Bản lĩnh đấu tranh phá án của lực lượng an ninh điều tra - Sinh nhật “mù” và cuộc phiêu lưu của 15 “cục hàng”

Sinh nhật “mù”
Bản lĩnh đấu tranh phá án của lực lượng an ninh điều tra - Sinh nhật “mù” và cuộc phiêu lưu của 15 “cục hàng”

Không nhân nhượng trước các hành vi vi phạm đồng thời khôn khéo đấu tranh với các đối tượng phạm pháp là bí quyết điều tra được Cục An ninh điều tra (ANĐT - Bộ Công an), áp dụng hiệu quả qua từng vụ án.

Cán bộ - chiến sĩ Cục An ninh điều tra trong một buổi họp nghiệp vụ.

Cán bộ - chiến sĩ Cục An ninh điều tra trong một buổi họp nghiệp vụ.

Sinh nhật “mù”

18 giờ ngày 13-10-2010, trong khi phòng VIP 5 nhà hàng Nhật Hạ (quận 3, TPHCM), khép hờ, tĩnh lặng, chỉ có một phụ nữ bồn chồn ôm giỏ xách và chờ đợi tín hiệu từ điện thoại cầm tay thì ngay bên cạnh, phòng VIP 6 bắt đầu nhộn nhịp khách ra vào. Buổi tiệc sinh nhật có sự tham gia của 6 người đàn ông. Chỉ trước đó chừng 30 phút, 6 người dự sinh nhật còn đang mang trên mình sắc phục an ninh cùng các CB-CS khác của Cục ANĐT và Cục An ninh Tài chính - Tiền tệ - Đầu tư, tiếp nhận đơn của bà Ph., phụ trách công tác đối ngoại Công ty cổ phần Đầu tư xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ (trụ sở tại TPHCM), tố cáo ông Phan Hà Bình (tức nhà báo Hà Phan, Báo Tiền Phong), có hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo tố cáo, Hà Phan quan tâm đặc biệt đến công ty, ra giá công ty phải chi 200 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng, đồng thời, nếu muốn Hà Phan viết bài có hướng tốt, giúp doanh nghiệp lấy lại uy tín phải chi thêm 3.000 USD/bài. Hà Phan hẹn gặp bà Ph. ở nhà hàng Nhật Hạ từ khoảng 18 giờ chiều đến… khuya, không rõ lúc nào. “Chỉ có gần 20 phút để chuẩn bị kế hoạch chặn đứng hành vi vi phạm của một đối tượng ranh mãnh, lợi dụng chức vụ tống tiền. Tất cả đòi hỏi phải chặt chẽ, chuẩn xác, bài bản và đúng theo quy định của pháp luật”, thượng tá Lê Minh Sơn, phòng 4 Cục ANĐT truyền đạt ý kiến của lãnh đạo cục.

Giờ đây, 6 CB-CS có mặt trong buổi sinh nhật “mù”, không có tên tuổi chủ nhân vì cả 6 người đều không có ngày sinh vào ngày 13-10. Nhiệm vụ của các CB-CS tại buổi tiệc sinh nhật là quậy tưng bừng, tạo không khí vui tươi, tự nhiên cho Hà Phan mất cảnh giác. Cố quậy nhưng trong lòng thượng tá Sơn lại như lửa đốt. Kinh phí đánh án có hạn mà để tạo không khí tự nhiên như thật, CB-CS đành tặc lưỡi gọi một chai rượu ngoại. Đến 20 giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì, càng ngồi lâu càng phải… tốn đồ ăn nên ai cũng sốt ruột vì e ngại tốn kém. Hơn 20 giờ, hai trinh sát ngồi ăn kem ở đối diện nhà hàng Nhật Hạ mật báo, Hà Phan xuất hiện. Liền đó, các trinh sát đội tóc giả bù xù, quần áo lôi thôi lếch thếch ngồi trên chiếc xe gắn máy cà tàng đóng giả làm xe ôm thông báo kỹ hơn: Đối tượng mặc quần jean, áo phông bó sát, đi thẳng vào phòng VIP 5. Theo kế hoạch từ trước, các mũi trinh sát tiếp tục đeo bám. Thượng tá Lê Minh Sơn phân tích: nếu Hà Phan đã nhận tiền nhưng lại để tiền trên bàn ăn trong phòng VIP 5, CB-CS ập vào, Hà Phan có thể mượn cớ cho rằng đó là tiền vay mượn hoặc người tố cáo đưa để mua chuộc mà Hà Phan không đồng ý. Vì thế, chắc ăn nhất là không ập vào phòng VIP 5, đợi Hà Phan ra khỏi cửa, đã có tiền trong người (hoặc trong túi xách), hoàn thành hành vi phạm tội. Số tiền 220 triệu đồng rất lớn, đối tượng cũng không thể nhét túi quần bó sát được. Dứt khoát Hà Phan phải kiếm đồ đựng tiền.

Đúng như phán đoán, khoảng 20 giờ 30, 2 trinh sát khác đang ngồi ở bàn ăn gần hành lang báo, Hà Phan kêu tiếp viên nhà hàng mang một túi ni lông và hộp xốp vào. Có thể Hà Phan sẽ bỏ tiền vào đó xách về giống như đựng đồ ăn dư. Lát sau, thượng tá Sơn nhận được tin nhắn báo Hà Phan sắp ra về.

Gần 21 giờ, khi Hà Phan vừa bước ra khỏi phòng VIP theo lối hành lang được chừng 50cm, không cho đối tượng kịp đi quá xa, có thể dễ dàng phi tang tang vật nếu thấy động, CB-CS đã chụp ảnh toàn cảnh Hà Phan đang xách “túi đồ ăn dư”; đồng thời, yêu cầu Hà Phan trở lại phòng VIP 5.

Trước sự chứng kiến của đông đủ nhân viên nhà hàng, Hà Phan buộc phải tự mở “túi đồ ăn dư”, bên trong có 220 triệu đồng. Không còn giữ vẻ tự tin, Hà Phan tỏ thái độ lúng túng. Theo thượng tá Lê Minh Sơn, đây là trường hợp khó nên cơ quan điều tra triển khai từng bước chặt chẽ, bắt khẩn cấp chắc ăn hơn là bắt quả tang.

Cuộc phiêu lưu của 15 “cục hàng”

Vừa điều khiển chiếc xe 15 chỗ chạy từ ngã ba Vũng Tàu về quận 1 (TPHCM), thượng tá Vũ Văn Hoàn, Phó trưởng Phòng 2, Cục ANĐT tủm tỉm cười một mình khi nghĩ tới chiến tích ngoạn mục của ngày hôm nay. Để che cảm xúc thật, anh hòa cùng câu chuyện phiêu lưu của 15 “cục hàng” (người vượt biên - PV), ngồi bên. Thỉnh thoảng, anh làm bộ nhoẻn miệng cười khi các đối tượng cứ xuýt xoa khen bạn mình giỏi, kiếm được xe biển số xanh “chở hàng về kho” không mảy may nguy hiểm…

Mới 2 giờ sáng nay, khi anh đang ngon giấc thì điện thoại réo liên hồi. Số lạ, không có trong danh bạ. Đầu dây bên kia, một người đàn ông Trung Quốc nói tiếng Việt lơ lớ: “Anh đang làm gì đấy? Anh nhận “hàng” cho tôi đi chứ!”. Thói quen nghề nghiệp mách bảo có “mối”, thượng tá Hoàn liền bắt sóng: “Bao nhiêu?”, “15 cục”.

Là cán bộ điều tra dày dạn, thượng tá Vũ Văn Hoàn xuôi chèo, đóng tiếp vai là người nhận “hàng” như đối tượng vô tình nhầm lẫn: “Hàng đang ở đâu?”. “Mấy hôm nay đi lạc, đang ở Vũng Tàu”. “Vậy gặp nhau ở ngã ba Vũng Tàu. Tôi sẽ đi xe 15 chỗ, biển xanh của cơ quan nhà nước cho đường đường chính chính, tránh bị dòm ngó” - thượng tá Vũ Văn Hoàn cúp máy. Có những vụ án lại đến ngẫu nhiên như thế, nếu không bắt nhịp nhanh, chỉ cần buột miệng hỏi lại “anh là ai” là hỏng.

Sáng ra, anh vào cơ quan báo cáo lãnh đạo Cục ANĐT về cuộc điện thoại gọi đến nhầm chỗ vào rạng sáng. Anh đề xuất xin 1 xe cơ quan để đóng tiếp vai diễn cũng đồng thời bắt đầu cuộc điều tra về đường dây xuất nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. 2 trinh sát được cử đi cùng để phối hợp nhiệm vụ. Khi thấy 1 xe nào đó xáp vô sang “hàng” cho anh, 2 trinh sát leo lên xe đó, áp tải tài xế đánh xe về Bộ Công an. Còn 15 “cục hàng”, cứ… để anh.

Tại điểm hẹn, sau một lát chờ đợi, một chiếc xe khách tấp đến, 15 “cục hàng” gồm người vượt biên và đối tượng tổ chức đều là người Trung Quốc nhanh chóng leo lên xe do thượng tá Vũ Văn Hoàn điều khiển. Tất cả vui vẻ cho khi đến trước cổng trại tạm giam của Bộ Công an (trại B34, quận 1) thì khựng lại. Cả nhóm nhốn nháo: “Sao lại có lính gác?”.

Thượng tá Vũ Văn Hoàn thủng thẳng trấn an: “Mấy kho thế này chứa hàng mới an toàn. Có người gác, sẽ không ai vào đây cả”. “Anh thật là sáng suốt” - nhóm người Trung Quốc tán dương. Xe chuyển bánh vào bên trong, cánh cửa trại B34 khép lại sau xe, thượng tá Vũ Văn Hoàn nghiêm túc mời mọi người xuống xe và tuyên bố: “Đây là trại tạm giam”. 15 “cục hàng” mặt cắt không còn hột máu!

Để câu đối tượng cầm đầu, người đã gọi điện thoại nhầm trước đây, thượng tá Vũ Văn Hoàn liền gửi cho đối tượng trên hộ chiếu (giả) của 15 người và giải thích, chưa đưa “hàng” đi được vì phải đợi làm hộ chiếu và hết tiền.

Lấy lý do mình đang lẩn trốn cơ quan chức năng, không tiện nhận tiền qua tài khoản, thượng tá Vũ Văn Hoàn hẹn gặp mặt đối tượng để lấy tiền trực tiếp. Sau gần 1 tháng câu nhử, đối tượng cầm đầu đường dây từ Trung Quốc sang Việt Nam gặp người nhận hàng và cũng giống như thủ hạ, điểm đến của y cũng là trại B34.

Đường Loan

Tin cùng chuyên mục