Vợ chồng tình báo“trai tài gái sắc”

Vợ chồng tình báo“trai tài gái sắc”
  • Sinh Bắc tử Nam

Ông có rất nhiều tên gọi. Đào Phúc Lộc - tên do cha mẹ đặt và Minh Đạo, Năm Thu, Năm Đạo, Năm Đời, ông Bộ Đời, Ba Bắc… Mỗi cái tên là một phần trong cuộc đời của nhà tình báo anh hùng “sinh Bắc tử Nam”, đã trở thành huyền thoại.

Anh hùng Đào Phúc Lộc sinh ra trong một dòng họ nổi tiếng về truyền thống yêu nước, dòng họ vinh dự được nhà chí sĩ Phan Bội Châu tặng đôi +câu đối, đại ý: Lòng yêu nước thương dân của họ Đào như viên ngọc quý giữa đời thường. Phật ngồi trên tòa sen sẽ phù hộ cho cả gia tộc...

Khi mới tròn 13 tuổi, cùng với chị gái, cậu bé Lộc sớm giác ngộ, đi theo cách mạng. Dưới sự chỉ bảo của đồng chí Tô Hiệu, hai chị em đã dấn thân vào sự nghiệp cứu nước ngay từ khi còn đầu xanh tuổi trẻ. Sớm phát hiện ra những tố chất quý báu của Đào Phúc Lộc, nhà cách mạng Tô Hiệu đã giác ngộ và giới thiệu anh vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 16 tuổi. Căn nhà trọ của hai chị em trở thành điểm liên lạc tạm thời của cơ quan bí mật Khu ủy trong những năm 1936 - 1939 tại Hải Phòng.

Trung tướng Dương Xuân Vinh, Chính ủy Tổng cục II Bộ Quốc phòng cùng đại diện các sở ngành TPHCM và con gái liệt sĩ Đào Phúc Lộc - Hoàng Minh Phụng.

Trung tướng Dương Xuân Vinh, Chính ủy Tổng cục II Bộ Quốc phòng cùng đại diện các sở ngành TPHCM và con gái liệt sĩ Đào Phúc Lộc - Hoàng Minh Phụng.

Năm 1940, Đào Phúc Lộc bị địch bắt và bị kết án tù hai năm, bị tra tấn dã man nhưng kẻ thù không khai thác được gì ở người thanh niên dũng cảm này. Chúng đưa anh về quản thúc tại Móng Cái (quê nhà) suốt 5 năm. Chính tại đây, Đào Phúc Lộc đã bộc lộ năng khiếu thiên bẩm của một nhà tình báo tài năng. Anh đã khôn khéo đánh lừa bọn mật thám, vượt biên sang Trung Quốc để bắt liên lạc với tổ chức của Đảng và được đồng chí Trường Chinh trực tiếp giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở Móng Cái và thành lập đường dây liên lạc hải ngoại từ Hải Phòng qua Móng Cái sang Quảng Đông, Quảng Tây để đưa cán bộ của Đảng ra nước ngoài hoạt động. Con đường bí mật bằng đường bộ, đường thủy do Đào Phúc Lộc xây dựng đã đưa các đồng chí Hoàng Văn Thái, Hoàng Quốc Việt, Đào Chính Nam (chú ruột của anh)… ra nước ngoài thành công.

Năm 1940, Đào Phúc Lộc đã lập chi bộ đầu tiên của Móng Cái ở thị trấn Đông Hưng (Trung Quốc) mang tên Trần Hưng Đạo do ông làm bí thư (lấy tên là Hoàng Minh Đạo). Năm 1943, Hoàng Minh Đạo chủ trì thành lập huyện bộ Việt Minh Móng Cái rồi trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở đây.

Cách mạng tháng Tám thành công, Hoàng Minh Đạo nhận lệnh về Hà Nội. Ngày 25-10-1945, tại số nhà 16 đường Riquier (hiện là số nhà 18 phố Nguyễn Du), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái thành lập Phòng Tình báo Bộ Tổng tham mưu. Hoàng Minh Đạo được phân công làm Trưởng phòng. Nhiệm vụ của Phòng là nắm tình hình quân Tưởng, Việt Quốc, Việt Cách thân Tưởng, tình hình Pháp, Nhật…

Ngày 19-11-1946, Quân ủy hội thống nhất với Bộ Quốc phòng thành Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy và Phòng Tình báo - Quân ủy hội được đổi thành Phòng Tình báo - Bộ Tổng tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng, Hoàng Minh Đạo làm Trưởng phòng Tình báo, gọi tắt là Phòng 5 Quân ủy hội.

Đầu năm 1948, Hoàng Minh Đạo nhận được lệnh điều động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử vào Nam với tư cách Đặc phái viên của Bộ Tổng tham mưu có nhiệm vụ rà soát lại toàn bộ công tác tổ chức về quân sự, quân báo, tình báo, dân quân; bố trí người vào công tác nội thành, hoạt động trong lòng địch và sắp xếp lại tổ chức trong ngành tình báo, thống nhất từ Trung ương Bộ Tổng tham mưu đến các địa phương.

Quá trình vào Nam, Hoàng Minh Đạo còn tổ chức nhiều lớp học ngắn hạn để bổ sung lực lượng cho ngành tình báo quân sự Việt Nam. Tại Quân khu 5, ông mở lớp học đào tạo cán bộ tình báo, quân báo bao gồm các cán bộ của Quảng Nam - Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phan Thiết, Bình Thuận...

Tên tuổi và sự nghiệp của Đào Phúc Lộc với bí danh Hoàng Minh Đạo, Năm Thu… gắn liền với sự ra đời của ngành tình báo quân sự, đồng thời cũng là một trong những nhân vật chủ yếu sáng lập ra Ban địch tình Xứ ủy và ngành Binh vận vào thời điểm bắt đầu cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ (giai đoạn 1954 - 1955), trở thành một trong những mũi giáp công lợi hại của cách mạng miền Nam. Ông cũng từng giữ chức Ủy viên Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định; Bí thư kiêm Chính ủy Phân khu 5; Bí thư Phân khu 1 Khu Sài Gòn - Gia Định và Chính ủy lực lượng biệt động Sài Gòn.

Vào một đêm Noel lạnh giá, đêm 24-12-1969, thuyền của Năm Thu cùng toàn thể đồng đội 17 người bất ngờ hứng chịu trận mưa đạn của 3 chiếc tàu Mỹ và nổ tan thành từng mảnh nhỏ bên dòng sông Vàm Cỏ Đông. Ông đã ra đi trong sự im lặng cùng với lá thư vừa nhận được của con gái do giao liên chuyển đến chưa kịp đọc. Trung ương Cục và đồng đội đã tổ chức tìm kiếm nhưng vô vọng. Từ đó, tin Năm Thu hy sinh được giấu kín trong một thời gian dài. Và dòng sông Vàm Cỏ đã ôm ấp, vỗ về người con đất mỏ trong suốt 30 năm.

Ngày 4-4-1998, một ngôi mộ nhỏ ở ấp An Thới, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh được khai quật sau một chặng đường tìm kiếm dài hơn một phần tư thế kỷ. Vậy là sau 30 năm lưu lạc, bao nghi ngờ về kẻ “phản bội Tổ quốc” mới được gột rửa. Người anh hùng Đào Phúc Lộc đã trở về với gia đình, đồng đội và quê hương.

Ngày 8-8-1998, lễ truy điệu liệt sĩ Đào Phúc Lộc được tổ chức long trọng tại thành phố Hồ Chí Minh. Và sau đó hai ngày Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Hồ Chí Minh cho liệt sĩ Đào Phúc Lộc.

  • Cô tình báo tiểu thư

Hoàng Minh Phụng xuất thân là con gái của vị quan phủ nổi tiếng và giàu có ở Móng Cái thời bấy giờ. Trái với mong muốn của người cha, cô tiểu thư lá ngọc cành vàng đã bí mật tham gia đội du kích Ba Chẽ ở Hải Ninh (Quảng Ninh) và trở thành chiến sĩ tình báo của Quân ủy hội Bộ Tổng tham mưu. Cô tiểu thư khuê các ấy đã phá vỡ cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối do gia đình sắp đặt để đi theo cách mạng mà chàng trai trẻ Đào Phúc Lộc đã chỉ lối. Một ngày mùa đông giá lạnh tháng 12 năm 1945, đôi trai tài gái sắc đã gắn kết với nhau trước sự chứng kiến của đồng đội ngay tại Phòng Tình báo (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên)

Sau ngày cưới, vì nhiệm vụ công tác, Hoàng Minh Đạo luôn phải xa nhà. Người vợ dịu hiền, xinh đẹp được chồng dìu dắt đã trở thành cô giao liên tình báo. Một mình vừa nuôi con nhỏ, vừa hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Năm 1948, “người phụ nữ vắn số” hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ, con gái Minh Vân chưa tròn 2 tuổi, may mắn được đồng đội của cha mẹ đưa về Hà Nội giao cho bà Nguyễn Thị Kíu (cơ sở do Hoàng Minh Đạo xây dựng) nuôi dưỡng, theo nguyện vọng của ông trước ngày vào Nam.

Vì đặc thù công tác của ngành, trong suốt thời gian dài, sự hy sinh của nữ tình báo Hoàng Minh Phụng phải giữ bí mật. Sau ngày hòa bình lập lại, do có nhiều thay đổi trong công tác tổ chức nên hồ sơ hoạt động cách mạng của bà bị thất lạc. Nhưng tất cả đồng đội, gia đình đều hy vọng, tin tưởng một ngày nào đó, sự hy sinh thầm lặng của người chị, người mẹ, người đồng đội ấy sẽ được ghi nhận.

Ngày 27-4-2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 507/QĐ-TTg, tặng bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Hoàng Minh Phụng - Chiến sĩ tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ngày 1-3-1948 và 64 năm sau, bà mới chính thức trở về trong đội ngũ đồng đội của mình. Đây là món quà đầy ý nghĩa, là niềm hạnh phúc vô biên với những người thân về sự ghi nhận những đóng góp của nữ tình báo cho phong trào cách mạng nói chung, sự nghiệp tình báo quốc phòng nói riêng. Nước mắt của người con, của đồng đội đã được thỏa nguyện.

Chúng tôi xin kết thúc bài viết về hai vợ chồng tình báo “trai tài gái sắc” này bằng những vần thơ đầy xúc động của con gái Minh Vân - người con duy nhất cả đời khao khát được gọi hai tiếng “Thưa Mẹ - Thưa Cha”:

Cha Mẹ ra đi chỉ để lại tấm hình
Đồng đội chụp cho trước giờ ra trận
Tấm hình đã mờ thời gian xa lắm
Cha Mẹ chuyện trò con qua ánh mắt
Khói tỏa cây nhang con cảm nhận tình thương
Ngày ngày nhìn lên con nghe Cha nói
Hãy ngẩng cao đầu mà bước đi con
Tối tối nhìn lên con nghe Mẹ bảo
Sống phải có nhân, cái tâm phải sáng.
 

Th.S NGUYỄN KIM THÀNH
(Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Tin cùng chuyên mục