Châu Phi là khu vực chịu tác động mạnh nhất khi chỉ hơn 10 năm (từ năm 2005 - 2016) đã có tới 34 quốc gia châu Phi phải gánh chịu hệ quả từ 84 đợt hạn hán. Hơn thế, hạn hán không chỉ gây ra nạn đói và bất ổn, mà còn làm thiệt hại 8 tỷ USD/năm.
Cách đây không lâu, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo nguy cơ cao hiện tượng thời tiết El Nino sẽ quay trở lại trong năm nay. Theo đó, sau El Nino không phải là La Nina như thường lệ, tình trạng khô hạn nặng đang xuất hiện với tần suất dày đặc, diện tích đất bị ảnh hưởng bởi hạn hán trên toàn cầu đã tăng gấp đôi.
Tại hội thảo quốc tế về chống biến đổi khí hậu tại Roma, Italia ngày 19-6, Tổng Giám đốc FAO Jose Graziano da Silva cho rằng nhiều người chết vì không được trang bị kỹ năng đối phó với các hệ quả từ nạn hạn hán và kế sinh nhai của họ không có tính thích ứng tốt.
Theo ông Jose Graziano da Silva, bảo vệ kế sinh nhai là bảo vệ sự sống và vì thế việc xây dựng khả năng thích ứng với hạn hán là giải pháp tối ưu. Nhiều năm qua, các nỗ lực phòng hạn trên thế giới thường tập trung vào việc xử lý, đối phó với hệ quả khi hạn hán xảy ra, gấp rút hỗ trợ khẩn cấp và cứu sống người dân. Hành động kiểu khẩn cấp này là cần thiết, nhưng tăng cường đầu tư cho việc phòng ngừa, tạo dựng khả năng thích ứng mới giúp các quốc gia hành động kịp thời trước khi quá muộn.
Nói cách khác, người nông dân và các cộng đồng nông nghiệp cần áp dụng các tiến bộ khoa học nhằm tăng khả năng phòng ngừa hơn là đối phó khi phải đối mặt với hạn hán nói riêng và các hiện tượng thời tiết cực đoan nói chung.
Hiện, các nước tăng cường đối phó hạn hán bằng nhiều hình thức từ cải tạo đất đai, bảo vệ nguồn nước đến thay trời làm mưa… Điển hình là Israel, làm nông nghiệp với 95% là khoa học và chỉ 5% lao động. Họ sử dụng phương pháp khử mặn đất, phát minh ra công nghệ tưới nhỏ giọt hiệu quả và thậm chí nuôi cá ngay trên sa mạc cằn cỗi.
Israel cũng là quốc gia duy nhất mà diện tích sa mạc đang được đẩy lùi, đứng đầu thế giới về tái chế nước, với tỷ lệ lên đến 70% lượng nước được tái chế. Ngoài ra, Israel còn sử dụng chương trình khử muối nước biển quy mô lớn, lượng nước ngọt được sản xuất từ các nhà máy khử muối nước biển đáp ứng 50% nhu cầu nước của Israel.
Trong khi đó, tại Los Angeles, Mỹ, chính quyền thành phố chống hạn bằng thả hàng chục triệu quả bóng nhựa vào hồ nước dự trữ. Những quả bóng này nổi trên bề mặt nước, hấp thụ ánh nắng mặt trời giúp hạn chế sự bốc hơi của nước lên tới 90%. Chúng có tác dụng ngăn chặn sự bay hơi của nước lên tới hơn 900 triệu lít nước, lượng nước đủ cho 8.100 người trong vòng một năm. Ngoài ra, những trái bóng này còn tạo thành một lớp bảo vệ bề mặt nước khỏi các loài động vật và ngăn chặn sự sinh sôi của tảo - tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước.
Tại Thái Lan, để đối phó với tình trạng hạn hán trong mùa khô, chính phủ nước này phát triển công nghệ làm mưa nhân tạo. Các máy bay phun muối vào các đám mây làm mây to hơn và rơi xuống thành mưa. Hiện Thái Lan có 12 trung tâm làm mưa nhân tạo trên cả nước.