Khát vọng chữ

Có tuổi 20 trên sóng nước
Khát vọng chữ

Có tuổi 20 trên sóng nước

Đã sau ngày khai trường nhưng lớp học trên biển ở làng vạn chài Cửa Vạn, phường Hùng Thắng, Hạ Long, tôi vẫn thấy được nỗi háo hức và sự hăm hở ánh lên trong từng ánh mắt, nụ cười của các thầy cô giáo và các em học sinh nơi đây, khi một mùa tựu trường bắt đầu.

Nói thầy cô giáo là không đúng, vì khác nhiều nơi, nơi này chỉ có 5 cô giáo trẻ. Nhiều nhất chỉ 22 tuổi, còn lại 21 tuổi. Cả 5 cô giáo đều lần đầu tiên đứng lớp, điều đó có nghĩa các em học sinh lại đón một đợt cô giáo hoàn toàn mới.

Khát vọng chữ ảnh 1

Nụ cười tuổi 20 của 5 cô giáo trẻ.

Trước khi đến với lớp học trên biển ở làng Cửa Vạn, tôi cứ “bận bịu” với suy nghĩ: tại sao các cô gái trẻ lại tình nguyện về đây, khi mà để đến được với lớp, họ phải vượt hơn 40km đường thủy từ bờ ra vịnh, ở đó hoàn toàn cách xa cuộc sống mà mình đã sống? Gặp cô Bùi Thu Trang, trưởng nhóm 5 cô giáo, tôi mới vỡ lẽ - khi người ta trẻ, người ta có lý lẽ sống riêng cho mình.

Trang là người thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh), cũng là người dân của vùng sông nước. Trang kể, từ hồi còn là sinh viên, Trang đã tìm hiểu rất nhiều về cuộc sống của người dân làng chài. “Tự dưng em thấy thích cuộc sống của họ. Lênh đênh trên sông nước, có cái gì đó rất lãng mạn, rất phóng khoáng”, Trang bộc bạch, ban đầu chỉ là những cảm xúc như thế.

Nhưng cảm xúc đó nhanh chóng biến thành ý nguyện, vì khi lên mạng, Trang đọc được những bài báo viết về một cô giáo người Pháp gốc Việt, tình nguyện dạy tiếng Anh cho con em cư dân làng vạn chài. Khâm phục. Ngưỡng mộ.

Ra trường Trang xung phong ra dạy học cho trẻ em làng chài trên vịnh. Ngạc nhiên một điều là cả bố mẹ và người yêu Trang đều không ai ngăn cản cả. Cứ như là họ đã biết trước có cản cũng không xong! Thế nên học xong đại học sư phạm 2 là Trang về đây ngay.

Trang nói, ra đây rồi, thấy cuộc sống cũng nhiều thú vị. Đi lại thì đã có các em học sinh chèo thuyền “rước” cô giáo từ nhà này sang nhà kia. Các em cũng là người chở cô giáo lọ mọ đi tìm nơi nào có sóng để gọi điện thoại mỗi khi cô nhớ nhà. Đêm không có điện, các cô thắp đèn dầu soi bóng mình, hù dọa nhau có ma rồi ôm chầm lấy nhau, tự dưng thấy tình thân thiết.

Ở nơi cuộc sống gói gọn trên những con thuyền, tròng trành, tròng trành ngày đêm, làng Cửa Vạn - Hạ Long, tôi đã gặp những nụ cười tuổi 20 căng tròn sức sống của những cô giáo trẻ. Tôi cũng đã gặp những ánh mắt trong veo đến lạ kỳ của những đứa trẻ khát khao chinh phục con chữ...

Cả 5 cô giáo trẻ ở chụm lại với nhau, thiếu thốn mà sao thấy ân tình, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Thứ sáu hàng tuần họ lại xin đi ké thuyền Ban quản lý vịnh Hạ Long từ lớp học lên bờ, bắt xe về với bố mẹ. Đầu tuần khệ nệ mang nào gạo, nào rau, nào mắm muối để góp chung ăn với nhau cả tuần.

Thi thoảng mua thêm tí cá tươi của bà con làng chài; nhận thêm vài mớ đồ biển các em học sinh biếu cô, thế là các cô sống vui vẻ giữa nước và gió, mặc kệ đồng lương thử việc 2 tháng đầu tiên chỉ vài trăm ngàn đồng một tháng.

Đến bây giờ, tôi vẫn cứ xấu hổ với chính mình, vì trong lúc tôi hỏi chuyện Trang, vì tôi cứ nghĩ: mấy cô giáo trẻ này chắc cũng chỉ tình nguyện “cho vui” thôi. Không hiểu rồi thời gian gắn bó là bao? Như đoán được suy nghĩ của tôi, Trang nói rằng, chú Chủ tịch UBND TP Hạ Long cũng đã hỏi chúng em câu đó rồi.

“Trả lời sao”? “Ngành phân công bao lâu thì dạy bấy lâu”. “Rồi chồng con?”. “Bạn Hằng đó, lấy chồng rồi vẫn ra đây mà”, Trang nói. Tôi cười bẽn lẽn đi đến chỗ Hằng, em cười thật tươi như để chứng minh lời của Trang chả có gì là sai cả.

Cô giáo trẻ Nguyễn Phương Hằng năm nay bước sang tuổi 22, vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Ninh. Nhà ở tận Uông Bí và người chồng vừa “cưới liền tay” của Hằng cũng đang dạy học ở Trường CĐSP Quảng Ninh.Hằng không giấu giếm khi nói rằng, em hoàn toàn có thể xin được việc ở Uông Bí cho gần chồng, gần gia đình, nhưng em vẫn tình nguyện đến dạy học ở làng chài Cửa Vạn, Hạ Long.

Mỗi tuần một lần lại theo tàu vào bờ, rồi bắt xe ngược 70km trở về nhà, để rồi chỉ sau đó 2 hôm, lại bắt xe trở lại, với lớp học, với các em. “Chồng em và gia đình chẳng ai cản em ra đây dạy học cả. Em còn trẻ, còn phải cống hiến đã chứ ạ”, Hằng nói vậy rồi cười giòn tan.

Tôi chợt nhận ra, các cô giáo trẻ ở đây rất hay cười. Mà nụ cười của họ sao trong trẻo thế. Hằng còn bật mí rằng, trong số 5 cô giáo trẻ ở làng chài này, có 3 cô là bạn học cùng lớp với nhau ở Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Ninh vừa tốt nghiệp mùa hè vừa rồi. Ba người bạn thân học xong, biết làng chài đang cần giáo viên, thế là rủ nhau về đây.

Ba cô giáo nhóm “3 H” lớp CT 9A là Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Hiền, Nguyễn Huyền giờ đã ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, đứng cùng chung bục giảng nơi cái lớp học nổi trên mặt nước. Họ đã cùng chung một ước nguyện, đó là được mang con chữ đầy khát vọng đến với trẻ em làng chài, như một sự trải nghiệm quý giá khi người ta ở tuổi hai mươi.

Khát vọng thẳm sâu

Khát vọng chữ ảnh 2

Lớp học trên biển.

Viết đến đây, tôi lại chợt nghĩ, ở đâu cũng vậy, sự chân tình sẽ được đền đáp bằng sự chân tình. 5 cô giáo trẻ được bà con làng chài đón nhận như con cái trong nhà.

Hàng ngày, người làng chài sau giờ mưu sinh lại thong thả chèo những con thuyền nhỏ, cùng con em mình đến với lớp học. Lúc mang cho các cô con cá, lúc mớ ốc, mớ tôm.

Đêm ở đây không có điện, mấy cô giáo trẻ sống ở cái bè nổi trên sóng nước, nếu không có bà con và các em học sinh ở gần đó chắc buồn lắm, và cả sợ nữa, bởi các cô nào có quen với kiểu sống bồng bềnh này.

Nhưng nhờ vào tình cảm ấm áp đó của bà con mà các cô gái trẻ quên đi tất cả những thiếu thốn. Trái lại, thấy cuộc sống thật nhẹ nhàng. Mới đây, khi Quỹ Bảo trợ trẻ em kêu gọi xây dựng thêm một lớp học trên biển, các cô được tặng một máy phát điện mới tinh. Hằng bảo, có điện, chúng em sẽ mở lớp dạy xóa mù cho bà con làng chài. Nhiều bà, nhiều mẹ muốn học chữ lắm mà chưa có điện nên chưa tính được.

Các cô cũng nói rằng, học sinh ở làng chài này, cũng chăm ngoan và chịu thương chịu khó như bao đời ông bà, cha mẹ các em đã chịu thương chịu khó bám vịnh sinh tồn. Cái thua thiệt của các em cũng lại chính là tiền đề thuận lợi của chúng. “Trẻ con làng chài, vì không có gì để chơi nên ngoài thời gian giúp bố mẹ chúng chỉ có biết việc học. Chính vì vậy nhiều em học rất giỏi, đặc biệt các em đều viết chữ rất đẹp”, nhóm trưởng Trang cho biết.

Thời gian ở lớp học làng chài, tôi ấn tượng nhất với cô bé Lê Hương Thảo, 9 tuổi, học sinh lớp 4. Em luôn dành thời gian để tập viết chính tả cho thật đẹp. Nhà có 3 anh em, bố mẹ quanh năm lui cui làm ăn, nhưng cả 3 anh em đều được bố mẹ quan tâm đến chuyện học hành.

Hai người anh của Thảo sau khi học làng chài đã được “lên bờ” học tiếp. Thảo cũng đang phấn đấu như hai anh. Hàng ngày, em cũng giống như các bạn ở làng chài này, tự chèo thuyền đến lớp học. Các em coi việc học là niềm vui và cô giáo là thần tượng.

Chị Nguyễn Thị Luyến, 39 tuổi, cư dân làng chài, có con gái 9 tuổi tên Nguyễn Thị Thu đang học lớp 3 kể lại chuyện bằng ngôn từ rất ngộ nghĩnh, rằng con gái chị mê cô giáo hơn bất cứ ai, hơn cả bố mẹ của mình. “Cuối tuần các cô về, nó chỉ mong nhanh đến thứ hai để cô giáo đến. Thấy cô giáo rồi, nó khỏe còn hơn ăn được nhiều cơm”.  

Những lớp học ở làng chài Hùng Thắng đã mở từ năm 2000. Cả phường có 5 làng chài nằm rải rác trên vịnh Hạ Long, nơi cách xa bờ nhất là 60km. Từ lâu, những cái tên Cửa Vạn, Vung Viêng, Ba Hang, Cống Đầm, Cống Tầu đã không còn xa lạ. Hiện có tới 18 lớp học ở 5 điểm làng chài này với 170 em học sinh, nhưng Cửa Vạn vẫn là nơi đông học sinh nhất.

Cô Nguyễn Bích Thủy, Hiệu phó Trường THCS Hùng Thắng không giấu được niềm tự hào xen lẫn thương mến khi nói về các cô giáo trẻ tình nguyện và học sinh làng chài: “Cả cô và trò đều ngoan và chịu khó lắm. Ở đâu đó có chuyện bệnh thành tích trong giáo dục, nhưng ở đây thì không. Chúng tôi làm gì có trường chuyên, lớp chọn, nên chả cần phải chạy theo thành tích”.

Cô Thủy cũng cho rằng, ở cái nơi mà điện không có, rồi phải mua tới 40.000 đồng/khối nước thì dù nói gì đi nữa, nếu không có lòng nhiệt tình, thương trẻ, làm sao những người con gái trẻ măng ấy có thể đứng lớp ở đây được.

Tôi cũng tin như vậy. Tôi tin rằng, ở những em học sinh làng chài ấy, những cô giáo trẻ trung ấy vẫn ẩn chứa khát vọng sâu thẳm của bao đời: khát vọng chinh phục con chữ!

Quang Phương

Tin cùng chuyên mục