23 năm chinh phục hang động. Bài 1: Từ hang động bản địa đến hệ thống toàn cầu

Từ năm 1990 đến nay, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã có 23 năm khám phá hang động ở Quảng Bình, một tỉnh miền Trung, mảnh đất nhỏ nhưng kéo dài, thiên nhiên không ưu ái như bao địa phương khác. Hiện nay Quảng Bình đã nổi bật lên với một thứ tài nguyên vô giá: hang động đẳng cấp toàn cầu.
23 năm chinh phục hang động. Bài 1: Từ hang động bản địa đến hệ thống toàn cầu

Từ năm 1990 đến nay, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã có 23 năm khám phá hang động ở Quảng Bình, một tỉnh miền Trung, mảnh đất nhỏ nhưng kéo dài, thiên nhiên không ưu ái như bao địa phương khác. Hiện nay Quảng Bình đã nổi bật lên với một thứ tài nguyên vô giá: hang động đẳng cấp toàn cầu.

  • Những mét hang đầu tiên

Những người bạn của ông Howard Limbert cùng tập hợp nhau lại với một niềm đam mê khám phá các hang động ở nước Anh. Nhưng tại quê hương của họ không có nhiều hang động đủ lớn để thỏa chí khám phá. Thời điểm đó, thế giới chứng thực hang động Cueras Del Dach (Tây Ban Nha) là hang động hùng vĩ bậc nhất thế giới.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi Howard Limbert cùng đoàn của ông có mặt tại rừng núi Kẻ Bàng trong suốt 23 năm qua. Những hang động ở đây, tại vùng đất hẹp nhất của dải hình chữ S, đã đi vào nội dung của các hãng truyền thông lớn thế giới như BBC, NHK, Kyodo, National Geographic...

Ông Howard cho biết, lúc đầu họ gửi công văn cho phía Chính phủ Việt Nam qua đường ngoại giao, cùng lúc đó họ còn gửi thư đến cả Chính phủ Lào và Myanmar đề nghị giúp đỡ hành chính để đoàn tìm kiếm, khám phá các hang động trong khu vực.

Tuy nhiên, phía Lào và Myanmar không có hồi âm nào, trong lúc đó phía Việt Nam đã đưa yêu cầu này về Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Ở đó, Tiến sĩ địa mạo địa chất Nguyễn Quang Mỹ đã giới thiệu với họ qua một văn bản trả lời tiềm năng tìm kiếm các hang động gần như vô tận là vùng núi Kẻ Bàng ở Quảng Bình. Howard nói: “Chúng tôi nhận được văn bản và lời mời rất trọng thị. Thế là gấp rút lên đường”.

Càng khám phá càng phát hiện nhiều hang động đẹp ở Kẻ Bàng.

Càng khám phá càng phát hiện nhiều hang động đẹp ở Kẻ Bàng.

Hồ Khanh, cái tên bình thường như bao cái tên khác trong làng Phong Nha, được đề cử dẫn đoàn đi vào hang Phong Nha. Ngay khi chạm cửa hang Phong Nha, Howard cùng đoàn thám hiểm đã choáng ngợp trước cửa hang to lớn này. Họ trầm trồ với triển vọng rất lớn về một hang động cực kỳ bí ẩn.

Bây giờ nhớ lại, Howard Limbert đánh giá: “Quãng thời gian đó, chúng tôi đến với vùng đất Kẻ Bàng là lựa chọn đúng đắn”, bởi sau chuyến đó mỗi năm một lần đoàn của ông đều trở lại vùng đất thiếu thốn tiện nghi để tìm kiếm điều họ chưa thể biết ở phía trước, và năm nào cũng có hàng chục hang động được biết đến và được đưa vào kho tàng hang động thế giới, bổ sung vào gia tài địa mạo địa chất toàn cầu hình ảnh, thông số, định vị vệ tinh những hang động này cho các nhà địa chất trên toàn hành tinh.

Những dẫn liệu đưa cho chúng tôi được chứng minh qua thời gian, năm 1998, họ sững sờ trước hang Khe Ry dài gần 20km, đó là hang sông dài nhất châu Á, lộng lẫy với các kiểu thạch nhũ vàng óng, trắng ngà, chúng khổng lồ đến khó tả. Hang bắt đầu từ một bản có tên là Ban ở xã biên giới Thượng Trạch, đổ về đến gần động Phong Nha, trong lòng nó chứa nhiều buồng hang tráng lệ, đặc biệt trong đó có nhiều loài cá không mắt và một số dơi, chim và rắn rết sống trong bóng tối, định vị bằng siêu âm rất độc đáo.

Năm 2010, một mô hình cung đường hang động chạy dọc theo đường 20 - Quyết Thắng được xác nhận, đó là cung đường toàn những hang động độc nhất vô nhị về độ lớn. Chiều dài cung đường 16km nhưng có đến 20 hang động xen kẽ nhau trong rừng già của vùng địa chất Kẻ Bàng. Ngày nay, dưới tuyến đường 20 - Quyết Thắng, song song với cung đường hang động trên khô còn có cung đường hang động nước, mà Khe Ry là điểm nhấn hùng vĩ.

Thành công lớn nhất để hệ thống hang động ở đây trở nên nổi bật toàn cầu khi đoàn phát hiện ra động Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới vào tháng 4-2009. Chính Sơn Đoòng đã làm nổi bật tất cả, vùng đất hẹp nhất cả nước lại có hang động lớn nhất thế giới. Đến nay, gia tài hang động Quảng Bình đã được đo vẽ bản đồ gần hơn 153km, nó có sức hút kỳ lạ với du khách và khoa học địa mạo thế giới.

  • Tri ân người bản địa

23 năm với người dân Sơn Trạch, đủ để đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh và người dân bản địa xem nhau như người trong nhà. Họ chứng kiến một xã đói nghèo vào đầu năm 1990 thay da đổi thịt thành một thị tứ với các khách sạn, nhà hàng mọc lên san sát. Từ những cái bắt tay, từ ánh mắt, nụ cười mà đoàn thám hiểm đã tạo được hình ảnh tốt trong tấm lòng người dân địa phương.

Với tình cảm đó, ông Howard Limbert suy nghĩ: “Chúng tôi cần làm một cái gì đó để tri ân người dân địa phương giúp đỡ chúng tôi. Khi chúng tôi đến, họ rất nghèo, bây giờ ở trong vùng đã có nhà cửa vững chắc, đó là sự nỗ lực rất lớn của người dân. Bây giờ du khách đến với Kẻ Bàng kể cả người nước ngoài, tăng rất nhiều, tôi nghĩ cần trang bị cho người dân bản địa kiến thức tiếng Anh để đón tiếp người nói tiếng Anh”.

Nghĩ là làm, vợ chồng ông bà Howard Limbert đã trở lại Sơn Trạch sớm hơn dự định. Họ mở lớp dạy tiếng Anh cho người dân Phong Nha ở ngay nhà anh Hồ Khanh. Ông và vợ, bà Debb, mở hai lớp dạy miễn phí cho phụ nữ và đàn ông mỗi buổi tối, họ truyền đạt kỹ năng tiếng Anh cơ bản để người dân có thể hiểu biết sơ đẳng và nói được với du khách về chợ búa, hàng quán, đi đâu, nghỉ ở đâu, ăn ở đâu và mời chào cùng nụ cười thân thiện. Lớp học đã bắt đầu gần một năm, với sự tham gia của gần 100 người dân ở Sơn Trạch. Họ học hành thoải mái, chăm vui, ai cũng háo hức.

Từ hình ảnh đầu tiên của làng Phong Nha năm 1991 là mái nhà người dân lợp tranh. Nay, ở Phong Nha đã có khách sạn, nhà hàng. Có khoảng 20.000 người trong khu vực các xã được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ công trạng khám phá hang động của đội tìm kiếm đến từ nước Anh. Thậm chí nhiều người dân Đồng Hới cũng nói nhờ có đoàn thám hiểm này mà họ buôn bán được nhiều bởi khách du lịch ngày mỗi tăng.

Qua 23 năm tìm kiếm hang động, tổng tất cả các chi phí mà đội tìm kiếm lừng danh này đã chi đến hàng triệu bảng Anh để có được những bức hình đẹp nhất, tiếp cận những hang động rực rỡ. “Chúng tôi khám phá vì đam mê, nhưng chúng tôi cũng muốn giúp một điều gì đó cho Việt Nam, mà cụ thể là Quảng Bình”. Mỗi 2 năm một lần, người dân Sơn Trạch lại quen với hình ảnh những “ông Tây” xứ sở sương mù đến đây để giúp địa phương làm bật lên các giá trị huyền thoại chưa được biết đến.

Tri ân đội thám hiểm hang động Hoàng gia Anh, UBND tỉnh Quảng Bình đã hai lần tặng bằng khen cho đoàn. Gần đây, khi biết họ là những người vinh danh Sơn Đoòng, Vietnam Airlines đã vận chuyển miễn phí hành lý cho đoàn từ Anh sang Việt Nam. Tỉnh Quảng Bình luôn dành những chào đón trân trọng với đoàn thám hiểm của ông Howard Limbert bởi họ đã giúp địa phương rất nhiều trong việc vinh danh hang động ở Kẻ Bàng với thế giới.

Bài 2: Đội tìm kiếm địa phương có danh tiếng thế giới 

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục