Thổi bùng hương xưa

Cuộc vận động thực hiện tiêu chí về người Cần Thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch” thành công hay không phụ thuộc nhiều vào việc giữ gìn, phát huy những nét đẹp phong tục tập quán, nhân cách truyền thống xưa kia.
Thổi bùng hương xưa

Cuộc vận động thực hiện tiêu chí về người Cần Thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch” thành công hay không phụ thuộc nhiều vào việc giữ gìn, phát huy những nét đẹp phong tục tập quán, nhân cách truyền thống xưa kia.

  • Nghề quê thay đổi phận người

“Dạo này bán cũng được nhưng sức khỏe dạo này xuống hơn trước nên có người bạn ở miền Trung và cả bên Mỹ mời sang khai trương cửa hàng nhưng biếng đi lắm…”, nghệ nhân Nguyễn Thị Xiềm (Mười Xiềm), đã 70 tuổi, tâm sự với bà Trần Ngọc Nga, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Cần Thơ, người gắn bó, hỗ trợ bà từ thuở gian khó ban đầu. Ngôi nhà mái tôn, vách lá ven đường Nguyễn Chí Thanh tại phường Trà Nóc (Bình Thủy - Cần Thơ) được cải tạo lại dùng làm quán; bà ở trong căn nhà mới rộng 200m² có 4 - 5 phòng lận.

“Hồi trước không bao giờ tôi dám mơ ở trong căn nhà gắn hai máy lạnh như thế này… Từ bánh xèo ra cả đấy”. Bánh xèo nhân tép, thịt heo và nhân thịt vịt bằm; bánh tét, bánh ít trần… vẫn hút hồn thực khách gần xa. Bà đang truyền nghề cho cô con dâu: “nó làm được lắm”.

Cuộc đời bà sang trang kể từ năm 2007, khi bà được chọn sang Mỹ, biểu diễn một trong 11 loại hình di sản văn hóa của VN trong khuôn khổ chương trình “Mê Kông - Dòng sông kết nối các nền văn hóa” (lễ hội đời sống dân gian Smithsonian).

Bà Mười Xiềm đã biểu diễn làm các loại bánh Cần Thơ đậm đà hương vị xưa được công chúng, nhất là Việt kiều xuýt xoa tán thưởng. Chưa nói đến cái ngon nhưng việc bà tự tay chọn gạo xay bột, kiếm dây cột bánh đã đánh thức cả miền ký ức xa xăm của người Việt xa xứ, làm sống dậy tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Thưởng thức miếng bánh mà vụt òa trong tâm thức họ là hình ảnh dòng sông bến nước thuở ấu thơ, là mẹ già lam lũ cặm cụi bên nồi bánh tét, là khói rơm đốt đồng thơm thơm bay tỏa chiều tà, là hương vị quê hương có cây cầu khỉ, có buổi tát đìa, như chùm khế ngọt, như cánh cò bay… Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho ăn lúc mình nhỏ tuổi.

Theo thời gian những món ăn dân dã mộc mạc, đơn sơ vẫn quyện chặt tâm thức thành niềm thương, nỗi nhớ giằng xé tâm can mỗi người dù họ đi đâu về đâu. Và thật lạ, càng xa lại càng đau đáu đến rã rời nỗi nhớ quê. Chiếc bánh bình thường, nhẹ hều mà có lúc oằn nặng suy tư, tình cảm đến vậy!

Bánh xèo có mặt trên cả dải đất Việt nhưng việc được mời sang tận Hoa Kỳ biểu diễn tài đổ bánh, sau đó được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian có lẽ đến giờ chỉ có bà Mười Xiềm. “Bánh xèo Mười Xiềm” vụt trở thành thương hiệu lớn, đi xa hơn cái xóm nghèo Trà Nóc, vuột khỏi Khu du lịch Phù Sa (Cần Thơ), hiện diện trong một chuỗi nhà hàng tại TP Hồ Chí Minh; trong các lễ hội, liên hoan ẩm thực quốc gia, quốc tế.

Bình dị, chân quê, nhuần nhuyễn truyền thống. Đó là thế mạnh, không dễ kiếm tìm trong thời hiện đại của bà Mười, người đã có trên 50 năm quay quắt mưu sinh bằng nghề làm, bán bánh dạo, và bà là đời thứ ba.

Chuẩn bị đám cưới trong nhà cổ ở Cần Thơ.

Chuẩn bị đám cưới trong nhà cổ ở Cần Thơ.

  • Phục dựng “cây đa bến nước, sân đình”

Trong năm 2010, Bảo tàng TP Cần Thơ đã tổ chức phục vụ ước 225.102 lượt khách tham quan, đạt 112,55% kế hoạch (trong đó có 1.645 khách nước ngoài). Sưu tầm và xác minh được 269 hiện vật bổ sung kho cơ sở; tiếp nhận 110 cổ vật, di vật, sưu tầm thêm 1 sắc phong bổ sung vào danh mục sắc phong đình làng TP Cần Thơ. Hoàn thành cơ bản 15 nội dung nhà cổ và thực hiện hợp đồng với 4 đơn vị tài trợ ấn phẩm nhà cổ.

Bà Trần Ngọc Nga, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, người “đãi cát” phát hiện ra bà Mười Xiềm nói hầu hết 10 di tích cấp quốc gia trên địa bàn đã đươc trùng tu, tôn tạo từ nhiều nguồn kinh phí và xã hội hóa. Đình Bình Thủy, tức Long Tuyền cổ miếu, được dựng lên từ thuở “khai sinh lập địa” (1844) đã trùng tu xong nay tôn tạo thêm miếu Thần nông, sân đình giáp mé sông, phục hồi cảnh quan “cây đa bến nước sân đình”.

Mộ nhà thơ Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, chùa Ông… cũng hoành tráng hơn. Quần thể gừa khổng lồ cao khoảng 6 thước, rộng đến 3.000 thước vuông được huyện Phong Điền quy hoạch, xây dựng thành điểm tham quan du lịch sinh thái, nhưng quan trọng nhất là bảo tồn giá trị di sản độc đáo này của địa phương.

Ở quận Bình Thủy, ngoài bà Mười Xiềm còn có hai nghệ nhân là bà Trần Thị Tâm chuyên may trang phục lễ hội và bà Nguyễn Thị Ánh 20 năm trong ngành hát bội được hỗ trợ để bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống của làng cổ Long Tuyền xưa. Nhiều hoạt động dân gian được khôi phục, phát huy qua Câu lạc bộ Di sản, Câu lạc bộ Tuồng cổ (với hơn 20 người cao tuổi còn giữ được 6 bản lễ tổ), đoàn múa lân Việt Anh Đường... có “show” diễn khắp nơi.

Chợ cổ Cần Thơ (xưa là chợ Lục Tỉnh, chợ Hàng Dương) trên bến Ninh Kiều được xây dựng cùng thời với các ngôi chợ lớn ở Sài Gòn (Bến Thành, Bình Tây), có tuổi đời cả trăm năm từng là nơi tập kết, buôn bán hàng hóa của Nam Kỳ lục tỉnh và Nam Vang xưa. Năm 2005, chợ được trùng tu lại và may mắn thay, khác với những ngôi chợ trong vùng, hiện trạng mô hình kiến trúc cổ vẫn được giữ nguyên. Ngôi chợ này cùng “Lộ Vòng Cung” dài 27km, phía Tây sông Hậu, điểm son chói lọi của Khu ủy và Đảng bộ, nhân dân Cần Thơ trong 21 năm chống Mỹ đang được lập hồ sơ công nhận di tích cấp quốc gia.

Từ năm 2002, Cần Thơ đã thực hiện đề án Bảo tồn văn hóa phi vật thể (VHPVT) “Đờn ca tài tử ở Cần Thơ” và biên soạn, phát hành 5 tập sách hướng dẫn đờn ca tài tử. Nhiều dự án, công trình nghiên cứu, bảo tồn khác của Bảo tàng Cần Thơ đã được cụ thể qua một số văn hóa phẩm như “Nhà cổ ở TP Cần Thơ”, “Hò Cần Thơ”, “Hát ru”, “Lễ Kỳ yên thượng điền đình Bình Thủy”, “Kỹ thuật đóng ghe xuồng”, “Chợ nổi”, “Nghi thức làm phước trong lễ dâng y tại chùa Pôthi Sômron”, “Múa bóng rỗi”, “Nghề dệt chiếu”, “Nghề đan lọp”, “Lễ viếng Quan thánh đế ở Chùa Ông” hay gần đây có “Lẩu mắm”, “Truyền dạy kỹ thuật cắt, may trang phục tu sĩ truyền thống Khmer”… Đây là những đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị; khái quát được nét đẹp phong tục, văn hóa truyền thống bản địa.

Bên cạnh lưu giữ phim, hình ảnh, văn bản, Bảo tàng Cần Thơ còn năng động tổ chức giới thiệu di sản theo các chuyên đề và giáo dục di sản văn hóa trong học đường đồng thời góp mặt trong ngân hàng tư liệu của Viện Nghiên cứu VHNT Việt Nam.

Cần Thơ là một trong 15 thành phố được chọn đầu tư xây dựng Trạm vệ tinh “Ngân hàng dữ liệu VHPVT các dân tộc Việt Nam” với phòng chiếu phim, truy cập mạng…

Trang trí ghe ngo truyền thống Khmer.

Trang trí ghe ngo truyền thống Khmer.

  • Bảo tồn thời @

Để di sản di tích “sống và phát triển”; bản sắc được giữ gìn, thăng hoa trong cuộc sống đương đại, hội nhập hôm nay vẫn còn nhiều việc phải bàn, phải làm. Bảo tồn di tích bao giờ cũng gắn với sự phát triển không gian đô thị, nên nếu không “chấm” sẵn vị trí của cả không gian di tích trên bản đồ quy hoạch, di tích sẽ chẳng thể bình yên trong cơn lốc đô thị hóa quá nhanh hiện nay. Làng hoa Bà Bộ, Thới Nhựt tồn tại cả trăm năm đâu còn như xưa; lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy giữ, bỏ cái gì cho hợp lý….

Và không chỉ vậy, chuyện bà Mười Xiềm được dư luận đánh giá là một thành công “lạ” và lớn của Cần Thơ trong việc bảo tồn, phát huy vốn cổ. Từ những người dân gắn liền với nghề truyền thống, ngành văn hóa Cần Thơ đã tìm ra cách bảo tồn những di sản VHPVT qua việc hỗ trợ để nghề không bị thất truyền.

“Chúng ta đã có một cô Mười Xiềm. Nếu chịu khó điều tra và vận động ở Cần Thơ, ĐBSCL có thể chúng ta có hàng trăm cô Mười Xiềm vì nghề nấu ăn truyền thống, gia truyền trong dân còn rất nhiều. Muốn bảo tồn trước hết phải biết phát hiện, tôn vinh nghệ nhân. Đây chính là biện pháp tốt nhất để bảo tồn di sản văn hóa dân tộc dạng “sống” trong môi trường cộng đồng” - GS-TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội VNDGVN khẳng định. Trong rất nhiều trường hợp, nghệ nhân còn thì di sản còn qua sự truyền dạy cho con cháu.

Cần Thơ, nơi từng có phòng trào đờn ca tài tử rầm rộ, nơi từng vang danh nhiều tên tuổi lớn như soạn giả Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền, Bảy Nhiêu, Năm Thốt Nốt, Tư Bền hay các nhạc công Chín Danh, Tư Hạnh… gắn liền với các gánh hát Tập Ích Ban, Trần Đắc từng lưu diễn tận Hà Nội nhưng hiện nay số lượng “ca được, chơi được” ngày càng giảm sút, “chỉ còn phổ biến ở tầng lớp trung niên, người cao tuổi ở các vùng nông thôn, ngoại thành”. Nghệ nhân chơi nhạc cụ cổ truyền khan hiếm, nhất là độc huyền, kìm, cò; các bài bản tổ có nguy cơ thất truyền; xuất hiện xu hướng thương mại hóa, “cải lương hóa” đờn ca tài tử…

Nếu biết cách, di sản văn hóa sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt trong phát triển du lịch. Việc khai thông, tạo tuyến mới cho tàu du lịch lưu thông thuận lợi đến nhà cổ Bình Thủy, một điểm du lịch hút khách của Cần Thơ để hình thành tour khép kín rất cần sự phối hợp, liên kết của nhiều ngành. Chợ nổi Cái Răng, hình thái giao lưu thương mại đặc trưng miền sông nước, trọng điểm du lịch của Cần Thơ đang đối mặt với việc bảo vệ cảnh quan, môi trường... 

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục