Thực trạng các vườn quốc gia: Rừng... chết!

Bài 2: Đi săn... thợ săn

Như thành lệ, khi Tây Nguyên đón những cơn mưa đầu mùa, cỏ cây rừng thi nhau đâm chồi nảy lộc, cũng là lúc cánh thợ săn từ khắp nơi đổ về đặt bẫy, săn bắn thú rừng… Theo đề xuất của nhóm phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn đã tổ chức một buổi tối vào rừng “đi săn”. Chỉ khác, những người đi săn không mang súng, chỉ có dây trói và gậy, bởi đối tượng “săn” không phải là thú rừng mà là những kẻ săn bẫy trộm thú rừng và lâm tặc…
Bài 2: Đi săn... thợ săn

Như thành lệ, khi Tây Nguyên đón những cơn mưa đầu mùa, cỏ cây rừng thi nhau đâm chồi nảy lộc, cũng là lúc cánh thợ săn từ khắp nơi đổ về đặt bẫy, săn bắn thú rừng… Theo đề xuất của nhóm phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn đã tổ chức một buổi tối vào rừng “đi săn”. Chỉ khác, những người đi săn không mang súng, chỉ có dây trói và gậy, bởi đối tượng “săn” không phải là thú rừng mà là những kẻ săn bẫy trộm thú rừng và lâm tặc…      

Vết thương rỉ máu

Chiếc ô tô chuyên dùng của Vườn quốc gia Yok Đôn chở nhóm PV chúng tôi và 5 cán bộ nhân viên kiểm lâm xuất phát lúc 22 giờ tại một cánh rừng bên dòng Sêrêpok. Để đánh lạc hướng cánh thợ săn, thay vì đi theo đường tỉnh lộ 9 – Buôn Drăng Phok, anh Đoàn Xuân Thiện - cán bộ Vườn quốc gia Yok Đôn chỉ huy nhóm, cho xe chạy hướng về xã Ea Bung của huyện Ea Suop. Cơn mưa lúc chiều làm cho tiết trời trong rừng thêm se lạnh. Ở phía đường chân trời hướng Bắc xuất hiện những đám mây đen vần vũ trong ánh chớp lập lòe. “Trời này, thú rừng sẽ ra nhiều đây” – anh Thiện quả quyết.

Đến ngã ba đường vào xã Ea Bung, anh Thiện pha đèn xuống mặt đường ra hiệu cho tài xế rẽ trái quay đầu lại đi vào đường tuần tra của tiểu khu 429. Rừng khuya, càng vào sâu càng tối đen và tĩnh lặng. Đồng hồ trên tay tôi chỉ 1 giờ sáng. Như vậy đã đi được 3 giờ mà không gặp đối tượng. Không một tiếng súng nổ, không ánh đèn pha quét ngược… “Có thể bị lộ rồi” – anh Thiện nói như để thanh minh cho sự “im lặng” bất thường này.

Tại một quán cơm ở khu vực chợ Xuân Sơn, thực khách cần món thịt thú rừng nào cũng có

Tại một quán cơm ở khu vực chợ Xuân Sơn, thực khách cần món thịt thú rừng nào cũng có

Đến gần Trạm Kiểm lâm số 9 - đoạn gần tiểu khu 429, anh Thiện ra hiệu cho xe chạy theo đường ĐT 32 để về Trạm Kiểm lâm số 9. Trên xe, hai chiếc đèn pha vẫn liên hồi quét ngang dọc hai bên rừng. Sau gần 6 giờ vượt qua khoảng 150km đường rừng, nhóm “đi săn” của chúng tôi chỉ một lần bắt gặp “gia đình” 3 con nai bình thản “bắt” đèn và mấy vệt vỏ xe hơi và xe máy, không biết là của lâm tặc hay cánh săn trộm, in trên mặt đường như thể vừa mới đi qua. Thế thôi! Không bắt quả tang được kẻ săn trộm, cũng không phát hiện được con thú nào bị vướng bẫy…

Thế nhưng, trưa hôm sau, trên đường đi tìm dấu vết lâm tặc trở ra, ghé vào một quán nhậu bình dân nơi bìa rừng, đã thấy chủ quán đang lột da một con mang, trên cổ lộ rõ một vết đạn còn rỉ máu… Mang bắn hồi nào vậy chị? “Mới hồi khuya” – Người phụ nữ trả lời nhát gừng rồi ôm vội “tang vật” chạy vào nhà khi thấy tôi đưa máy ảnh định chụp. Sau một hồi nghe giải thích và thấy chúng tôi không “tác nghiệp” nữa, chị chủ quán mạnh dạn: “Các bác muốn chụp thì sáng sớm ra đây, mấy ông thợ săn sẽ đưa từ rừng ra đủ loại thú, muốn thú còn sống cũng có…”.

“Chợ đầu mối” Phong Nha - Kẻ Bàng

Trước khi đến Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), chúng tôi nghe nói chợ bến đò Xuân Sơn - ngay sát bến xe và khu vực bán vé tham quan động Phong Nha là “chợ đầu mối” mua bán thú rừng. Khi vào làm việc với Trạm Kiểm lâm 37, chúng tôi hỏi Trạm phó Trần Văn Phượng thông tin thực hư về “chợ đầu mối”, anh gạt ngang: “Làm gì có. Họ đồn vậy thôi chứ ở đây bao năm tôi có nghe gì đâu…”. 

Không “yên tâm” với thông tin từ kiểm lâm, chúng tôi tự mình vào khu bán thịt cá của chợ Xuân Sơn dò hỏi manh mối. Khu chợ quê quá trưa chỉ lác đác vài hàng ế ẩm. Thế nhưng, khi tôi hỏi mua ít thịt thú tươi về làm quà, một chủ sạp đon đả mời: “Chú cần thịt thú chi. Đợi một tí tôi dẫn về nhà tha hồ chọn”. “Thịt sơn dương, nguyên con” – tôi lên tiếng. Chị chủ sạp không ngần ngại nói: “Thứ đó phải ngày mai mới có. Hiện tôi có con voọc vừa bắt được đêm qua, chú muốn lấy đặt trước cho tôi ít tiền rồi tối quay lại lấy”. Viện lý do phải quay về Hà Nội ngay trong chiều, tôi khất chủ sạp lần sau...

Bước vào một quán cơm sát chợ, thấy bà chủ quán đang lúi húi xào nấu trong bếp, tôi hỏi: “Thịt gì thơm vậy?”. “Thịt thú rừng, tươi lắm chú à” – chủ quán trả lời. Sau khi đưa ra yêu cầu cần một ít thịt rừng đem về Hà Nội, chủ quán liền đưa tôi sang nhà bên cạnh cho xem đủ loại thịt thú rừng – đều là nguyên con - được ướp lạnh trong một tủ đá to tướng đặt ngay trước nhà. “Đấy chú coi, hai con nhím này mỗi con gần 3 cân chỉ hơn 600.000 đồng thôi. Tươi lắm, mới bẫy đêm qua” – chủ quán vừa nói, vừa bày từng con ra cho tôi chụp hình (ảnh nhỏ). Đúng lúc đó, một đoàn khách khoảng chục người mới tham quan động Phong Nha về, bước vào quán, câu đầu tiên đã hỏi: “Có con nhím nào còn tươi để mang về Thanh Hóa đãi khách không chị?”. “Ôi, thiếu gì. Lấy hết hai con này đi chị bớt giá cho” – bà chủ quán đon đả… 

Vào các quán cơm H.T, C.D, X.S…, chưa kịp hỏi, chúng tôi đã được các chủ quán mời chào “có mua thịt rừng không?”. Nhiều quán còn quả quyết muốn mua một con voọc còn sống về nuôi trong nhà, hoặc làm quà đãi khách thì chỉ dặn trước một ngày, hôm sau có liền. Giá mỗi con cũng chỉ trên dưới chục triệu đồng, tùy con nhỏ, con lớn.

Trên đường về lại Trạm Kiểm lâm 37, đem câu chuyện và cả những tấm ảnh vừa chụp được tại chợ Xuân Sơn cho Trạm phó Trần Văn Phượng xem. Anh ngao ngán thở dài: “Rừng thì rộng, lực lượng thì mỏng, chúng tôi làm gắt lắm cũng không “kiểm” hết được. Ai đến Phong Nha cũng muốn mang về “làm quà” vài cân thịt thú rừng thì chúng tôi có trăm tay cũng khó bảo vệ được những loài động vật này…”.

Thú quý hiếm đang... hiếm

Ở vườn rừng quốc gia, nhiều loại động thực vật tự nhiên đều được bảo vệ nghiêm ngặt, đặc biệt là động thực vật quý hiếm. Để bảo vệ “mái nhà” cho các loài động thực vật tồn tại và sinh trưởng, mỗi năm ngân sách nhà nước chi trả cho bộ máy quản lý của các vườn quốc gia số tiền lên đến nhiều tỷ đồng. Thế nhưng, trong địa giới vườn quốc gia, các loài động vật quý hiếm vẫn bị sát hại như chỗ không người. Đầu tháng 4-2010, lực lượng bảo vệ Vườn quốc gia Nam Cát Tiên phát hiện một bộ xương động vật, mà sau đó xác nhận là của tê giác.

Loài thú quý hiếm này, cách đây 5 năm, bằng những phương tiện theo dõi hiện đại, các nhà khoa học đã xác nhận sinh sống ở rừng nam Cát Tiên. Đó là thông tin rất quý, bởi trước đó, nhiều người nghĩ tê giác đã tuyệt chủng ở Việt Nam. Mặc dù từ đó đến nay, chưa ai nhìn thấy hoặc chụp hình được con tê giác nào nhưng việc bảo vệ tê giác tại vườn quốc gia Nam Cát Tiên chắc chắn phải rất nghiêm túc. Thế nhưng, những kẻ săn trộm vẫn lọt vào và hạ sát con tê giác này, mang đi hết những thứ có thể mang được, chỉ để lại bộ xương khô… Hiện Vườn quốc gia Nam Cát Tiên còn bao nhiêu tê giác? Không ai biết. Rất có thể con tê giác bị xẻ thịt đầu tháng tư vừa qua là con cuối cùng ở Nam Cát Tiên.

Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn, cách nay hơn chục năm, anh em đi tuần còn phát hiện dấu vết của cả một đàn bò tót tới vài chục con. Còn những năm gần đây, không một lần thấy chúng xuất hiện. Cách đây hơn 2 tháng, anh em đi tuần tình cờ phát hiện tại cánh rừng thuộc tiểu khu 429 có 2 bộ xương được cho là xương bò tót. Như vậy, ở Vườn quốc gia Yok Đôn, rất có thể loài bò tót (thuộc nhóm V – nhóm nguy cấp) cũng đã… biến mất.

Còn tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, loài voọc cũng bị săn bắn vô tội vạ. Một cán bộ Trạm kiểm lâm Trổ Moong, cho biết, trước đây loài thú này còn xuất hiện khá nhiều ở hầu hết các cánh rừng. Vào buổi sáng, hoặc chiều tối chúng đi thành từng đàn ra sát bìa rừng, nhưng vài năm nay thì rất hiếm gặp.

HOÀI NAM

>> Bài 1: Rừng đang “cạn máu” 

Tin cùng chuyên mục