Tham gia thảo luận tại tổ về các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, ĐBQH đoàn Hà Tĩnh, đã có những chia sẻ, cung cấp thêm thông tin về những nội dung nêu trên.
Về tổng thể, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nền kinh tế đã đi đúng hướng và khả năng hoàn thành Kế hoạch 5 năm sẽ rất khả quan.
“Nhìn lại 3 năm đầu của giai đoạn 2016-2020 có thể thấy chúng ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn”, Phó Thủ tướng nhận định khái quát. Như, đầu nhiệm kỳ, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ rất chật hẹp, nợ công 64,9% sát trần Quốc hội cho phép; nghĩa vụ trả nợ cuối năm 2015 lên tới 27,6%, trong khi con số cảnh báo của các tổ chức quốc tế là 25% tổng thu NSNN; nợ xấu rất cao…
Cũng trong 3 năm qua, Việt Nam phải gia tăng năng lực sản xuất mới mà nguồn lực lại rất hạn chế. Tín dụng trước đây có năm tăng tới 54% (2009), bình quân giai đoạn trước (2011-2015) là 36%, thế nhưng những năm gần đây chỉ tăng 16-17%. Thời điểm tín dụng tăng 36% thì GDP chỉ khoảng 6%.
“Bên cạnh tạo ra năng lực sản xuất mới thì cũng phải cắt giảm, tái cơ cấu những năng lực sản xuất dư thừa, yếu kém, những dự án DN làm ăn thua lỗ, những tổ chức tín dụng không tốt. Có những việc, những lĩnh vực mà Chính phủ cũng như bộ, ngành, địa phương mất rất nhiều thời gian để xử lý hậu quả những tồn đọng này mà tích tụ không chỉ từ khóa trước mà đã qua nhiều nhiệm kỳ. Qua đó ta thấy được cố gắng của các bộ, ngành, địa phương. Điểm lại những khó khăn để thấy cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong 3 năm qua là rất lớn. Những thành tựu đạt được cũng rất ấn tượng, được các tổ chức thế giới đồng tình, công nhận; được các tổ chức tín nhiệm nâng hạng”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Liên quan đến quản lý nợ công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận, số liệu ĐBQH nêu (GDP tăng 6,7% nhưng nợ công lại tăng tới 8%, cao hơn cả mức tăng GDP – PV) là đúng, nhưng đã là một bước tiến đáng kể so với giai đoạn trước. “Vì từ năm 2015 trở về trước, GDP bình quân tăng chỉ 6% nhưng nợ công lại tăng tới 18,6%, tức là tốc độ tăng nợ công gấp 3 lần GDP, gây áp lực rất lớn cho nghĩa vụ trả nợ. Vài năm trở lại đây, Chính phủ đã cơ cấu lại, tuy nợ công vẫn tăng nhưng mức độ tăng chỉ khoảng 8% trong khi GDP là 6,7%, tức là đã tiến gần sát nhau”.
Giải tỏa băn khoăn của ĐBQH cho rằng nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh, Phó Thủ tướng cho rằng điều này không đáng ngại bởi nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm nợ nước ngoài của Chính phủ và cả nợ nước ngoài của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Việc khoản nợ này vừa qua tăng nhanh có 1 phần nguyên nhân do 2 thương vụ lớn là mua cổ phần Sabeco và đầu tư dự án ô tô Vinfast.
Theo Phó Thủ tướng, khi bỏ ra 5 tỷ USD mua Sabeco, Tập đoàn Thai Beverage đã sử dụng pháp nhân của là một công ty có đăng ký tại Việt Nam để vay nước ngoài một khoản lớn trong số 5 tỷ USD đó. Hay như Tập đoàn Vingroup để đầu tư vào dự án ô tô Vinfast, đã huy động hàng tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế dẫn đến nợ nước ngoài của khối DN tư nhân tăng lên.
“Tuy nhiên, vấn đề này không đáng ngại”, ông Vương Đình Huệ khẳng định. Đối với trường hợp mua Sabeco, số nợ vẫn tính vào của Tập đoàn mẹ ở nước ngoài, chỉ có chỉ tiêu là tính vào nợ nước ngoài của DN tại Việt Nam. Còn Vinfast, sau một vài năm, khi sản phẩm bán được, Vinfast có dòng tiền ra thì họ sẽ trả nợ rất nhanh kéo giảm tỷ lệ này xuống. Nghĩa vụ trả nợ các khoản của DN tư nhân này không phải của Nhà nước, của Chính phủ”, ông Vương Đình Huệ giải thích.
Về rủi ro khi các khoản nợ của DN tư nhân có thể bị tác động bởi tỷ giá đồng USD tăng lên dẫn đến nghĩa vụ nợ quốc gia sẽ tăng lên, đại diện lãnh đạo Chính phủ cho biết, Chính phủ đang kiểm soát rất chặt vấn đề này.