Người ở lại Sê Ka Máng

Tìm lại bóng dáng Trường Sơn Tây
Người ở lại Sê Ka Máng

Già A Nghệ người Giẻ Triêng đang sống trên cụm dân cư Đăk Ba, xã Sê Ka Máng, huyện Đăk Chưng, Lào. Ông là đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Lào hàng chục năm qua, từng chiến đấu lập nên chiến công vang dội bảo vệ đường T18 và nay đang là chỗ dựa tin yêu của người Giẻ Triêng ở Lào.

"Lưỡng quốc cựu binh" A Nhất và A Nghệ (phải)

"Lưỡng quốc cựu binh" A Nhất và A Nghệ (phải)

Tìm lại bóng dáng Trường Sơn Tây

Chúng tôi rẽ màn sương mờ đục ở lưng chừng đèo Lò Xo (huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum giáp ranh huyện Phước Sơn tỉnh Quảng Nam) để vào con đường xuyên biên giới mang tên A Đe. Sở dĩ đường có tên như vậy là do đồng bào Giẻ Triêng bản địa đã gọi theo tên của vị thiếu tướng biên phòng Đinh Hồng Đe, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kon Tum, khi ông xây dựng nên con đường này.

Đường A Đe mùa này mịt mờ sương khói, thời tiết khoảng 15oC. Ven đường lên con dốc cao ngất mang tên Cổng Trời, hoa rừng nở dày đặc, mùi hương thiên nhiên của hoa lá cỏ cây quyện vào mùi khét lẹt do… cháy bố thắng của chiếc xe đặc chủng, khiến chúng tôi đôi lần thót tim.

A Nghệ: Mình bắn rớt chiếc máy bay đằng sau ngọn núi kia kìa

A Nghệ: Mình bắn rớt chiếc máy bay đằng sau ngọn núi kia kìa

Già làng A Đun (xã Đăk Blô, Đăk Glei, Kon Tum) như mở cái bụng khi chúng tôi dọ hỏi về Trường Sơn Tây. Ông cho biết con đường mà chúng tôi đang dừng chân sẽ nối vào đường Trường Sơn Tây nhánh T19 đi vào trung tâm xã Sê Ka Máng (huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào). Đây là con “đường kín” của bộ đội Trường Sơn và dân quân địa phương.

Song song với đường T19 còn có nhánh T18 là con “đường hở” vận tải quân sự trong kháng chiến chống Mỹ. Nhánh đường T18 đi dọc dòng sông Sê Ka Máng, chạy đến sông Sê Kông rồi về Binh trạm Bạc, sau đó mới đến giáp ranh huyện Nam Giang của tỉnh Quảng Nam của Việt Nam. Ông Bơ Nhơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sê Kông, Lào, xác nhận: “Đây chính là tuyến Trường Sơn Tây ven sông Sê Ka Máng”.

Theo tài liệu lưu trữ của Phòng Khoa học công nghệ và môi trường (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) thì ngày 31-12-1973, Trung đoàn 13 (Sư đoàn 571, Binh đoàn Trường Sơn) đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là trung đoàn xe vận tải đầu tiên của tuyến chi viện chiến lược cho Trường Sơn và cũng là đơn vị vận tải đầu tiên của quân đội ta được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Từ thành tích ấy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn năm xưa đã quyết định “Toàn tuyến tập trung vận chuyển ở hai cung chủ yếu: Đông Hà (Quảng Trị, Việt Nam) đi Sê Sụ (Lào) và Sê Sụ đi Nam bộ. Một số lực lượng vận chuyển giao hàng vào Tây Nguyên và tạo chân hàng cho tuyến sông sang Campuchia, sau đó luồn về Nam bộ”.

Sông Sê Sụ hiện nằm trên địa phận tỉnh Atôpư, Lào. Muốn đến đó, phải đi theo đường T18. Và việc “tạo chân hàng cho tuyến sông đi Campuchia, về Nam bộ” chính là tuyến sông Sê Ka Máng chảy dọc đường T18 này. Già làng A Đun khẳng định vào thời điểm chống Mỹ, 100% người Giẻ Triêng hai bên biên giới đều tham gia phục vụ cách mạng, cho tuyến vận tải T18 kỳ diệu. Họ chiến đấu, gùi hàng, khuân vác, mở đường… tạo mọi điều kiện cho tuyến T18 lúc nào cũng liền mạch, dồi dào hàng hóa. “Người Giẻ Triêng mình” - như cách nói của già làng A Đun - tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với núi rừng và dòng sông Sê Ka Máng.

Sông Sê Ka Máng.

Sông Sê Ka Máng.

Chuyện ở T18

Vượt đường rừng quanh co sang đất Lào, chúng tôi tìm gặp già A Nghệ. Biết phóng viên từ Việt Nam lội rừng sang thăm, ông chạy gọi già A Nhất đến cùng hút thuốc, uống rượu. Đưa cánh tay bị cụt lên, già A Nghệ kể hùng hồn: “Mình từng tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam (Trung đoàn 304, Tỉnh đội Gia Lai Kon Tum) từ 1967. Đến năm 1969 bị mìn làm cụt tay nên chuyển về sau làm dân công phục vụ đường T18. Hồi đó cả làng đều chiến đấu, vui như hội. Con trai thay nhau tải đạn, gùi gạo, con gái làm giao liên, dân công, gánh nước, nấu cơm. Hồi ấy chưa cắm mốc biên giới, người Giẻ Triêng cả hai bên sông Sê Ka Máng là một, đều phục vụ cách mạng hai nước Việt-Lào”.

Già A Nhất tiếp lời: “Mình với A Nghệ mỗi đứa 1 khẩu súng nấp dưới hầm. Máy bay đầm già bay là là sát ngọn cây, mình bắn AK, nó (A Nghệ) bắn CKC, hai thằng xả hết băng đạn, máy bay rớt ngay bờ sông bốc cháy dữ dội luôn”. Thành tích của A Nghệ và A Nhất được ghi nhận bằng tấm Huân chương Chiến công hạng nhất đang treo tại Nhà truyền thống xã Đăk Dục, thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, Việt Nam.

Bản Giẻ Triêng bên dòng Sê Ka Máng trên đất Lào, xa xa là đường T18 huyền thoại

Bản Giẻ Triêng bên dòng Sê Ka Máng trên đất Lào, xa xa là đường T18 huyền thoại

- Sao hai già không ở Việt Nam mà lại ở Lào?

- Ui, ở đâu cũng vậy thôi. Tổ tiên người Giẻ Triêng hai bên dòng sông này đã có công với cách mạng. Với lại chúng mình có vợ, có con người Lào, học tiếng Lào, quen ăn xôi nếp chấm muối ớt mất rồi.

Theo đường T18 đi qua các cụm dân Đăk Nớ, Đăk Chanh, Prông Mí, Prông Mẹt…, đến đâu chúng tôi cũng nhìn thấy vỏ bom đạn, bi đông nước cũ, quân khí quân dụng. Hỏi vì sao không vất đi hay bán phế liệu, người Giẻ Triêng cười bảo: “Không cần đâu, chúng mình tự làm tự ăn đủ rồi, những thứ này giữ lại để kỷ niệm một thời đánh giặc, một thời bảo vệ T18”.

Khúc tự tình của dòng sông

Cũng như bao nhiêu người dân các bộ tộc Lào chí tình chí nghĩa với cách mạng Việt Nam, bây giờ hai già A Nghệ, A Nhất vẫn tiếp tục cống hiến nhiều công sức cho Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Cả hai ông đều là đảng viên, đều có chức vụ trong cụm dân Đăk Ba hoang vu giữ núi rừng. Già A Nghệ năm nay 59 tuổi, có vợ tên I Ngoái và 6 đứa con trai, 2 con gái. Còn già A Nhất đã 65 mùa rẫy, lấy bà I Bủa làm vợ và có 4 người con.

Uống rượu cùng hai “lưỡng quốc cựu binh”, chúng tôi không ngăn niềm hạnh phúc dâng trào trước “đĩa mồi” là nắm lá rừng luộc và tảng thịt nai hun khói bên lò than. Riêng cựu chiến binh A Nhất “đóng góp” vào bữa tiệc một ghè rượu ủ từ sắn hoang và men lá cây. Cả hai ông đã quá lâu chưa về bên kia sông Sê Ka Máng, không ra khỏi rừng Đăk Ba… nên cứ quýnh quáng tranh hỏi chuyện với nhà báo về tình hình ở Việt Nam.

A Nhất nhớ lại: “Bộ đội và người Giẻ Triêng thương nhau lắm. Mình từng dẫn voi chở hàng từ trong rừng Lào ra cho bộ đội. Đổi lại gạo, gà thì bộ đội cho kim, chỉ, thuốc chữa bệnh, vải, muối hột. Bộ đội thiếu bà con cái gì thì ghi biên nhận, 3 - 4 năm sau vẫn đến trả đầy đủ, tốt lắm. Có một bộ đội gửi mình con gà, mấy năm sau bộ đội quay lại, đàn gà đẻ thêm hàng trăm con, mình biếu bộ đội 10 con, bộ đội không nhận đâu”.

- Hòa bình rồi, hai ông sống bằng gì, có cần hỗ trợ gì không.

- Không cần gì đâu. Người Giẻ Triêng mình tự trồng lúa, tự ăn thôi. Săn bắt được con gì ăn thịt con đó. Cả cụm dân cư có 49 nóc nhà thôi mà. Mình già rồi, ở lại Sê Ka Máng thôi. Chỉ mong sao gặp mặt đồng đội cũ chứ, nhớ quá mà không có điều kiện qua thăm - A Nghệ mong ước.

Người Giẻ Triêng bên này sông Sê Ka Máng trên đất Việt Nam

Người Giẻ Triêng bên này sông Sê Ka Máng trên đất Việt Nam

Chúng tôi giã từ Sê Ka Máng huyền thoại, tạm biệt già A Nghệ, A Nhất mà hạnh phúc vô cùng. Vẫn còn đó những con người hồn hậu đã làm nên nhiều chiến công rực rỡ bằng tinh thần cách mạng quốc tế trong sáng. Vẫn còn đó tình cảm với bộ đội Trường Sơn dù đã hàng mấy mươi năm cách biệt, người Giẻ Triêng vẫn ở lại với Sê Ka Máng, thủy chung, son sắt.

Dương Minh Anh

Tin cùng chuyên mục