Ông già bán muối ở Tongle Sap

Chuyện thầy Tư
Ông già bán muối ở Tongle Sap

Chuyến xe liên vận Việt Nam - Campuchia của Công ty Xe khách Sài Gòn (Sapaco Tourist) khởi hành lúc tờ mờ sáng. Qua bạt ngàn rừng cây thốt nốt và những cánh đồng, đoàn khách Việt có mặt tại Biển Hồ thuộc địa phận ấp 7, xã Chăm Kơ Nía, huyện Siêm Riệp, tỉnh Siêm Riệp, Vương quốc Campuchia vào chạng vạng. Họ đến đây với mục đích tìm thăm thầy giáo Tư, tên tục: Trần Văn Tư, nghề nghiệp chính: bán muối, nghề tay trái: dạy chữ.

Ngôi trường bên dòng Tongle Sap

Ngôi trường bên dòng Tongle Sap

Chuyện thầy Tư

Tài xế và phục vụ chuyến xe đã quá quen với cảnh già Tư ngóng đợi đồng hương nên không vội vã. Họ chuyển từng thùng mì, dầu ăn, nước tương xuống “trường”, thực chất là 2 cái nhà nổi kiểu như bè nuôi cá ở ĐBSCL. Các em học sinh Việt kiều líu ríu, đấm lưng nhau sùm sụp vì có quà. Gió từ mặt nước mênh mang phả vào tóc lữ khách sau chặng đường dài ngót 600km. Ấy vậy mà thầy Tư đã xuôi ngược vùng nước này từ thập niên 70 của thế kỷ trước, để mưu sinh!

Theo người đàn ông thất thập này (ông sinh năm 1937), bà con Khmer lẫn Việt kiều sống vùng Biển Hồ (Tongle Sap) rất cần muối, loại muối hột để ướp cá làm mắm. Vì vậy ghe thương hồ thường đem loại gia vị mặn chát ấy sang đổi lấy các loại khô, mắm, đường thốt nốt đem về. Cách làm của thầy Tư (vào thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước) khá hay: mỗi chuyến sang Biển Hồ, ông đưa 9 phần muối sang trao đổi lấy 9 phần đặc sản địa phương đem về Tây Ninh. Một phần còn lại, ông chia đều cho bộ đội tình nguyện ta đang chiến đấu xung quanh đó và con em Việt kiều, người Khmer nghèo.

Thầy giáo Tư đang vận động các em nhỏ Việt kiều đi học

Thầy giáo Tư đang vận động các em nhỏ Việt kiều đi học

Ông Lê Văn Tới, Giám đốc Công ty Sapaco Tourist cũng là một cựu quân nhân. Đã hàng chục năm nay, ông nặng tình với mảnh đất chùa Tháp nên gắn luôn công việc của mình với Biển Hồ, trong đó có già Tư. Công ty do ông Tới làm giám đốc là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên có tuyến liên vận sang chùa Tháp ngay từ khi lái xe phải… mang súng AK theo đề phòng tàn quân Khmer đỏ. Chuyển sang thời bình, công ty ông mỗi ngày có đến chục chuyến xe sang đất bạn, mà hầu như chuyến nào chở du khách Việt sang là Sapaco Tourist đều đưa đến Biển Hồ, như một duyên phận. Ông Tới tâm tình: “Một mình chúng tôi thì chỉ làm được rất ít cho con em Việt kiều ở Biển Hồ. Song nếu hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm mà cứ mải miết đưa khách Việt sang, cho họ chứng kiến tận mắt cuộc sống còn thiếu thốn của đồng hương thì sẽ làm được nhiều việc đấy!”.

Sở dĩ phải dông dài các mối quan hệ như trên là vì theo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Campuchia, năm 2011, có đến 500.000 khách Việt Nam đến Campuchia để du lịch. Và 6 tháng đầu năm 2012, con số trên đã bị bỏ xa. Mà tuyến thăm Biển Hồ, theo các hướng dẫn viên, hầu như ít đoàn nào bỏ qua. Vì vậy, làng Việt trên Biển Hồ đã có nhiều người biết. Song lý do nào để xuất hiện ông già bán muối và tiểu sử thầy Tư thì chưa có ai am tường!

Buôn bán lâu năm trên Biển Hồ nên thầy Tư nói tiếng Khmer như ăn gỏi! Cũng nhờ chính quyền bạn quý cái tính tốt của thầy nên năm 1982, thầy Tư quyết bỏ buôn chuyến mà dùng số tiền dưỡng già của mình cất một ngôi nhà bè nhỏ, đủ chỗ cho 20 đứa con nít ngồi học. Ngôi trường đầu tiên của Việt kiều dạy miễn phí cho trẻ em nghèo trên Biển Hồ ra đời từ dạo ấy. Và giã từ nghề bán muối, thầy Tư cắm dùi tại chỗ, bởi ngoài ngôi trường, thầy còn phải chạy kiếm giáo viên (đa phần là bộ đội tình nguyện Việt Nam), lo cơm ăn, chỗ ngủ cho mấy chục mầm non đang khát chữ; các công việc đối ngoại, đối nội…

Tủ thuốc nhỏ do Bệnh viện Nhân dân 115 tặng trường thầy Tư

Tủ thuốc nhỏ do Bệnh viện Nhân dân 115 tặng trường thầy Tư

Tình Việt ở Tongle Sap

Bé Nguyễn Thị Thúy An được mẹ chèo ghe đưa đến trường. Gọi là trường cho oai, thực sự đây là 2 cái nhà bè. Mỗi nhà bè gồm có 3 phòng học. Như vậy, “trường thầy Tư” có 6 phòng học, dạy 5 lớp học cấp 1. Còn dư 1 phòng, hỏi để làm gì, thầy Tư bảo để đặt chiếc máy lọc nước (do Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Thành hội Phật giáo TPHCM tặng) để học sinh có nước sạch dùng.

Bé An nhảy phóc lên nhà bè, thầy Tư chặn lại, điểm danh rồi cho một cái bánh ngọt. Thấy chúng tôi ngớ người, ông giải thích: “Mùa cá, cư dân ở đây lại đi đánh bắt, bỏ mặc lũ trẻ thiếu chữ. Tôi phải dùng bánh kẹo, đi từng ghe vận động tụi nó đến lớp. Rồi đến trưa, khi cha mẹ chúng chưa về kịp, lại phải lo ăn cho chúng nó. Hy vọng có chữ, đời tụi nhỏ sẽ khá hơn cha mẹ”.

Lần hồi, thầy Tư làm không xuể việc, con nít sinh sôi ngày một đông, thầy đành đưa vợ, con gái sang để phụ việc. Thấy hạnh nguyện của thầy Tư cao cả, nhiều bà con ở Tây Ninh cũng khăn gói sang giúp thầy, rồi yêu mến luôn cái vùng nước ngầu đục phù sa, bỏ công bỏ sức ra chăm lo cho các em nhỏ nghèo khó.

Thầy Tư (giữa) với các học sinh

Thầy Tư (giữa) với các học sinh

314 học sinh vào học ổn định đâu đấy thì dưới bếp đã nghe mùi thơm cùng tiếng chiên, xào lèo xèo. Thì ra vợ thầy Tư đang phi một chảo dầu hành thơm nức. Để tăng thêm sự kích thích ở khứu giác, bà Tư còn bào mỏng mấy chục củ hành tím, cho luôn vào chảo mỡ. Bên cạnh là nồi nước sôi to cỡ… một người nằm, đang sùng sục. Thì ra mỗi bữa trưa, để phục vụ cho mấy trăm miệng ăn, vợ chồng thầy Tư nấu món giản đơn: mì tôm trụng trộn dầu hành phi. Vợ thầy Tư nói: “Nhiều quá xào không nổi, tôi đành nấu mì cho vừa chín tới, rồi chan mỡ cho thơm”. Hỏi nguồn mì từ đâu, bà bảo “từ các đoàn du khách, chủ yếu do Sapaco Tourist đưa đến. Đa phần khách cho mì, gạo, dầu ăn… nên cơm chan nước tương, mì xào dầu hành, mì nước là món thường xuyên”.

Cường, hướng dẫn viên của Sapaco Tourist, kể: “Lúc bộ đội tình nguyện Việt Nam trở về nước sau khi giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, thầy Tư cũng phải bỏ trường theo bộ đội về lại quê hương. Nhưng đến năm 2006, ông quay lại thăm mái trường xưa và bật khóc trước cảnh con em Việt kiều dốt chữ nên xin phép chính quyền bạn thành lập lại trường học”.

Lớp 2 của trường học đặc biệt đang đón du khách đồng hương sang thăm

Lớp 2 của trường học đặc biệt đang đón du khách đồng hương sang thăm

Chúng tôi hỏi thầy Tư: “Từng tuổi như ông làm sao quán xuyến nổi hàng trăm trẻ, trong đó có cả việc lo kinh phí. Thầy Tư mở sổ ra: “Ban đầu, Lãnh sự Việt Nam tại Siêm Riệp cho 1.700 USD nên tôi làm được ngôi trường nhỏ. Lúc ấy “gom” được 31 em học sinh là trẻ ăn xin, đu bám du khách. Vì vậy tôi phải lo ăn, ngủ cho tụi nhỏ để chúng an tâm học, thôi ăn xin”.

Theo ghi chép trong sổ sách của thầy Tư, một lần vào năm 2010, Công ty Xi măng Hà Tiên thấy trường quá tải nên cho 17 triệu đồng và 1.600 USD. Nhờ đó mà thầy nâng cấp lên thêm một tầng lầu làm chỗ ngủ cho các cụ già Việt kiều không nơi nương tựa và nối dài ngôi trường thêm 7m. Rồi giám đốc một trường ngoại ngữ (mà thầy Tư không nhớ tên trường, chỉ nhớ địa chỉ tại đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TPHCM) tặng 70 triệu đồng để làm thêm cái phà dùng như sân chơi và nhà ăn cho học sinh nghèo.

Nhờ thầy Tư mà hôm nay, bé An đã biết đọc biết viết chữ Việt

Nhờ thầy Tư mà hôm nay, bé An đã biết đọc biết viết chữ Việt

Tiếng thơm đồn xa, ngày 20-8-2011, đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 7 sang thăm và giúp đỡ ngôi trường đặc biệt này 2 cái nhà bè như đã nêu trên. Ông già bán muối Trần Văn Tư trở thành người hiệu trưởng đặc biệt nhất trên sóng nước Tongle Sap.

Dương Minh Anh

Tin cùng chuyên mục