Cướp biển - nỗi kinh hoàng trên đại dương

Những bạo chúa của biển khơi

Những bạo chúa của biển khơi

Nhắc đến cướp biển, có lẽ ai trong chúng ta cũng hình dung được hình ảnh những thủ lĩnh hung tợn với miếng vải đen vắt ngang một bên mắt, khệnh khạng bước đi trên đôi chân gỗ, theo sát là một chú vẹt cực kỳ lanh lợi. Chiến lợi phẩm của chúng là những rương, hòm nặng chịch vàng bạc, châu báu...

Nỗi ám ảnh lâu đời

Lịch sử cướp biển gắn liền với lịch sử của ngành hàng hải. Có thể chia cướp biển ra làm hai loại: cướp theo sự chỉ đạo của một nhóm người khác để tấn công những thế lực thù địch của nhóm người ấy hoặc cướp vì nhu cầu bản thân. Từ khoảng năm 2.000 TCN, khi tộc người Phoenicia đang là bá chủ khu vực Địa Trung Hải thì một nhóm người trong số đó nổi lòng tham, bắt đầu tách riêng, tấn công những tàu hàng hay thậm chí là những thị trấn nhỏ bé khu vực duyên hải để kiếm chác. Họ được biết đến như những tên cướp biển đầu tiên.

Blackbeard trong vòng vây của hạm đội Anh tại vịnh Ocracoke (Bắc Carolina) - tranh vẽ.

Blackbeard trong vòng vây của hạm đội Anh tại vịnh Ocracoke (Bắc Carolina) - tranh vẽ.

Năm 500 TCN, cướp biển Hy Lạp lấy quần đảo Lipari (phía Bắc Sicily) làm căn cứ. Một lần, nhóm này tấn công đoàn hộ tống những chiếc tàu chở đầy ngũ cốc của quân La Mã đến vùng biển Adriatic thuộc khu vực Địa Trung Hải. Hậu quả, chúng bị đội quân La Mã trừng phạt bằng hai cuộc tấn công kinh hoàng, xóa sổ nhóm cướp này. Sau đó, vào khoảng năm 150 TCN, cướp biển ở khu vực bờ biển Cilicia của Thổ Nhĩ Kỳ nắm quyền kiểm soát Địa Trung Hải cho đến năm 67 TCN. Khi Chính phủ La Mã lúc bấy giờ trao quyền cho một trong hai vị tướng được trọng dụng nhất là Pompey đến dẹp loạn và chỉ trong vòng 3 tháng, vùng biển Địa Trung Hải tạm bình yên.

Tàn bạo nhất trong giai đoạn cổ đại chính là băng nhóm Cilicia hoạt động chủ yếu ở tuyến giao thương giữa Italia và Hy Lạp. Nhóm này vào năm 78 TCN đã từng bắt giữ Julius Caesar, một vĩ nhân của lịch sử La Mã. Năm ấy, Julius Caesar trên đường qua đảo Rhodes tầm sư nhằm nâng cao khả năng hùng biện của mình thì bị băng nhóm Cilicia bắt giữ, đòi tiền chuộc. Julius Caesar một mặt cùng bọn cướp chờ tiền chuộc gửi đến, mặt khác vẫn bình thản trò chuyện cùng chúng. Khi tiền chuộc được thanh toán xong, ông trở về Miletus, thuê một số tàu chiến và dẫn theo binh sĩ bất ngờ quay lại tấn công sào huyệt của bọn cướp xấu số. Ông cho bắt tất cả đem đóng đinh và lấy lại toàn bộ số tiền chuộc trước đó.

Đến thời trung cổ (TK thứ IV-XV), cướp biển càng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. Trong lúc những cuộc thập tự chinh, thánh chiến nổ ra khắp nơi trên đất liền thì ở ngoài khơi, nạn cướp bóc hoành hành dữ dội nhất. Đối tượng tấn công của chúng là tàu thuyền có nguồn gốc từ phe đối địch với Pháp. Đó có thể là tàu chở dầu, tàu chở hàng… Không những cướp tài sản, chúng còn bắt giữ tất cả ai có trên tàu, đưa đi bán làm nô lệ hoặc đòi tiền chuộc.

Thời hoàng kim của cướp biển tồn tại trong 250 năm, từ năm 1494, khi Đức Giáo hoàng Alexandre VI ban hành sắc lệnh phân chia Tân thế giới giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Đến năm 1660, Anh, Pháp và Hà Lan trở thành lực lượng mạnh tại Tân thế giới, và các cuộc chiến tranh liên miên giữa các đế quốc này đã khiến châu Âu trở nên điêu tàn trong những thập kỷ cuối thế kỷ XVII.

Thời gian này, ở vùng biển Caribbean thuộc Trung Mỹ, các chính quốc như Anh, Hà Lan, Pháp… do bị kiệt quệ bởi chiến tranh nên đưa rất ít quân đội tăng cường cho thuộc địa, vì thế các thống đốc thuộc địa ở Caribbean phải sử dụng những tên cướp biển với tư cách lính đánh thuê và lực lượng tàu truy lùng để phòng vệ cho thuộc địa hoặc tấn công kẻ thù của chính quốc. Giai đoạn 1690-1730, thiên đường của băng nhóm cướp biển tập trung ở Caribbean và Madagascar. Cảng Hoàng gia (thường được biết với tên gọi Port Royal) ở vùng Caribbean, cảng Tortuga và đảo New Providence thuộc quần đảo Bahamas (Tây Ấn) là nơi cướp biển lộng hành nhất. Ở Madagascar, tàu bè của người Đông Ấn, những tín đồ Hồi giáo hay những tàu hàng đến từ Mông Cổ, phần lớn gặp nạn ở khu vực Biển Đỏ hay Ấn Độ Dương.

Thiên đường... tràn lan

Thiên đường cướp biển không xuất hiện ở một vài quốc gia mà thực tế đâu đâu cũng có. Cướp biển Barbary đóng ở Algiers (thủ đô Algeria), Morocco, Tripoli (thủ đô Lybia), Tunis (thủ đô của Tunisia). Một trong những lý do ra đời của băng nhóm này là nhằm bảo vệ cộng đồng người Bắc Phi khỏi sự xâm chiếm đến từ châu Âu. Thời kỳ hoạt động sôi nổi nhất của băng nhóm này là thế kỷ XV và XVI. Trong thời gian hoạt động từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX của băng nhóm này, hàng ngàn tàu thuyền bị tấn công, khoảng 1,25 triệu người đã bị bắt để bán làm nô lệ.

Từ thế kỷ XIX, ở khu vực đảo lớn thứ 3 trên thế giới Borneo (Đông Nam Á), cướp biển Malaysia và cướp biển thuộc tộc người Dayak nhắm vào những con tàu di chuyển qua lại giữa Singapore và Hồng Công (Trung Quốc). Nhóm Balanini hoạt động ở đảo Jolo (miền Nam Philippines) tấn công các tàu chở dầu của Tây Ban Nha, bắt giữ nô lệ. Hoạt động này chấm dứt vào thập niên 1860, khi hải quân Anh và Tây Ban Nha oanh tạc sào huyệt của băng nhóm này. Một thiên đường cướp biển khác ở đảo Sumatra (phía Tây Indonesia) chuyên tấn công tàu hàng ở eo biển Sunda (nằm giữa đảo Java và Sumatra) hay eo biển Malacca (nằm trên tuyến giao thông cực kỳ quan trọng, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy từ châu Âu, châu Phi, Nam Á, Trung Đông đi Đông Nam Á). Vào thế kỷ XIX, cướp biển Chui Apoo đến từ Trung Quốc chọn vịnh Bias (còn gọi vịnh Daya thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) để nắm quyền sinh sát các tàu hàng qua lại khu vực này.

Những tên cướp biển khét tiếng

Lịch sử cướp biển được ghi nhận bởi những tên tuổi khét tiếng. Đó là Blackbeard (Anh) được biết đến như tên cướp biển hung bạo nhất. Với vẻ ngoài kỳ dị, làm mưa làm gió ngoài khơi bờ biển Bắc Mỹ trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX. Trong một lần được biệt phái đi bắt tên cướp hung hãn này, hạm đội của Anh đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đời y. Blackbeard lìa đời bởi 5 phát súng và 20 vết chém.

Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến hai nữ tướng cướp Anne Bonney and Mary Read. Sống vào thế kỷ XVIII, cả hai đều có một đời sống đầy bão táp, khiến họ từ những cô gái yếu đuối trở thành những kẻ máu lạnh, tàn nhẫn. Cả hai cùng phục vụ dưới quyền chỉ huy của Calico Jack Rackham. Năm 1721 Calico Jack Rackham và thủy thủ đoàn bị người Anh bắt giữ. Tất cả bị nhốt vào nhà tù ở Spanishtown, Jamaica và bị kết án xử tử treo cổ. Tuy nhiên, cả Anne và Mary lúc ấy đều có thai nên họ thoát khỏi tội chết.

Trong danh sách những tên cướp tàn bạo còn có Henry Morgan, đến từ xứ Wales. Tên này sống vào thế kỷ thứ XVII, luôn tự coi mình là một chỉ huy tàu truy lùng hơn là một tên cướp biển.

Tuy nhiên, một vài cuộc tấn công của Henry Morgan không có được lý do thực sự hợp pháp, đã được coi là hoạt động cướp biển. Henry Morgan đã đánh lại những kẻ thù của Anh quốc trong vòng 40 năm và trở thành người rất giàu có trong quãng thời gian phiêu lưu mạo hiểm của mình. Chiến tích lẫy lừng nhất của Morgan là vào cuối những năm 1670 khi ông ta dẫn đầu 1.700 tên cướp biển ngược dòng sông Chagres, sau đó xuyên qua rừng rậm Trung Mỹ để tấn công và chiếm giữ thành phố Panama “bất khả xâm phạm”.

Chiến tích này như nhát gươm đâm vào niềm kiêu hãnh của Tây Ban Nha ở Caribbean và Henry Morgan trở thành người hùng thời bấy giờ ở Anh. Tên này được Hoàng gia Anh phong tước hiệu quý tộc và làm thống đốc Jamaica, sống ở một đồn điền mía khổng lồ tại đây. Morgan chết vì tuổi già trong sự giàu có và kính trọng - điều hiếm có ở một tên cướp biển. Một tên cướp biển khác cũng đến từ xứ Wales là Bartholomew Roberts. Tên này bắt giữ được 459 tàu kể từ khi bắt đầu sự nghiệp ở vịnh Guinea. Y bỏ mạng trong một trận hải chiến.

Cướp biển Edward Low - một trong những cướp biển tàn bạo và sa đọa nhất - đến từ Westminster (Anh quốc). Sự nghiệp của Edward khá ngắn ngủi, kéo dài trong vỏn vẹn 3 năm thế nhưng số con tàu mà y và thuộc hạ bắt giữ không khiêm tốn chút nào, lên đến hơn 100 tàu. Năm 1724, Edward ra tay giết một thuộc hạ đang ngủ, dẫn đến cuộc nổi loạn của thuộc hạ. Một con tàu Pháp đã giải thoát Edward nhưng sau đó nhóm người này đã treo cổ kết liễu cuộc đời của y trên đảo Martinique.

THANH HẰNG - NHƯ QUỲNH


Bài 2: Cướp biển Somalia

Tin cùng chuyên mục