Biến mỏ dolomit thành mỏ đá vôi?

Biến mỏ dolomit thành mỏ đá vôi?

Giới chuyên môn khoáng sản khu vực Bắc Trung bộ đang xôn xao liệu Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Bình có phớt lờ các quy định và quy trình khoa học để cấp “nhầm” một mỏ dolomit cho doanh nghiệp bằng giá mỏ đá vôi? Trong khi Đoàn địa chất 406 thuộc Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ khẳng định mỏ đá đã cấp ở Áng Sơn huyện Quảng Ninh có dolomit thì Sở TN-MT nói không hề hay biết.

Biến mỏ dolomit thành mỏ đá vôi? ảnh 1

Phân tích từ các mẫu cho thấy Áng Sơn có hàm lượng dolomit cao

Sở nói không  - mẫu phân tích nói có

Một số kỹ sư lâu năm cho chúng tôi biết, tại mỏ đá Áng Sơn (Vạn Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) có hàm lượng dolomit rất cao và ở đây cần xác định là mỏ dolomit chứ không thể xem đó là mỏ đá vôi được. Bởi nếu xác định là mỏ đá vôi, Nhà nước thất thoát rất lớn lượng tài nguyên quý hiếm cho công nghiệp sản xuất thức ăn nuôi tôm, nền sản xuất vật liệu chịu lửa, hóa học và nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác, kể cả chế tạo các chất dinh dưỡng…

Khi được đặt vấn đề về việc Sở TN-MT có biết đó là mỏ dolomit, một lãnh đạo sở nói không hề hay biết mà do Phòng TN-MT tham mưu nên ký trình UBND tỉnh cấp phép. Ông Trương Viết Cư, Trưởng phòng TN-MT của sở, nói như đinh đóng cột: “Nói núi Áng Sơn có dolomit thì chưa có tài liệu thăm dò, nếu tổ chức cuộc thăm dò cũng không có kinh phí”. Và vì không có kinh phí nên theo lời ông Cư, đơn vị ông đã thăm dò thô sơ bằng cách: “Quan sát bằng mắt thường thấy đá dolomit ở núi Áng Sơn rất ít, nằm sâu khoảng 5m, trữ lượng không lớn”.

Chúng tôi đã tiếp cận mỏ đá lèn Áng Sơn và thu thập các mẫu đá tại đây, đưa vào Trường Đại học Khoa học Huế phân tích. Tại khoa Địa lý, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy lập biểu, thạc sĩ Hoàng Hoa Thám kiểm tra mẫu 1 bằng các bước cho hòa tan trong axit HCl 5%, thấy ít hòa tan, mẫu đá có màu xám, kết cấu rắn chắc, hạt nhỏ. Dưới kính hiển vi phân cực, thành phần dolomit lên đến 90% - 92%, còn lại các thành phần khác. Mẫu đá thứ 2 cũng cho kết quả dolomit rất cao dưới kính hiển vi phân cực với 90% - 95%. Kết quả trình lên ban giám hiệu và thừa lệnh hiệu trưởng, thạc sĩ Nguyễn Minh Cần cùng hai cán bộ tham gia kiểm tra đi đến kết luận: “Tên đá là dolomit ít vôi. Thành phần chủ yếu của đá là dolomit kết tinh”.

Biến mỏ dolomit thành mỏ đá vôi? ảnh 2

Phân tích mẫu đá 1 lấy từ mỏ đá cấp cho Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình cho thấy hàm lượng dolomit lên đến 90% - 92%

Điều này phù hợp với khẳng định của ông Phạm Chí Thành, Giám đốc Đoàn địa chất 406 của Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ, theo ông Thành, mỏ đá Áng Sơn có dolomit, còn về trữ lượng cần đánh giá sâu hơn nữa. Ông Thành cũng cho biết, thành phần dolomit khoảng 15% trở lên được đánh giá là mỏ. Các kỹ sư khác cũng có quan điểm tương tự. Tham vấn các chuyên gia, Sở TN-MT không thể không biết việc ở mỏ đá Áng Sơn có dolomit, bởi theo ông Thành, bản đồ địa chất có đánh dấu địa điểm Áng Sơn có dolomit.

Mỏ đá trên nằm bên đường 10 nối đường Hồ Chí Minh tuyến Đông và Tây Trường Sơn. Tìm hiểu riêng của chúng tôi, vào những năm 80 của thế kỷ trước đã có một công ty quốc doanh được cấp phép khai thác dolomit tại Áng Sơn nhưng do đường sá lúc đó không đảm bảo nên việc khai thác dolomit đình lại. Điều đó khẳng định rõ hơn, ở đây có sự hiện diện của dolomit rất cao.

Cấp phép khai thác đá vôi?

Hiện đá dolomit được mua bán với giá 7.000 - 10.000 đồng/kg, trong khi đó 1 tấn đá thành phẩm ở các mỏ đá bán ra có giá trị 160.000 đồng, chưa thuế (mỗi ký có giá chỉ 160 đồng). Hiện có tin cho rằng, tại mỏ đá Áng Sơn, đá thành phẩm đang được bán với giá đá chứa dolomit cao.

Phải chăng, Sở TN-MT Quảng Bình đã phớt lờ mỏ đá Áng Sơn có hàm lượng dolomit cao để tham mưu cấp phép cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình bằng quy trình cấp phép khai thác mỏ đá vôi? Bằng chứng là ngày 29-5-2009, UBND tỉnh Quảng Bình có Quyết định số 1152/QĐ-UBND cấp cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình được phép khai thác đá vôi tại núi đá Áng Sơn thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình do Sở TN-MT trình lên.

Sở TN-MT khi nhận được các bản phân tích từ Đại học Khoa học Huế đã im lặng và không báo cáo lên UBND tỉnh để điều chỉnh bằng cuộc thăm dò khảo sát triển vọng, trữ lượng, tiềm năng dolomit ở đây.

Theo Luật Khoáng sản, UBND tỉnh không thể cấp phép mỏ dolomit mà điểm a, b của Điều 3b quy định: “Bộ TN-MT lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Bộ Công nghiệp lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng”.

Trao đổi với ông Đoàn Chí Thành, Giám đốc Đoàn địa chất 406, được biết thời gian tới đơn vị ông sẽ tổ chức khảo sát, thăm dò trữ lượng dolomit tại đây. Riêng Sở TN-MT vẫn chưa có động thái tích cực nhằm tránh thất thoát tài nguyên dolomit.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục