Hàng lậu xuyên biên giới

Buôn lậu lâu nay đã và đang trở thành quốc nạn. Hàng năm, một khối lượng hàng lậu cực lớn theo mọi ngóc ngách biên giới đã tràn vào nước ta. Từ biên giới phía Bắc, miền Trung cho đến biên giới Tây Nam, đâu đâu hoạt động buôn lậu cũng diễn ra nhộn nhịp.
Hàng lậu xuyên biên giới

LTS: Buôn lậu lâu nay đã và đang trở thành quốc nạn. Hàng năm, một khối lượng hàng lậu cực lớn theo mọi ngóc ngách biên giới đã tràn vào nước ta. Từ biên giới phía Bắc, miền Trung cho đến biên giới Tây Nam, đâu đâu hoạt động buôn lậu cũng diễn ra nhộn nhịp.

Bài 1: Như chốn không người...

Trong bối cảnh cả nước đang dồn sức kiềm chế lạm phát; doanh nghiệp gồng mình trước các biến động kinh tế, hàng lậu tồn tại như một thách thức, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, đe dọa phá vỡ chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Vì vậy, chống buôn lậu đang trở thành vấn đề quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết liệt của các cấp, ngành nhằm bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, bảo vệ sự bình ổn của kinh tế đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Hoạt động buôn lậu diễn ra khá nhộn nhịp dọc biên giới Tây Nam.

Hoạt động buôn lậu diễn ra khá nhộn nhịp dọc biên giới Tây Nam.

  • Tấp nập dân buôn

Cuối tháng 3, theo chân các anh Sáu L., Út K., Tư Tr., từ quốc lộ 22B, chúng tôi rẽ vào tỉnh lộ 785 trực chỉ vùng biên giới Tây Ninh - Campuchia. Thay vì thẳng tiến cửa khẩu Chàng Riệc (huyện Tân Biên), cả nhóm chuyển vào đường mòn bên trái khoảng chục cây số, tấp vào một căn chòi, cột thêm các cây gỗ để móc 2 túi đựng can xăng trước khi hướng về 2 chiếc xe bồn chờ sẵn xuất sang Campuchia…

Đường dây vận chuyển rất suôn sẻ, không gặp trở ngại gì. Tư Tr. tâm sự: “Mỗi người tụi tui đóng cho Bảy T. ở cửa khẩu Xa Mát 1 triệu đồng, coi như tiền “giằng chân”.

Đoạn đường qua lại biên giới ở đây khoảng 5 cây số, mỗi lần chở khoảng 100 lít xăng hay dầu. Trừ chi phí bến bãi, canh đường, dẫn đường, giao dịch…, mỗi lít tụi tôi được trả 1.000 đồng. Vị chi mỗi chuyến được tiền công 100.000 đồng, đóng “hụi chết” 10.000 đồng. Mỗi ngày chạy 2 chuyến là sống được (!)”.

Bến Xuồng và Đường Chùa là 2 điểm buôn lậu nhộn nhịp suốt ngày đêm nằm sát cửa khẩu quốc tế Xà Xía, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang. Trên đoạn đường hơn 1km từ trụ sở UBND xã Mỹ Đức đến cửa khẩu Xà Xía, có tới 4 cây xăng hoạt động khá tấp nập. 11 giờ, khi UBND, công an xã… nghỉ trưa, cây xăng đối diện tất bật bơm xăng dầu vào hàng chục can nhựa tập kết sẵn.

2 thanh niên to khỏe với 2 xe máy thồ hàng được lắp tới 3 cặp phuộc nhún, không biển số, nhanh nhẹn ràng rịch các thùng xăng dầu. Trong nháy mắt, 2 “tay đua tốc độ” nổ máy, rú ga chát chúa lao thẳng về biên giới. Sau khi đi được vài trăm mét, 2 xe chở xăng dầu cùng nhiều xe máy thồ hàng khác rẽ phải vào đường mòn xuống Bến Xuồng. Tại đây, hàng chục xe thồ hàng lậu khác cũng đang hối hả giao nhận, có cả phụ nữ tham gia. Biên giới chỉ cách nhau 1 con sông nhỏ.

Phía kên kia, hàng lậu được bảo quản trong thùng cách nhiệt, tập kết sẵn chất thành từng đống to đùng, chờ thời điểm thuận tiện là tuồn về Việt Nam. Dưới bến sông, dân buôn lậu nhanh tay chất hàng lên xuồng, đẩy sang trong vòng vài phút. Hàng lậu được chất ngay lên các xe thồ, phóng đi từng đoàn 15-20 xe vào sâu trong đất liền. Sau khi tuồn hàng lậu, chủ yếu là thuốc lá, về Việt Nam, xăng dầu được chất lên xuồng, đẩy ngược sang Campuchia.

Theo quan sát của chúng tôi, từ 11 giờ 30 đến 12 giờ 30 hàng ngày, hầu như không có sự xuất hiện của lực lượng chức năng, nên có hơn 100 lượt xe qua biên giới dễ dàng. Tại khu vực Đường Chùa, cánh gà bên trái cửa khẩu Xà Xía, hàng lậu cũng ào ào qua biên giới theo đường bộ về thị xã Hà Tiên, TP Rạch Giá.

Hàng lậu vẫn đều đặn chuyển vào Việt Nam thông qua các cửa khẩu (đánh dấu °, từ trái sang): Xà Xía (Kiên Giang), Tịnh Biên, Châu Đốc, Khánh Bình, Vĩnh Xương (An Giang), Thường Phước, Dinh Bà (Đồng Tháp), Mộc Hóa (Long An) và Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh).

Hàng lậu vẫn đều đặn chuyển vào Việt Nam thông qua các cửa khẩu (đánh dấu °, từ trái sang): Xà Xía (Kiên Giang), Tịnh Biên, Châu Đốc, Khánh Bình, Vĩnh Xương (An Giang), Thường Phước, Dinh Bà (Đồng Tháp), Mộc Hóa (Long An) và Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh).

  • Xăng dầu “vô tư” thẩm lậu

Dù giá xăng trong nước đã tăng 2 lần nhưng nạn buôn lậu xăng dầu vẫn diễn ra rầm rộ vì giá bán giữa Việt Nam và Campuchia vẫn chênh nhau. Hiện dọc tuyến biên giới của tỉnh An Giang có khoảng 50 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Từ đầu tháng 12-2010 đến nay, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh An Giang cho biết lực lượng chống buôn lậu đã tịch thu khoảng 5.860 lít xăng dầu, nhưng mới chỉ xử phạt vi phạm hành chính được… 6 triệu đồng đối với 4 trường hợp.

Trong khi đó, chiều dài tuyến biên giới với Campuchia khoảng 137 km, việc xuất lậu xăng dầu ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ, tỉnh Long An dễ như đi chợ. Trên bờ có xe đạp, xe gắn máy, xe ba gác, xe máy cày; dưới sông có võ lãi, xuồng máy… tất cả đều được trưng dụng chở lậu xăng dầu.

Ngoài Hà Tiên, vùng Đầm Chích, xã Tân Khánh Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cũng là điểm nóng buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam. Xăng dầu theo những con đường đất đỏ đến sông Giang Thành và chống xuồng ngang sang Campuchia.

Theo một số người dân vùng biên, buôn lậu xăng dầu phần lớn do các chủ cây xăng tổ chức. Nhiều chủ cây xăng găm hàng, bán nhỏ giọt cho dân địa phương, còn dành phần lớn xuất lậu. Ở An Giang, hầu hết các cây xăng nằm ngay trên bờ hoặc giữa kênh Vĩnh Tế, rất thuận tiện cho giới buôn lậu hoạt động. Nhiều chủ cây xăng trực tiếp thuê người đưa hàng qua biên giới với giá 5.000 đồng/can (30 lít).

  • Lộ liễu và tinh vi

Không nhộn nhịp như mùa giáp tết, buôn lậu giờ đây tinh vi và quy củ hơn. Đối tượng vận chuyển thuốc lá ngoại từ bên kia biên giới không còn bó trong người như trước, mà cho vào thùng, bao rồi chở bằng xe gắn máy để dễ vận chuyển cũng như tẩu tán khi bị lực lượng chức năng phát hiện. Họ không đi từng đoàn như trước kia mà đơn lẻ nhưng số lượng vận chuyển mỗi lần 50 - 100 cây thuốc lá.

Các mặt hàng khác, chủ hàng thuê một đoàn xe ôm chở hàng từ biên giới về sâu trong nội địa. Một xe đi trước dò đường, nếu không thấy nhân viên quản lý thị trường hay công an, thì dùng điện thoại di động báo hiệu cho đoàn đưa hàng đi. Lỡ gặp sự cố, họ bỏ của chạy lấy người.

Gần đây, các tay buôn còn thuê các tuyến đường cặp ruộng (gọi là mương chạy) của người dân làm điểm tập kết, chuyển hàng qua biên giới. Giá thuê mỗi mương chạy khoảng 15 - 50 triệu đồng trong 6 tháng- 1 năm (tùy thuộc địa điểm).

Dọc theo kênh Vĩnh Tế, có đến hàng chục mương chạy của dân buôn lậu. Xuất phát từ các trạm xăng dầu ở huyện Tịnh Biên, xăng, dầu được đóng vào can, đội quân chuyển hàng lậu trung chuyển bằng đường bộ một đoạn sau đó cho xuống vỏ lãi xuyên các cánh đồng biên giới sang Campuchia...

Ông Nguyễn Văn Sức, Phó Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình, An Giang, cho biết: Hàng nhập lậu qua vùng biên giới An Phú chủ yếu được giới buôn lậu dùng xuồng máy cao tốc vận chuyển qua sông, sau đó vận chuyển bằng xe gắn máy đi tiêu thụ hoặc trữ hàng lại ở các kho hàng của một số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hẳn hoi, chờ dịp tiêu thụ.

Hiện rất khó xử lý buôn lậu đường cát vì giới đầu nậu biết cách hợp thức hóa chứng từ. Năm ngoái, Hải quan Khánh Bình bắt ghe chuyển 20 tấn đường cát Thái Lan từ Charithum về Việt Nam, nhưng được tráo bao bì và sử dụng hóa đơn mua hàng của một nhà máy đường trong nước. Khi ngành chức năng đến xác minh, đại diện nhà máy đường này… thừa nhận bao bì và hóa đơn giá trị gia tăng là của họ, còn 20 tấn đường thì lập lờ trong cách trả lời, gây khó khăn cho Ban Chỉ đạo 127 tỉnh An Giang trong quá trình xử lý.

Theo Bộ đội Biên phòng An Giang, bên kia biên giới có đến 32 kho hàng, với đủ chủng loại hàng hóa, từ thuốc lá ngoại, quần áo cũ, linh kiện điện tử, đường cát, mỹ phẩm… luôn chờ dịp tuồn hàng vào Việt Nam, với lực lượng chuyên chở thường trực 300 - 400 lượt người.

Trong khi đó, dọc bờ sông Sở Thượng (biên giới Đồng Tháp - Campuchia), phía đất bạn có 3 kho hàng của bọn buôn lậu, trong đó có một kho hoạt động rất mạnh. Cánh buôn lậu cứ “hiên ngang” vác những bao thuốc lá xuống xuồng, ngay trước mắt biên phòng, cảnh sát. Đợi khi nào lực lượng kiểm soát nghỉ, họ bơi xuồng qua sông, chỉ khoảng 5 phút là tới bờ bên phần đất Việt Nam. Ở bờ bên này có xe gắn máy chờ sẵn, xuồng vừa cặp bến, họ ôm hàng phóng lên xe vọt về Hồng Ngự.

Từ khi Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên bắt đầu sôi động, với việc hình thành hàng loạt siêu thị miễn thuế, buôn lậu ở đây cũng không giảm. Hàng loạt điểm gom hàng lậu xuất hiện ngay ở các cửa hàng miễn thuế trong khu kinh tế này. Nhiều cặp vợ chồng chở hàng chục thùng nước ngọt, bột ngọt, bia, mỹ phẩm... từ trong khu vực miễn thuế đi ra. Đây là những người dân từ các huyện khác trong tỉnh đến, dùng Chứng minh nhân dân mua hàng miễn thuế, sau đó giao cho “đầu nậu” mang đi tiêu thụ.

Những cây xăng “vua” 

Nhiều cây xăng biên giới Long An - Campuchia đặt biển báo “hết xăng” đối với người lạ và người mua xăng lẻ, trong khi luôn bơm đầy xăng cho dân buôn. Hóa ra, giá xăng bán cho dân buôn thường cao hơn giá quy định khoảng 500 - 1.000 đồng/lít, nên nhiều cây xăng “ít tốn công lại lời nhiều”.

Cuối tháng 3, nhân viên cây xăng Thanh Hiền ở ấp 4 xã Khánh Hưng huyện Vĩnh Hưng từ chối bán xăng cho chúng tôi và thản nhiên bơm xăng vào can nhựa của dân buôn.

Cây xăng Minh Quý cách đó 300m cũng thế: Lúc nào cũng gắn bảng “hết xăng”, nhưng bên trong thường có 5- 7 xe gắn máy “ăn hàng”. Cây xăng Hồng Thủy ở ấp Tà Nu xã Hưng Điền A huyện Vĩnh Hưng cũng dùng “chiêu hết xăng”.

Cư dân địa phương bảo: Tụi tui muốn đổ vài lít xăng phải đi gần 20km ra tới thị trấn Vĩnh Hưng, trong khi dân buôn mua bao nhiêu cũng có. Ở đây, mấy cây xăng này là vua…

NHÓM PV


Bài 2: “Bắt cóc bỏ dĩa”

Tình trạng buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam đã tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua, dù rất nỗ lực nhưng các lực lượng chống buôn lậu (Quản lý thị trường, Hải quan, Cảnh sát Kinh tế, Bộ đội Biên phòng) không thể làm gì hơn sức mình có. Chống buôn lậu, ngoài các giải pháp răn đe quyết liệt, việc tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho cư dân vùng biên cũng là giải pháp cần tính đến.

Hàng lậu bị lực lượng Hải quan Cửa khẩu Xà Xía (Hà Tiên - Kiên Giang) thu giữ. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Hàng lậu bị lực lượng Hải quan Cửa khẩu Xà Xía (Hà Tiên - Kiên Giang) thu giữ. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Gian nan chống buôn lậu

Mỗi ngày có hàng ngàn, hàng trăm ngàn lít xăng dầu ùn ùn “tràn” sang Campuchia. Ngược lại, rượu, thuốc lá, đường cát, hàng điện máy… cũng tấp nập xâm nhập vào Việt Nam. Cứ mỗi lít xăng dầu xuất lậu trót lọt, con buôn lời 4.000- 5.000 đồng. Còn mỗi chai rượu, cây thuốc lá, ký đường… tràn vào Việt Nam, cánh đầu nậu cũng thu lợi không nhỏ. Cứ thế, như một thứ ma lực, nạn buôn lậu diễn ra như ở chốn không người, dù các cơ quan chức năng ở đây phải “gồng mình” chống buôn lậu (!?).

Có lẽ chưa lúc nào tình hình buôn lậu lại diễn ra quy mô và phức tạp như hiện nay ở các huyện biên giới của tỉnh Long An. Ở cửa khẩu Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa) hay trên địa bàn 2 huyện Đức Huệ, Đức Hòa, hoạt động buôn lậu diễn ra như chốn không người.

Trên tuyến đường từ Lộc Giang về Tân Mỹ (khoảng 8km), cứ vài mươi phút là có một đoàn xe khoảng chục chiếc thồ hàng lậu (rượu, thuốc lá, đường cát, hàng điện máy…) “diễu hành” ngang qua về Củ Chi, trước khi vào nội thành TPHCM tiêu thụ. Nhiều người đoan chắc, đây là “tuyến đường huyết mạch” chuyển hàng lậu từ Đức Huệ về TPHCM tiêu thụ. Chẳng lẽ cơ quan chức năng Long An bó tay trước cánh buôn lậu?

Theo lý giải của một cán bộ  Ban chỉ đạo chống buôn lậu của tỉnh Long An: Quyết tâm chống buôn lậu là một chuyện, còn thực hiện là chuyện khác vì gian nan, phức tạp lắm. Như mấy năm gần đây, lượng hàng nhập lậu chỉ bằng 30% - 40% so với trước, nhưng mức độ đối phó của bọn buôn lậu tinh vi hơn. Như chúng điều nghiên rất kỹ trước khi thực hiện một phi vụ. Hầu như mọi hoạt động của lực lượng chống buôn lậu cũng đều bị “rò rỉ”- thậm chí, trong lực lượng chống buôn lậu, ai bị bệnh, ai nghỉ phép, cánh buôn lậu đều biết (!)…

Theo một cán bộ Công an tỉnh Long An, công tác chống buôn lậu trong thời gian qua chưa hiệu quả vì bị lực lượng “chẻ” hàng lậu “phá đám”. Phần đông lực lượng này là dân nghèo ở địa phương, họ coi việc vận chuyển hàng lậu đi làm mướn để kiếm thêm tiền những khi nông nhàn. “Khi nào giải quyết tốt bài toán thu nhập của dân làm cửu vạn ở tuyến biên giới, lúc đó tình hình buôn lậu may ra mới giảm, nếu không, bắt họ như “bắt cóc bỏ dĩa mà thôi”- vị cán bộ này khẳng định.

Thực tế, hiện nay, hoạt động buôn lậu chỉ lắng xuống khi các chiến dịch liên ngành đồng loạt triển khai, hoặc tại các điểm nóng có mặt thường xuyên của lực lượng chống buôn lậu.

Sau 20 năm chống buôn lậu biên giới, ông Nguyễn Thanh Truyền, Hải quan Cửa khẩu Xà Xía, cho biết: “Bây giờ, các đối tượng buôn lậu rất tinh vi, tổ chức thông tin cảnh giới vô cùng chặt chẽ. Thậm chí hàng ngày họ đều bố trí người (thay đổi thường xuyên) đến ngay cửa hải quan chúng tôi theo dõi động tĩnh để đối phó kịp thời. Các đối tượng này vô cùng manh động. Nếu bị lực lượng chống buôn lậu vây bắt, họ sẵn sàng bỏ hàng để thoát thân. Nếu sau đó, chúng tôi không thu giữ tang vật nhanh chóng, hàng trăm người sẵn sàng tấn công lực lượng chống buôn lậu để giật lại hàng”.

Tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Xà Xía có 2 trường hợp bị bọn buôn lậu gây thương tích, nhập viện cấp cứu trong cao điểm chống buôn lậu xăng dầu năm ngoái. Trong khi cánh buôn lậu thuốc lá cũng rất liều mạng, sẵn sàng phóng xe tốc độ 80-90km/h bất kể chỗ đông người. Lực lượng chức năng cũng dè dặt truy đuổi vì sợ gây tai nạn liên quan đến người đi đường, hậu quả khó lường. Do vậy, dù có thể điểm mặt từng đối tượng vận chuyển hàng lậu nhưng xem ra khó bắt quả tang vì không đủ chứng cứ. Cứ thế, hàng lậu “vô tư” tràn vào Việt Nam.

Không thực khó vực được đạo

Thực trạng buôn lậu ngày một diễn biến phức tạp là do lâu nay các lực lượng chống buôn lậu chỉ sờ đến… “cò con”- những người vận chuyển thuê vốn là cư dân nghèo vùng biên. Bọn đầu nậu hàng lậu giờ đây cực kỳ khôn ngoan, chúng có thể làm luật, móc nối với một số cán bộ chức năng để tuồn hàng lậu vào về nội địa.

Dọc theo tuyến dân cư Vĩnh Ngươn, An Giang, giáp giới Campuchia, hầu như nhà nào cũng… tham gia vận chuyển hàng lậu. Anh Minh, chuyên nghề giữ xe, đưa đón người sang gò Tà Mâu kiêm vận chuyển hàng lậu, cho biết: “Tụi tôi trình độ thấp, đất đai ít quá, không làm nghề này thì biết làm gì ăn?”.

Để vận chuyển hàng, dân buôn thuê dân địa phương mang về. Giá đưa hàng từ chợ Gò Tà Mâu về Châu Đốc 15.000 đồng một đầu máy VCD, DVD; các mặt hàng khác, chủ hàng tính 10% trị giá, sau đó chia lại cho người vận chuyển một ít. Nếu mất hàng, chủ hàng chịu. Việc chuyển hàng cần nhiều nhân công, nên dân địa phương hầu như được huy động hết.

Những gia đình như vợ chồng anh M. đi chợ Gò Tà Mâu thường xuyên hơn chợ Châu Đốc. Mùa khô, chồng chở xe ôm, vợ gùi hàng cũng kiếm được mỗi ngày 100.000 đồng. Mùa nước lên, hai vợ chồng cùng chống xuồng đi chở hàng lậu, kiếm thêm khi hết việc.

Lợi nhuận lớn, cộng với sản phẩm của hàng nội chưa đủ phong phú, chất lượng chưa đều, chuyện hàng lậu ở chợ Gò Tà Mâu hay chuyện bỏ học đi gùi hàng ở chợ của cư dân vùng biên giới vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.

Theo chân Th., một tay chạy xe ôm kiêm nghề dẫn đường… mua hàng lậu, chúng tôi qua chợ Gò Tà Mâu. Có đến mới biết… dường như cả vùng biên này phần lớn người dân đều có dính dáng đến buôn lậu. Trước đây, qua biên giới còn có kiểm soát, trình giấy tờ, hiện nay cứ chạy xe đi thẳng vào chợ. Các chốt gác, nếu có, chỉ là một người mặc đồ dân sự thu tiền theo đầu người. Phía Việt Nam cả 2 người và xe gắn máy là 5.000 đồng, qua bên kia chợ, mỗi người thêm 1.000 đồng nữa. Trả giá, mua hàng xong, nhờ người mang về đến nội địa, trả tiền, coi như hoàn tất một phi vụ. Nếu đi xe của người địa phương, thậm chí không cần trả tiền. Mua hàng lậu, vì thế, còn dễ hơn mua hàng ở siêu thị trong nội địa. Chính sự dễ dãi đó đã “khuyến khích” cư dân vùng biên tiếp tay cho giới buôn lậu.

Ngay những người từ trước đến giờ không biết buôn lậu là gì, cũng “tập tành” đi buôn lậu. Như ông Thành sống bằng nghề ghe cào cá ở xã Khánh Hưng huyện Vĩnh Hưng, Long An. Trước đây, mỗi ngày mấy cha con ông phơi lưng trên sông từ sáng sớm đến chiều tối, kiếm không hơn 100.000 đồng; nay một ngày 2 chuyến “cào xăng”, gia đình ông kiếm hơn 1 triệu đồng, sống khỏe.

Ông Bình, láng giềng ông Thành, cho biết, từ sau Tết Tân Mão đến nay, số tiền gia đình ông kiếm
được từ chở mướn xăng dầu lậu sang Campuchia bằng làm 2 ha ruộng lúa. Ngay những người từ Campuchia sang Việt Nam cắt lúa mướn hay đi mua hàng cũng “tranh thủ” buôn lậu xăng dầu. Khi đi, họ mang theo 4-5 can nhựa, lúc về đổ đầy xăng, nói là mua về bơm nước. Mỗi chuyến như vậy, họ kiếm lời vài trăm ngàn đồng.

Ông Huỳnh Trung Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức, Hà Tiên, cho biết: “Thành phần buôn lậu đưa hàng vào biên giới có người trong và ngoài địa phương, thậm chí các tỉnh khác và cả người dân Campuchia. Lực lượng chống buôn lậu của xã chủ yếu là công an nhưng rất mỏng lại đang quá tải với công việc hành chính.

Những lúc cao điểm phải có sự phối hợp với các ngành chức năng mới mong xử lý xuể, nhưng cũng chỉ đáp ứng yêu cầu công việc trên bề nổi”. Được biết, Hà Tiên đang tính giải pháp trang bị “súng điện từ” có khả năng phát ra tín hiệu làm tắt máy các xe chở thuốc lá lậu đang lưu thông.

Ông Lữ Minh Hải, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 127 Kiên Giang, nói: “Tuyến biên giới đường bộ của tỉnh Kiên Giang giáp với Campuchia có 56km với 1 cửa khẩu quốc tế Xà Xía, cửa khẩu quốc gia Giang Thành và rất nhiều đường tiểu ngạch. Hàng hóa buôn lậu chủ yếu vẫn là xăng dầu xuất qua, thuốc lá tràn vào. Mỗi năm chúng tôi tiêu hủy lượng thuốc lá hơn 4 tỷ đồng.

Đối với xăng dầu, còn chênh lệch giá, chắc chắn còn buôn lậu. Tỉnh chủ trương giao các địa phương cân đối nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt để có cơ sở cung ứng hợp lý. Các ngành chức năng của tỉnh và Cảnh sát biển, Hải quân vùng V đang quyết liệt phối hợp hạn chế tối đa tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển”. 

Từ thực tế buôn lậu ở vùng biên, có thể thấy rõ rằng chống buôn lậu là cuộc chiến gian nan. Làm thế nào để ổn định đời sống cho họ, tuyên truyền, giáo dục họ ngưng tiếp tay cho giới buôn lậu là bài toán khó. Trong khi đó, họ lại ít học, phần lớn đều nghèo và thiếu phương kế mưu sinh. Trước đây, huyện Tân Châu (An Giang) từng thí điểm cho dân buôn lậu vay vốn chuyển nghề.

Theo đó, khoảng 100 hộ ở 2 xã Phú Lộc, Vĩnh Xương được vay 2 triệu đồng/hộ với mục đích làm ăn đàng hoàng để bỏ “nghề buôn lậu”. Kết quả, hơn 50% số hộ làm ăn không hiệu quả, sử dụng vốn sai mục đích. Đến nay, việc thu hồi vốn khó khăn, nhiều hộ không có khả năng thanh toán…

Dạo quanh một vòng các chợ biên giới như Tịnh Biên, Châu Đốc, Tân Châu, Hồng Ngự…, rất dễ nhận thấy phần lớn lượng hàng hóa bày bán đều có xuất xứ từ Thái Lan, từ vải vóc, quần áo may sẵn đến nón, đồ lót, hàng điện tử, hàng gia dụng, thậm chí cả chai dầu cù là. Chỉ tính riêng chợ Châu Đốc và Tịnh Biên, trong 2 ngày cuối tuần, cả 2 nơi đều không có chỗ đậu ô tô từ khắp nơi đổ về. Căn cứ vào lượng hàng hóa bày bán ở các chợ và sức mua tấp nập của người dân trong nước, đủ thấy hoạt động buôn lậu quy mô đến mức nào.

Tại các cửa khẩu, dân buôn lậu thường buôn những mặt hàng mà phía Việt Nam có giá cao, và tại mỗi cửa khẩu nổi tiếng với một vài mặt hàng đặc trưng. Theo ghi nhận của chúng tôi, ở cửa khẩu Tịnh Biên, Châu Đốc (An Giang) chủ yếu là vải vóc, quần áo may sẵn và hàng gia dụng như bột giặt, mỹ phẩm, giày dép, xe đạp.

Tại cửa khẩu Vĩnh Xương, Khánh Bình (An Giang), do có đường sông nên lượng hàng tuồn qua quy mô rất lớn, chủ yếu là đường cát, rượu ngoại và thuốc lá. Phía bên Đồng Tháp, trừ Hồng Ngự chủ yếu buôn lậu thuốc lá, các cửa khẩu khác quy mô hàng hóa không “phong phú” như An Giang.

Nhóm PV


Bài 3: Cuộc chiến cam go

Số liệu cập nhật mới nhất từ Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho thấy, 3 tháng đầu năm, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 3.641 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính trên 123 tỷ đồng.

  • Diễn biến vẫn phức tạp

Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương, Thường trực Ban Chỉ đạo 127TW, hoạt động buôn lậu không công khai và ngang nhiên như trước, nhưng phương thức, thủ đoạn mang tính chuyên nghiệp hơn, hoạt động có đường dây, có tổ chức, phương thức vận chuyển hàng lậu luôn thay đổi, khi đi từng đoàn, khi nhỏ lẻ, nếu bị phát hiện đối tượng sẵn sàng chống trả quyết liệt. Bên cạnh đó các tuyến cảng biển, cảng sông, tuyến hàng không - bưu điện, tuyến đường sắt… tình hình buôn lậu, gian lận thương mại cũng có dấu hiệu phức tạp gia tăng về quy mô và trị giá lớn.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, hoạt động buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại vẫn diễn ra hết sức phức tạp.

Địa bàn trọng điểm vẫn là các khu vực: Móng Cái (Quảng Ninh), Tân Thanh, Cốc Nam (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng), cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Thường Phước (Đồng Tháp), Tịnh Biên và Vĩnh Xương (An Giang), cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh),… Các mặt hàng vi phạm tập trung nhiều ở nhóm hàng tiêu dùng như: rượu ngoại, nước giải khát, bánh kẹo, quần áo, vải, gia súc, đồ điện tử, điện lạnh, linh kiện ô tô và xe gắn máy,…

Trên tuyến biên giới phía Nam, mặt hàng thuốc lá nhập lậu không giảm do giá cả trong và ngoài nước chênh lệch tương đối nhiều. 3 tháng đầu năm, ngành hải quan đã thu giữ trên 30.400 gói thuốc lá ngoại, 7.300 gói thuốc lá giả, hơn 800 chai rượu ngoại, 10.000 lon bia, 32.000 lon nước giải khát, hơn 100.000 hộp sữa,…

Một số chi cục hải quan cửa khẩu khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, TPHCM, Đồng Nai… phát hiện một số doanh nghiệp lợi dụng hình thức ưu đãi miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, lợi dụng hình thức chuyển cửa khẩu, tạm nhập – tái xuất, quá cảnh để khai báo sai về số lượng, tên hàng, mã số thuế, gian lận định mức nguyên phụ liệu. Mặt hàng trọng điểm gồm các loại hàng tiêu dùng (rượu bia, bánh kẹo, quần áo may sẵn,…), ô tô các loại, xe gắn máy, phụ tùng ô tô và gắn máy, linh kiện điện tử…

Với tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, các đối tượng không chỉ nhập lậu các mặt hàng như quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ, máy ảnh số… mà nổi lên việc nhập khẩu các loại hàng cấm như vũ khí, ngoại tệ...Trong năm 2010, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội (Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Chi cục Hải quan Bưu điện) kiểm tra, phát hiện 21 vụ nhập khẩu vũ khí trái phép, tang vật thu giữ gồm 71 khẩu súng các loại.

Thuốc lá lậu bị tịch thu, tiêu hủy tại tỉnh An Giang. Ảnh: KIM NGÂN

Thuốc lá lậu bị tịch thu, tiêu hủy tại tỉnh An Giang. Ảnh: KIM NGÂN

  • Cần quyết liệt, đồng bộ

Trên bình diện cả nước, theo Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh sẽ triển khai các giải pháp như: tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, khu vực cửa khẩu, các vùng biển trọng điểm, ngăn chặn, hạn chế thấp nhất hoạt động vận chuyển hàng hóa qua các đường mòn lối mở. Bên cạnh đó, chủ động nắm tình hình, phát hiện kịp thời phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, hoạt động của đối tượng buôn lậu để chủ động phương án, kế hoạch phòng ngừa đấu tranh ngăn chặn.

Nhận định của Ban Chỉ đạo 127 TW, năm 2011 hoạt động buôn lậu qua biên giới sẽ tiếp tục với quy mô và mức độ cao hơn, các đối tượng buôn lậu sẽ tìm mọi cách lợi dụng kẽ hở của cơ chế chính sách và hoạt động với nhiều phương thức với các thủ đoạn tinh vi hơn.

Vì vậy, để làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, Ban Chỉ đạo 127 đã chỉ đạo các bộ, ngành và các lực lượng chức năng triển khai đồng loạt các biện pháp trọng yếu trong năm 2011 như: tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường trong nước, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả…

Lực lượng Quản lý thị trường chủ trì làm tốt công tác dự báo tình hình, phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có giải pháp đối phó, xử lý kịp thời, nhất là tình hình xuất nhập khẩu, biên mậu. Lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới trên biển, trên đất liền, nơi buôn lậu diễn ra phức tạp tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các đường mòn, lối mở nhất là các cửa khẩu phụ. 

HÀ MY

Tại Hội nghị triển khai công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu, sản xuất kinh doanh thuốc lá giả năm 2011 vừa được tổ chức tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương cho biết, tình hình thuốc lá nhập lậu vào nước ta liên tục tăng: năm 2006, số lượng nhập lậu 600 triệu gói, năm 2007 nhập lậu 636 triệu gói, năm 2008 nhập lậu 750 triệu gói, năm 2009 nhập lậu 870 triệu gói và năm 2010 nhập lậu 813 triệu gói. Hầu hết số thuốc lá nhập lậu là loại JET, HERO, qua tuyến biên giới phía Tây Nam và Trung bộ, tuyến biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn).

Mỗi năm, nước ta sử dụng khoảng 4.500-4.800 triệu gói thuốc lá, trong đó thuốc lá trong nước sản xuất 3.600-4.000 triệu gói, còn lại là thuốc lá bất hợp pháp. Số thuốc lá nhập lậu chiếm khoảng 21% thị phần nội địa, đang gây thất thu ngân sách 3.400-3.600 tỷ đồng. Năm 2010, các lực lượng chức năng công an, quản lý thị trường và bộ đội biên phòng trực tiếp thu giữ, tiêu hủy trên 15.000 vụ; từ đầu năm đến nay, bắt giữ trên 2.000 vụ.

N.QUANG

Tin cùng chuyên mục