phản công IS trên mặt trận truyền thông

Sự tàn bạo của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khiến cộng đồng quốc tế khiếp sợ. Xác định đây là một cuộc chiến lâu dài và buộc phải dùng đến nhiều kế sách để đối phó, ngoài việc không kích thực địa, nhiều quốc gia đã tham gia vào cuộc chiến chống IS trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Think Again - Hãy nghĩ lại!

Theo Newsweek, nếu không có kế hoạch hữu hiệu, phương Tây sẽ thua IS trên mặt trận truyền thông. Lực lượng này đã sớm nhận ra sự hữu ích của các trang mạng Facebook, Twitter, You Tube, SoundCloud, Google Groups…, sử dụng Internet cho việc tuyển mộ các tân binh bằng những hình ảnh bôi nhọ lực lượng quân đội Iraq, Syria, rao giảng sự hận thù, hứa hẹn những khoản lương hậu hĩnh và cam kết mang lại một nhà nước Hồi giáo chính thống. Bằng hình thức tẩy não giới trẻ, IS tuyển mộ hàng ngàn tay súng nước ngoài, đồng thời tuyển mộ và trả lương cao cho các chuyên gia IT. Những người này phụ trách việc tải lên mạng các đoạn video tuyên truyền về IS, truyền bá các tài liệu và kêu gọi thánh chiến trên các mạng xã hội toàn cầu.

Những tín đồ cuồng IS sẽ trở thành cánh tay đắc lực giúp lực lượng này phát tán tầm ảnh hưởng. Giới điều tra phát hiện trên các trang mạng xã hội, như Vkontakte (Nga), những kẻ ủng hộ IS đang kêu gọi quyên góp ủng hộ về tài chính để tiến hành các hoạt động quân sự tại Iraq và Syria. Tại đây, người ủng hộ sẽ được hướng dẫn tỉ mỉ làm cách nào để có thể chuyển tiền vào tài khoản của IS. Số tiền này lên tới hàng trăm ngàn USD, được sử dụng để trả lương cho đội ngũ phục vụ IS.

Cộng đồng người Hồi giáo ủng hộ chống lại IS.

Lực lượng an ninh Mỹ nâng mức cảnh báo cao với IS vì sức phát tán sâu rộng của lực lượng này trên các phương tiện truyền thông trực tuyến. Văn phòng thông tin chống khủng bố Mỹ đã thành lập một đơn vị chống IS. Nhiệm vụ của đơn vị là lập các trang mạng xã hội bằng tiếng Anh để phát động chiến dịch mang tên Think Again, Turn Away nhằm thức tỉnh giới trẻ hãy suy nghĩ tỉnh táo trước những lời kêu gọi của IS. Số lượng thành viên tham gia và theo dõi đã lên tới hơn 12.000 người. Trong đoạn video mới đăng tải thời gian gần đây, trang mạng xã hội đóng vai trò vạch trần sự tàn ác của IS khi tàn sát các cộng đồng thiểu số tại Syria và Iraq hay sự tàn bạo trong việc phá hủy những di tích lịch sử tại Iraq.

Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia IT của quân đội Mỹ đã tiến hành chiến dịch tấn công kiểu du kích trên mạng nhằm vào hàng chục tài khoản trên mạng xã hội như Facebook, Twitter và You Tube có dính líu đến các phần tử Hồi giáo cực đoan, đăng tải bình luận, hình ảnh nhằm vận động các phần tử khủng bố và Hồi giáo cực đoan cải tà quy chính.

  Hiện IS đang kiểm soát khoảng 30% lãnh thổ Syria và một diện tích tương đương như vậy tại Iraq. Theo ước tính, tổ chức này quy tụ được khoảng 90.000 tay súng. Tổ chức này cũng có nguồn tài chính đáng kể với số tiền 2 tỷ USD trong ngân quỹ.  

Liên minh châu Âu (EU) và Facebook, Twitter đồng ý phối hợp nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan của IS, đồng thời thảo luận các biện pháp chặn những đoạn video hành quyết dã man trên mạng trực tuyến. Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới với 1,3 tỷ tài khoản người sử dụng, cam kết sẽ tích cực ngăn chặn những nhóm khủng bố trên mạng của mình. Monika Mickert, người đứng đầu cơ quan quản lý chính sách toàn cầu của Facebook cho biết công ty sẽ can thiệp khi phát hiện các tài khoản hoặc nội dung đăng lên vi phạm những điều kiện đặt ra đối với người sử dụng, đặc biệt là trong trường hợp kêu gọi bạo lực.

Trong khi đó, các nghị sĩ Quốc hội Nga đã yêu cầu sớm thông qua quy định ngăn chặn việc phát tán các ấn phẩm tin tức và video kêu gọi thánh chiến trên các trang mạng của IS tại Nga. Hiện Nga đã xác định IS không chỉ là mối đe dọa đối với Mỹ và phương Tây mà còn là mối đe dọa với nước này. Các phần tử thánh chiến đã đưa ra lời đe dọa Nga và tuyên bố chúng sẽ “giải phóng Tresnia” sau khi phát động một cuộc chiến tranh ở Bắc Kavkaz. Xét về mặt địa lý, không giống như Mỹ, Iraq và Syria gần với Nga hơn, chính vì vậy, các phần tử này cũng dễ thâm nhập vào Nga hơn Mỹ.

Cộng đồng Hồi giáo vào cuộc

Cùng với những nỗ lực tuyên truyền nhằm thức tỉnh giới trẻ tỉnh táo trước những lời kêu gọi thánh chiến của IS, thanh niên Hồi giáo khắp nơi trên thế giới cũng đang mở chiến dịch chống lại các phần tử cực đoan trên Twitter có tên gọi #NotInMyName. Trang mạng này đã liên kết với các mạng xã hội khác kêu gọi người sử dụng Internet trên toàn thế giới tố cáo những tội ác man rợ mà IS đã gây ra cũng như cảnh chúng hành quyết hàng loạt con tin.

Được xây dựng từ tổ chức Active Change Foundation (Quỹ Thay đổi tích cực) có trụ sở tại Anh, #NotInMyName thúc đẩy thanh niên Hồi giáo trên toàn cầu chiến đấu chống lại IS. Nói về những gì IS gây ra, Hanif Qadir, người sáng lập Active Change Foundation vào năm 2003 với mục đích ngăn ngừa tội phạm bạo lực đường phố, căng thẳng cộng đồng và chủ nghĩa cực đoan bạo lực ở phía Đông thủ đô London, nói: “Không có lý do gì hay sự hiểu biết tôn giáo nào để những kẻ đó có thể biện minh cho những gì chúng đang làm”.

#NotInMyName đưa ra tuyên bố không chống lại thế giới Hồi giáo mà chỉ chống lại những biến tướng của tư tưởng Hồi giáo cực đoan đe dọa an ninh thế giới. #NotInMyName khẳng định IS đang xây dựng một đạo Hồi giả tạo vì tôn chỉ của đạo Hồi không dạy người ta hận thù và tàn sát. Chương trình đã được đông đảo thanh niên Hồi giáo tại Pháp đón nhận sau khi IS tung video xử tử du khách Herve Gourdel. Tại Pháp, đã có những cuộc tuần hành phản đối IS do chính cộng đồng người Hồi giáo tổ chức. Sự lan tỏa của #NotInMyName trong cộng đồng người Hồi giáo khiến dư luận hy vọng sẽ ngăn chặn âm mưu tuyển dụng thêm nhiều tân binh của IS trong thời gian tới.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục