400 năm “đất phú trời yên”

400 năm “đất phú trời yên”

1- Đêm Phú Yên phố xá đèn hoa rực rỡ, xe cộ tấp nập ngược xuôi, người dạo phố dập dìu đông vui, dù những ngày lễ “kỷ niệm 400 - Phú Yên hình thành và phát triển” đã qua. Phú Yên vẫn còn đó cái dáng vẻ nhộn nhịp đầy tự hào, thanh lịch, cởi mở, cốt cách của một quê hương có bề dày 400 năm, không ồn ào và đằm thắm duyên ngầm mời gọi.

Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, người Phú Yên luôn ghi nhớ công đức của các bậc tiền nhân đã đổ xương máu để có một đất phú trời yên hôm nay. 400 năm trước, Phù Nghĩa hầu – Phù Quận công Lương Văn Chánh đến khai canh vùng đất Phú Yên. Từ một vùng đất hoang hóa, với công khai phá, xây dựng, lập ấp của Lương Văn Chánh, ông đã tạo nên một vùng trấn biên của Tổ quốc vào thế kỷ thứ 15. Từ năm 1611 có tên gọi phủ Phú Yên gồm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

Các bậc tiền nhân đi mở cõi, với kỳ vọng khai khẩn vùng đất nằm giữa hai ngọn đèo Cả và Cù Mông này sẽ phát triển giàu có và luôn bình yên, người dân vui sống trong phồn vinh hạnh phúc. Mà trong Phú Yên ký, Quách Tấn đã đúc kết về người Phú Yên: Đất tốt, người siêng trí Phú. Tánh hòa, tính đạm, cư Yên.

400 năm “đất phú trời yên” ảnh 1

Đường phố Phú Yên hôm nay. Ảnh: NHẬT CHINH

Những ngày mới giải phóng, Phú Yên hầu như chỉ có cát và gió. Từng bãi cát bạc thếch nối từ Sông Cầu đến Tuy Hòa, đượm một vẻ u buồn lặng lẽ, với những chùm rau muống biển mọc lơ thơ, đủ che mát cho những con còng gió tránh nắng và những con dông chạy trốn khi có người đi qua. Gió quanh năm lồng lộng, thổi cát bay đến rát mặt những người dân của một tỉnh nghèo. Vậy mà hôm nay Phú Yên đã thật sự là Phú và Yên.

Trên dải cát hoang bao đời trơ gan cùng sương gió, nay mọc lên những ngôi nhà cao tầng đồ sộ, những khách sạn 4 - 5 sao, những con đường trải nhựa rộng thênh thang. Là những khu công nghiệp tập trung Hòa Hiệp, An Phú và Đông Bắc Sông Cầu với 187 dự án, tổng vốn đầu tư 16.600 tỷ đồng. Sân bay Tuy Hòa đã được khôi phục và mở rộng, ngày càng tăng nhiều chuyến bay nối TPHCM và Hà Nội, mở ra cho Phú Yên con đường vững chãi đi lên thời hội nhập.

2- Đêm Phú Yên càng lung linh hơn khi đường Bạch Đằng như dải lụa uốn quanh sông Chùa, càng làm cho TP Tuy Hòa như cô gái đẹp làm duyên với vòng hoa đậm đà hương biển dạt dào sóng vỗ. Người ta đến đây để được hít thở không khí trong lành của những làn gió từ sông Chùa thổi vào mát lạnh, mát cả tâm hồn. Và đến đây còn để ngắm nhìn tháp Nhạn cổ kính trên núi Nhạn sừng sững, trầm mặc, im lìm in bóng giữa nền trời đêm thăm thẳm. Bên kia là chiếc cầu Đà Rằng dài 21 nhịp hùng vĩ bắc ngang hạ lưu sông Đà Rằng, từ lâu chiếc cầu này như là biểu tượng của Phú Yên.

Sông Đà Rằng, hạ lưu của sông Ba, con sông vốn hiền hòa, lững lờ theo năm tháng, nhưng cũng có lúc cuồng nộ thét gào khi mùa mưa lũ. Trước những thách thức phong ba, người Phú Yên vẫn bền gan chặt dạ, cùng nắm chắc tay nhau vượt qua cơn bão dữ. Hiện nay, trên dòng sông Ba và các phụ lưu sông Hinh, sông Krông Năng đã hình thành 3 nhà máy thủy điện, với tổng công suất 358 MW, không chỉ đưa nguồn sáng riêng cho Phú Yên mà còn trải dài, trải rộng ra khắp mọi miền đất nước, góp phần xây dựng nền CNH-HĐH đất nước.

Và càng đẹp hơn, hoành tráng hơn với cây cầu Hùng Vương nối đôi bờ hạ lưu sông Đà Rằng vừa mới khánh thành, công trình chào mừng Phú Yên 400 năm hình thành và phát triển. Cầu Hùng Vương dài 1.280m, khởi công vào tháng 1-2006, với tổng vốn đầu tư 477 tỷ đồng, giúp giảm tải cho cầu Đà Rằng khỏi tình trạng ách tắc giao thông, đồng thời có ý nghĩa mở rộng TP Tuy Hòa về phía Nam, nối với cầu Đà Nông đi cảng Vũng Rô, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng cho khu kinh tế Nam Phú Yên.

3- Nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn, Phú Yên có bờ biển dài gần 200km, với lợi thế có nhiều núi nhô ra biển, tạo nên những vịnh, những đầm, những ghềnh uốn quanh dưới triền núi, giúp biển Phú Yên có những thắng cảnh đẹp tự nhiên, hoang sơ, thơ mộng. Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011 có chủ đề du lịch biển đảo, do tỉnh Phú Yên chủ trì tổ chức với sự tham gia của các tỉnh Nam Trung bộ như TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Các tỉnh vùng Nam Trung bộ có lợi thế rất lớn về tiềm năng du lịch biển đảo, những vùng đất rất giàu về di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể. Du lịch biển đảo gắn với phát huy văn hóa quý giá ở các vùng biển, như Ngũ Hành Sơn, phố cổ Hội An, làng nghề dệt thổ cẩm và gốm Bàu Trúc của người Chăm, các tháp, đền, miếu và những lễ hội dân gian…

Du lịch biển đảo ở Phú Yên đa dạng và phong phú, với những địa danh nổi tiếng và đã trở thành di tích quốc gia, thắng cảnh quốc gia. Nào là Vũng Rô, địa danh hào hùng của một thời cả nước cùng ra trận. Vũng Rô cách TP Tuy Hòa khoảng 25km về phía Nam, giáp với vịnh Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa. Địa hình Vũng Rô hiểm trở và hùng vĩ, một bên núi dựng đứng mây bay, một bên biển cả trong xanh và có nhiều bãi nhỏ như bãi Lau, bãi Lách, bãi Chùa, bãi Chân Trâu, bãi Chính, bãi Bàng… Những bán đảo vòng quanh Vũng Rô tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, tuyệt đẹp. Vũng Rô còn được bao bọc bởi dải núi của đèo Cả, Đá Bia, Hòn Bà; che chắn nơi cửa biển còn có Hòn Nưa cao 105m. Với địa hình hiểm trở như vậy nên trong thời kháng chiến chống Mỹ nơi đây đã đón nhận những con tàu không số, tiếp tế cho chiến trường miền Trung và Tây Nguyên.

Một thắng cảnh khác hấp dẫn của Phú Yên là vịnh Xuân Đài, mặt nước rộng hơn 13.000ha, thuộc địa phận thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An, nơi có nhiều điểm tham quan đầy ấn tượng và lãng mạn. Đẹp nhất nơi đây có đảo Nhất Tự Sơn. Cả đảo là một màu xanh bao phủ bởi rừng cây xanh tốt và nhiều hòn đá chồng lên nhau như bàn tay khéo léo của thiên nhiên tạo dựng. Bãi đá bị sóng biển bào mòn thành những vân mịn như gỗ, khó nơi đâu đẹp bằng. Đặc biệt, thắng cảnh Bài Môn – Mũi Điện, với đặc điểm hết sức hấp dẫn là ở vị trí cận cực Đông của nước Việt Nam, nơi đón nhận ánh bình minh sớm nhất Việt Nam. Bãi Môn – Mũi Điện còn có ngọn hải đăng cao 110m so với mặt nước biển, có thể phát tín hiệu ánh sáng đi xa 27 hải lý, là một trong những điểm quan trọng của hàng hải quốc tế đi qua vùng biển Đông…

Với tinh thần cần cù và tôn trọng đạo lý, uống nước nhớ nguồn, mang trong người truyền thống của tiền nhân 400 năm đi mở đất, để hôm nay có một Phú Yên như kỳ vọng của các bậc tiền nhân: Giàu đẹp và bình yên. Cùng với những lợi thế về địa lý, địa hình, chắc chắn trong Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011 sẽ gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Là cơ hội để quảng bá về du lịch biển đảo, góp phần phát triển ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục