Giữ ổ cho rùa đẻ

Trả nợ cho... rùa
Giữ ổ cho rùa đẻ

“Sau hơn 4 tháng, thành công nhất của nhóm tình nguyện viên bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) là làm thay đổi được ý thức của người dân đối với việc bảo vệ rùa. Bây giờ, nếu gặp rùa biển mắc lưới, phát hiện ra dấu vết của rùa đi tìm nơi đẻ… ngư dân xã Nhơn Hải liền báo với các tình nguyện viên đến xử lý”, anh Lê Thái Bình, thành viên của Nhóm tình nguyện viên bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải, cho biết.

Nhóm tình nguyện viên bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải vận chuyển cát để tái tạo bãi đẻ cho rùa.

Nhóm tình nguyện viên bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải vận chuyển cát để tái tạo bãi đẻ cho rùa.

Trả nợ cho... rùa

Khi mới nghe chuyện anh Lê Thái Bình (sinh 1985, ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải) tham gia Nhóm tình nguyện viên bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải, không ít người dân địa phương bất ngờ, bán tín bán nghi. Ở xã ven biển này, không ai không biết Bình là một “tay” săn trứng rùa có tiếng. Bởi ngoài số trứng kiếm được luôn nhiều hơn mọi người, Bình còn rất am hiểu về các loại rùa biển, nhất là nơi chọn làm ổ của chúng. Anh Bình kể: “Nghiệp bắt trứng rùa đến với tôi rất tự nhiên! Cũng như tất cả mọi người ở xã Nhơn Hải, thấy trứng rùa thì bắt về ăn, còn thừa đem bán. Bà ngoại tôi là người duy nhất có nhà trên đảo Hòn Khô (ở thôn Hải Đông, cách thành phố Quy Nhơn chừng 20 hải lý), nơi rùa thường xuyên vào đẻ, nên tôi tiếp xúc với chúng từ nhỏ, hiểu được chúng, nên luôn tìm ra ổ đẻ của rùa dễ dàng”.

Thường xuyên ở Hòn Khô nên Bình sớm nhận ra sự “vắng mặt” dần của nhiều loài rùa biển trên đảo. Khi được cán bộ UBND xã Nhơn Hải, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định vận động, anh Bình tham gia ngay Nhóm tình nguyện viên bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải không chút lưỡng lự. Anh Bình giới thiệu rằng mình có hai nghề để sinh sống là nuôi tôm hùm và bảo vệ rùa biển. Anh có 15 lồng nuôi tôm hùm, mỗi lồng nuôi gần 100 con. Năm được, năm mất nhưng không năm nào thu nhập từ nuôi tôm hùm của gia đình anh Bình dưới 300 triệu đồng. Còn việc làm tình nguyện viên bảo vệ rùa biển mỗi tháng anh nhận được 200.000 đồng. Anh Bình nói: “Tôi kể ra không phải  để khoe mình giàu mà để các anh biết rằng khi rùa vào Nhơn Hải đẻ không phải lo gì cả. Tôi không túng thiếu để lấy trứng rùa làm thức ăn như ngày xưa! Tham gia nhóm tình nguyện âu cũng là cơ hội để tôi trả nợ cho rùa biển”.

Rùa đang đẻ trứng (Ảnh do bà Gail chụp tại đảo Hòn Khô).

Rùa đang đẻ trứng (Ảnh do bà Gail chụp tại đảo Hòn Khô).

Nhóm tình nguyện viên bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải do UBND xã Nhơn Hải, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định phối hợp với Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thành lập vào tháng 3-2011. Hiện nhóm có 5 thành viên gồm: Nguyễn Văn Minh (1966), Nguyễn Xuân Hiển (1957), Lê Thái Bình (1958), Huỳnh Kim Phụng (1958), Nguyễn Thành Phương (1957). Trong số thành viên này, 2 người vốn là cán bộ thôn, 3 người còn lại từng là những ngư dân lão luyện trong “nghiệp” săn trứng rùa. Anh Nguyễn Văn Minh, trưởng nhóm, cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của nhóm là tuyên truyền, vận động người dân cùng bảo vệ rùa biển, làm cho người dân thấy được tầm quan trọng của loài rùa biển và nguy cơ tuyệt chủng của chúng. Các thành viên trong nhóm phải thường xuyên đi tuần tra, tìm kiếm, bảo vệ các ổ đẻ của loài rùa, giải cứu những con rùa mắc lưới… Anh em chúng tôi cùng nhau hành động vì ai cũng có ý thức phải “trả nợ” cho loài động vật có tên trong Sách đỏ này”.

Theo anh Minh, nhóm tình nguyện bảo vệ rùa có một mạng lưới thông tín viên rất đông, đa số là những ngư dân xã Nhơn Hải. Mỗi khi gặp ổ rùa hay rùa mẹ, ngư dân không bắt như ngày xưa mà báo ngay với các thành viên trong nhóm. Việc mua bán trứng rùa biển công khai cũng không còn xuất hiện ở Nhơn Hải như trước đây. Anh Minh cho biết: “Từ tin báo của ngư dân, ngày 14-6-2011, nhóm chúng tôi lần theo vết chân và phát hiện ra một ổ rùa tại bãi biển Hải Giang. Khi đến hiện trường, chúng tôi xóa dấu vết của rùa để bảo đảm an toàn cho ổ trứng, đồng thời cử ngay 2 tình nguyện viên thay nhau theo dõi. Không chỉ bảo vệ ổ trứng, các thành viên còn sẵn sàng làm nhiệm vụ “bà đỡ” cho lũ rùa con khi chúng ra đời, bảo đảm chúng xuống được biển an toàn. Dự kiến, giữa tháng 8 này chúng tôi sẽ đón những chú rùa con chào đời”. Tại đảo Hòn Khô, các tình nguyện viên cũng thường xuyên tổ chức đắp cát, cải tạo bãi đẻ cho rùa… Trong quá trình tuần tra, đầu tháng 7-2011, các tình nguyện viên cũng giúp 5 chú rùa con vừa chào đời xuống biển an toàn. Cũng từ tin báo của ngư dân, các tình nguyện viên cũng giải cứu 3 con rùa mẹ bị mắc câu về với biển an toàn…

Cứu rùa như ... cứu hỏa!

Cách đây hàng chục năm, dọc bờ biển tỉnh Bình Định dài khoảng 134km hầu hết đều có sự xuất hiện của rùa biển. Nhưng qua kết quả khảo sát của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định thực hiện vào năm 2010 thì loài động vật này chỉ còn vào đẻ tại 2 bãi ở đảo Hòn Khô và một bãi ở thôn Hải Giang (xã Nhơn Hải). Ngoài ra, trong các loại rùa biển, chỉ có rùa xanh (vích) và đồi mồi còn xuất hiện tại vùng biển Bình Định. Tuy nhiên, ngay tại đảo Hòn Khô thì rùa cũng xuất hiện ngày càng ít dần. Ngư dân Lê Hải (59 tuổi -  ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải) cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, rùa vào đẻ tận trong làng, gần các khu dân cư nhưng do con người lấy trứng và cuộc sống ngày càng náo nhiệt nên chúng lánh xa dần. Đảo Hòn Khô từng là “thiên đường” cho rùa vào làm ổ thì nay đã trở thành “hạ giới” bình thường. Sự tác động của con người khiến hòn đảo nhỏ này không còn yên tĩnh, nạn lấy cát ở bãi biển để nuôi ốc hương khiến lớp cát ngày càng mỏng dần… làm cho lũ rùa không còn bãi đẻ. Nếu chúng ta không có biện pháp bảo vệ rùa thích hợp hơn thì chuyện rùa vào đẻ ở Hòn Khô rồi sẽ thành cổ tích trong nay mai!”.

Theo chị Trần Thị Bích Hà, cán bộ Phòng Quản lý nguồn lợi và môi trường thủy sản thuộc Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định, rùa vào đẻ tại xã Nhơn Hải từ tháng 3 đến 6 hàng năm. Loài rùa biển không sống ổn định một chỗ mà di cư nhiều nơi, thậm chí cách nơi chúng sinh ra đến chục ngàn cây số nhưng đến mùa sinh sản chúng vẫn tìm đúng đến nơi mình chào đời để đẻ trứng. Rùa mẹ lên bãi đẻ về đêm và chúng chỉ chọn những bãi có cát dày, không gian yên tĩnh. Một con rùa mẹ trước khi đẻ thường đào 4 đến 5 ổ nhưng chỉ đẻ trong một ổ, những ổ còn lại dùng để ngụy trang. Mỗi ổ rùa có từ 70-120 trứng. Sau khi đẻ xong, rùa lấp ổ trứng để giữ nhiệt và tránh các loài khác làm tổn hại đến trứng. Trứng rùa được ấp trong lòng đất từ 50 đến 70 ngày sẽ nở. Khi vừa ra đời, rùa con tự chui ra khỏi ổ và bò ra biển kiếm ăn và tìm nơi cư trú. Tỷ lệ chết ở rùa rất lớn vì các loại địch hại, cứ 1.000 trứng thường chỉ còn lại 1-2 con sống đến tuổi trưởng thành. Chị Bích Hà cho biết: “Về mặt tự nhiên, sự trưởng thành chậm của rùa biển khiến chúng có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Ngoài việc lấy trứng, ngư dân không bao giờ bắt rùa, vì theo quan niệm của họ ăn thịt rùa rất xui, nhưng bây giờ các vùng biển gần bờ có nhiều lưỡi câu và lưới nên rùa hay bị mắc vào và bị chết ngạt nên cũng làm cho loài động vật này ngày càng ít dần. Việc bảo tồn rùa biển sẽ gặp không ít khó khăn nhưng hy vọng sẽ không xảy ra tình trạng chẳng tìm đâu ra một con nào để mà bảo tồn. Công tác bảo tồn loài rùa biển cần phải thực hiện khẩn trương như… cứu hỏa! Hy vọng những nỗ lực của các ngành chức năng và Nhóm tình nguyện bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải sẽ được đông đảo người dân tham gia hưởng ứng”.

Hoàng Trọng

Tin cùng chuyên mục