“Lính” khí tượng ở Song Tử Tây

Cha truyền con nối
“Lính” khí tượng ở Song Tử Tây

Giữa biển Đông bao la, những cán bộ Trạm khí tượng - thủy văn Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam) đã bất chấp khó khăn gian khổ nơi đảo xa, cũng như những hiểm nguy về tính mạng và sự thiếu thốn, trống vắng về tình cảm. Ngày cũng như đêm, họ túc trực thường xuyên để liên tục cập nhật số liệu về mưa, nắng, gió, nhiệt độ, độ ẩm… kịp thời thông báo về đất liền những diễn biến của thời tiết, giúp người dân ở đất liền và hàng vạn ngư dân trên biển có thể phòng tránh được những cơn cuồng nộ của thiên tai…

Trạm trưởng Võ Thanh Hải thu thập số liệu từ thiết bị đo nắng tại Trạm Song Tử Tây.

Trạm trưởng Võ Thanh Hải thu thập số liệu từ thiết bị đo nắng tại Trạm Song Tử Tây.

Cha truyền con nối

Hơn 12 giờ trưa, nắng chói chang cùng những cơn gió mặn chát từ biển quật vào đảo Song Tử Tây khiến ai cũng cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và không muốn ra khỏi nhà. Vậy nhưng mặc cho thời tiết đầy khắc nghiệt, anh Võ Thanh Hải, Trạm trưởng Trạm khí tượng - thủy văn Song Tử Tây vẫn cặm cụi ngoài khu vườn của trạm khí tượng để ghi chép số liệu từ những thiết bị đo thủy văn, khí tượng nơi đây.

Quệt vội mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đen xạm vì nắng gió, anh Hải nói: “Mùa cuối năm ở Trường Sa thời tiết khắc nghiệt và thất thường lắm. Không chỉ có biển động, sóng to do liên tục phải chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, nhiều lúc còn xuất hiện thời tiết cực đoan nguy hiểm như lốc xoáy, mưa dông… nên chúng tôi phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để kịp thời cảnh báo”.

Nhìn tác phong cẩn thận, nhanh nhẹn cùng khuôn mặt đen sạm, tôi cứ nghĩ rằng, anh Hải đã khá lớn tuổi nhưng qua cuộc trò chuyện mới biết, người Trạm trưởng khí tượng Song Tử Tây mới ngoài 30 tuổi chút ít. Có lẽ môi trường, cuộc sống ngoài đảo xa đầy gian khó, cùng với công việc căng thẳng đã khiến khuôn mặt anh Hải già trước tuổi rất nhiều. Tôi cũng thực sự bất ngờ khi được biết, trước khi ra nhận nhiệm vụ “chỉ huy” Trạm khí tượng - thủy văn Song Tử Tây, anh Hải đã có gần 2 năm làm “lính” khí tượng ở đảo Trường Sa lớn và sống trong một gia đình có truyền thống theo dõi khí tượng. Trước đó, ba và chú ruột của anh Hải cũng đã có thời gian dài làm trạm trưởng trạm khí tượng thủy văn ở đảo Trường Sa lớn và Song Tử Tây. Còn hiện giờ, không chỉ có Hải mà em ruột và em rể của Hải cũng đang làm nhiệm vụ đếm mưa, đo nắng gió… tại đảo Trường Sa lớn. Hải bộc bạch: “Thực sự, mình đến với nghề này và ra đảo công tác không chỉ vì tình yêu biển đảo của đất nước mà hơn nữa còn tiếp nối truyền thống trong gia đình. Chắc chắn sau này, dù gian khổ mấy, em cũng sẽ cho con trai tiếp bước công việc của ba và ông nó đã làm…”.

“Trực chiến” giữa… thời bình

Trạm khí tượng - thủy văn Song Tử Tây được cải tạo, xây dựng lại từ tháng 6-1988 và hiện nay trực thuộc Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam Trung bộ. Đáng chú ý hơn, Trạm khí tượng thủy văn Song Tử Tây còn là 1 trong 16 trạm phát bão quốc tế của Việt Nam và là 1 trong 2 trạm trên quần đảo Trường Sa (Song Tử Tây và Trường Sa lớn). Tuy nhiên, so với Trạm khí tượng ở Trường Sa lớn thì Trạm khí tượng ở Song Tử Tây có vị trí quan trọng hơn vì đảo Song Tử Tây nằm cách xa đất liền tới hơn 318 hải lý (khoảng 600km) về phía Bắc nên là nơi đầu tiên của đất nước thường xuyên phải hứng chịu những cơn bão trên biển Đông trước khi nó đổ bộ vào đất liền. Do đó những số liệu về thời tiết mà Trạm khí tượng - thủy văn Song Tử Tây thu thập, cập nhật có vai trò rất quan trọng, giúp người dân trong đất liền và hàng vạn ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản trên biển Đông biết trước những biến động thời tiết để tránh trú an toàn trước những cơn bão, hay có những kế hoạch phòng tránh những thiên tai bất thường trên biển.

Công việc của Trạm khí tượng - thủy văn Song Tử Tây rất quan trọng nhưng cả trạm chỉ có 3 người nên tất cả rất vất vả. Trạm trưởng Võ Thanh Hải chia sẻ: “Ở đây, cả 3 chúng tôi đều có nhiệm vụ quan trắc, thu thập các số liệu thời tiết để thông báo về đất liền theo quy định 4 lần/ngày vào các khung giờ là 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ. Tuy nhiên trong giai đoạn từ tháng 6 cho tới đầu năm sau là thời điểm biển Đông thường xuyên có bão, áp thấp nhiệt đới và các hiện tượng thời bất thường khác nên mỗi khi có thông tin về bão trên biển Đông là anh em phải “trực chiến” 24/24 giờ canh bão, quan trắc, thu thập số liệu thường xuyên để 30 phút/lần thông báo về đất liền và báo cho chỉ huy đảo để sử dụng hệ thống Icom thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết trước được diễn biến của thiên tai”.

Hải cũng cho biết, trung bình mỗi năm có từ 12 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới quét qua đảo Song Tử Tây nhưng riêng năm 2013, có tới 19 cơn bão và áp thấp “viếng thăm” hòn đảo này. Hơn một chục cơn bão mỗi năm ảnh hưởng tới Song Tử Tây cũng là ngần ấy lần, mỗi cán bộ thủy văn ở trạm phải đối mặt với những hiểm nguy không kém gì những người lính ra trận. Bởi những lúc bão to, gió lớn ập vào đảo, mọi người đều tìm những nơi tránh trú an toàn cho tính mạng nhưng với cán bộ khí tượng - thủy văn phải lao ra ngoài nhà, đội mưa, hứng gió để thu thập số liệu về thiên tai, kịp thời cảnh báo sớm, giúp đem lại sự an toàn cho hậu phương trước những cơn cuồng nộ của thiên tai.

Ba người “lính” khí tượng

Cả Trạm khí tượng - thủy văn Song Tử Tây từ “quân” tới “tướng” chỉ có 3 người đều là những thanh niên còn rất trẻ và được đào tạo bài bản. Họ đến từ những địa phương khác nhau, xuất thân trong những gia đình cũng không quá khó khăn nhưng tất cả đều chung mục tiêu sẵn sàng đối mặt với khó khăn gian khổ, hy sinh lợi ích riêng, mong muốn đóng góp một phần công sức bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đem lại sự bình yên cho nhân dân.

Năm nay 32 tuổi, trạm trưởng Võ Thanh Hải (quê Hoài Nhơn, Bình Định) ra đảo Song Tử Tây công tác khi mới cưới vợ được vài tháng và sau đó không lâu nhận được tin vui khi vợ anh sinh được một bé trai kháu khỉnh. Thế nhưng, tin vui đến với Hải cũng là lúc anh cảm thấy buồn và day dứt vì là lúc vợ vượt cạn và cho tới bây giờ khi cậu con trai đã gần 1 tuổi, Hải vẫn chưa một lần được biết mặt con. Hải tâm sự: Do đặc thù của công việc nên nhiều khi phải chấp nhận. Chỉ mong vợ con, mọi người trong gia đình thông cảm, để mình vững lòng tin, yên tâm công tác.

Có thâm niên nhất ở trạm là anh Nguyễn Thành Duy (27 tuổi, quê ở Thái Bình) đã cắm trụ ở đảo 3 năm. Với nhiệm vụ quan trắc viên và tổng hợp các dữ liệu về khí tượng, Huy chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Tài nguyên Môi trường (Hà Nội), em xung phong ra đảo ngay. Những ngày đầu ra đảo, nhớ nhà lắm nhưng rồi bận rộn suốt ngày và em luôn xác định lấy công việc làm niềm vui, thay cho nỗi nhớ gia đình nên dần dần cũng vượt qua được. Hơn nữa, trong công việc và cuộc sống, dù người mới hay cũ thì anh em đều rất đoàn kết, thống nhất và chia sẻ với nhau như người một nhà, cả trạm luôn đầy tiếng cười nên giờ có ở đảo thêm vài năm nữa, hay chuyển sang đảo khác công tác, em cũng thấy rất bình thường và vui vẻ”.

Trong khi đó, nhân viên trẻ nhất và mới lên Song Tử Tây được ít ngày là chàng trai trẻ Từ Tất Hà (22 tuổi, quê Phúc Thọ, Hà Nội). Hà tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp Đại học Tài nguyên Môi trường (Hà Nội) vào tháng 8-2013 em xung phong ra quần đảo Trường Sa công tác ngay. Lúc đó, bố mẹ biết được đã động viên khích lệ em rất nhiều dù em là con cả trong gia đình. Khi ra đây thấy cuộc sống gian khổ hơn nhiều so với em nghĩ, nhưng cảm thấy rất vui vì được các anh trong trạm chia sẻ và giúp đỡ rất tận tình trong công việc và cuộc sống. Hơn nữa, cuộc sống ở đảo còn nhiều điều mới lạ nên chắc chắn sẽ rất thú vị để em tìm hiểu, khám phá nhằm tích lũy kinh nghiệm cho bản thân mình để sau này vững vàng và trưởng thành hơn”.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục