Xử lý xây nhà trái phép tại Cần Thơ - Nơi “trảm”, nơi “treo”

Sống tạm trên đất nhà
Xử lý xây nhà trái phép tại Cần Thơ - Nơi “trảm”, nơi “treo”

Cuộc sống của hàng trăm người dân cặp tuyến quốc lộ 91B đoạn qua quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đang bị xáo trộn nghiêm trọng trước quyết định cưỡng chế nhà vi phạm lộ giới. Giai đoạn 2 của dự án mở rộng quốc lộ 91B chưa biết khi nào mới triển khai nhưng người dân ảnh hưởng quy hoạch bị “tước quyền” ngay trên mảnh đất của mình. Trong khi đó, cũng trên quốc lộ 91B, đoạn qua quận Ninh Kiều, người dân nơi đây vẫn được tạo điều kiện sinh sống, kinh doanh ổn định, cam kết sẵn sàng di dời không điều kiện khi dự án triển khai giai đoạn 2…

Quốc lộ 91B hiện tại (giai đoạn 1) có lộ giới 24m, xây dựng hoàn thành sau 15 năm kể từ khi được duyệt. Hiện có quy hoạch mở rộng lộ giới thêm 56m nhưng chưa biết thời điểm triển khai thực hiện, tác động lớn đến cuộc sống người dân có đất nằm trong quy hoạch.

Hàng loạt nhà dân cặp quốc lộ 91B thuộc quận Bình Thủy trước nguy cơ bị cưỡng chế.

Hàng loạt nhà dân cặp quốc lộ 91B thuộc quận Bình Thủy trước nguy cơ bị cưỡng chế.

Sống tạm trên đất nhà

Anh Cao Minh Phương, SN 1965 (ngụ khu vực Bình Phó A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) phản ánh: “Gia đình tôi định cư ở đây đã qua 4 - 5 thế hệ trên phần đất 4.000m². Năm 1984, nhà nước có quy hoạch làm tuyến lộ mới (nay là quốc lộ 91B) ngang qua, nhà tôi bị mất 1.300m². 2.700m² đất còn lại vướng vào phạm vi lộ giới mở rộng quốc lộ 91B giai đoạn 2 (từ 24m hiện nay lên 80m) nên đến nay vẫn không được cấp chủ quyền dù không biết khi nào bồi hoàn, thực hiện. Năm 2010, khi quốc lộ 91B được thông xe, chúng tôi xây căn nhà trên phần đất còn lại của mình, cách lề lộ tới 11m, để sinh sống, kinh doanh thì bị chính quyền địa phương lập biên bản.

Nay nhà xây xong với kinh phí hơn 300 triệu đồng, vào ở chưa được bao lâu thì nhận quyết định… cưỡng chế toàn bộ. Dù chúng tôi xin cam kết sẽ tự tháo dỡ, không đền bù khi dự án triển khai nhưng vẫn không được chấp nhận. Ba tôi là ông Cao Bá Sự (SN 1934), vì quá uất ức nên bị tăng huyết áp phải nhập viện cấp cứu tối 4-4”.

Ông Cao Văn Sáu (SN 1934), một trong những người cố cựu sống ở khu vực Bình Phó A, phường Long Tuyền, phản ánh: “Gia đình tôi có 10.000m² đất. Năm 1984, nhà nước trưng dụng 5.000m² làm con lộ mới (nay là quốc lộ 91B), chỉ đền bù hoa màu. Chúng tôi sống trên đất gốc của mình nhưng các quyền: được cấp giấy đỏ, mua bán, xây dựng, thế chấp… đều không có vì vướng quy hoạch. Hiện nhà tôi có 10 người (3 gia đình) nhưng chỉ có 1 hộ khẩu, không thể cho con cháu ra riêng sống trên đất của mình”.

Tại phường Long Tuyền, hàng loạt hộ dân cố cựu cũng như những người dân mới mua đất cất nhà ở, kinh doanh cách lề lộ khá xa từ 8m trở lên cũng đứng trước nguy cơ phá sản vì quyết định cưỡng chế của quận Bình Thủy. Một số trường hợp sau khi bị giải tỏa đất làm quốc lộ 91B, diện tích còn lại quá ít, không thể trồng lúa nên chuyển sang cất nhà, buôn bán kiếm sống qua ngày sẽ rất khó khăn nếu như bị tháo dỡ.

Bà Ngô Thị Giỏi bức xúc: “Tôi mua đất của dòng họ để lại với giá 180 triệu đồng, cất nhà cấp 4 cho con trai mở tiệm cửa sắt. Nhưng ngày 29-3, chính quyền buộc phải tháo dỡ toàn bộ. Con tôi giờ trắng tay, không có chỗ ở, phải che tấm bạt ở tạm phía sau căn nhà vừa bị tháo dỡ…”.

Chính quyền quận nói gì?

Ông Nguyễn Tấn Hưng, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận Bình Thủy, cho biết: “Đoạn quốc lộ 91B đi qua 3 phường của quận gồm: Long Tuyền, Long Hòa, Thới An Đông có 121 căn nhà xây dựng không phép thuộc lộ giới được quy hoạch. Trong số này chỉ có 10 căn xây cất trước tháng 4-2008 trên đất gốc, thật sự khó khăn về chỗ ở được xem xét tồn tại. Hầu hết nhà xây cất sau khi quốc lộ 91B thông xe (tháng 6-2010). Trong số này, phường Long Tuyền chiếm hơn 50%. Nếu các trường hợp này không tự giác tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế toàn bộ. Trước mắt, quận Bình Thủy sẽ cưỡng chế 29 căn”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, khẳng định: “Quan điểm của quận là xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng không phép thuộc lộ giới 91B. Đến thời điểm này, trình tự thủ tục không có gì sai. Quận cũng không có chủ trương cho tồn tại những căn nhà đã xây cất dù người dân cam kết tự tháo dỡ, không yêu cầu bồi thường”.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chưa biết thời điểm mở rộng quốc lộ 91B cũng như khi nào bồi thường cho dân có đất trong vùng quy hoạch. Câu hỏi: Vì sao không quyết liệt ngay từ đầu mà để người dân xây cất nhà xong mới cưỡng chế, dẫn đến thiệt hại lớn chưa được những người có trách nhiệm trả lời thỏa đáng…

* Trong khi đó, trên đoạn quốc lộ 91B đi qua quận Ninh Kiều có gần 200 trường hợp xây nhà vi phạm lộ giới mở rộng quốc lộ 91B. Xét thấy việc quy hoạch quá lâu, phần đất trong quy hoạch chưa bồi thường, trước nhu cầu bức xúc cuộc sống của người dân, an sinh xã hội, UBND quận Ninh Kiều có chủ trương: Lập biên bản vi phạm, cho phép những căn nhà này tồn tại với điều kiện chủ hộ phải cam kết tự tháo dỡ, không yêu cầu bồi thường khi giải tỏa để phục vụ dự án mở rộng quốc lộ 91B. Quyết định của UBND quận Ninh Kiều được đông đảo người dân ở đây đồng tình cam kết thực hiện…

Bình Đại

Tin cùng chuyên mục