Tư nhân vào cuộc
Phát hành chính thức trên YouTube từ ngày 4-11, sau 5 ngày bộ phim hoạt hình Con Rồng cháu Tiên 2017 đã thu hút hơn 5 triệu lượt người xem và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Phim vẫn dựa trên nền tảng câu chuyện lý giải về nguồn gốc dân tộc Việt nhưng đã được nhà làm phim thổi vào một làn gió mới. Đáng chú ý, bộ phim nằm trong chuỗi các chương trình quảng bá dự án văn hóa Việt của một thương hiệu giày Việt nổi tiếng. “Qua bộ phim, chúng tôi mong muốn câu chuyện Con Rồng cháu Tiên truyền cảm hứng cốt lõi văn hóa Việt, khơi dậy lòng tự hào về cội nguồn dân tộc. Từ đó, đưa câu chuyện về vị thế xứng đáng nhất trong kho tàng truyện dân gian Việt”, ông Hùng Võ, đại diện nhãn hàng, đồng thời là giám đốc dự án kiêm giám đốc nội dung, chia sẻ.
Một cảnh trong phim hoạt hình Con Rồng cháu Tiên 2017
Cùng với Con Rồng cháu Tiên, thời gian qua hãng phim hoạt hình tư nhân VinTaTa (thuộc VinGroup) cũng ra đời và phát động cuộc thi tìm kiếm ý tưởng kịch bản “Tác giả lừng danh” (độ tuổi từ 7 đến 77, trên phạm vi toàn cầu). “VinTaTa với sứ mệnh hỗ trợ giáo dục và giải trí cho trẻ em Việt Nam, không chỉ tạo ra những bộ phim hoạt hình có công nghệ tinh xảo và hiện đại ngang tầm quốc tế, mà còn đảm bảo tôn vinh các giá trị chân thiện mỹ, mang ý nghĩa giáo dục cao và đặc biệt, mang đậm tinh thần Việt, văn hóa Việt”, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup, chia sẻ.
Trước đây, hầu hết các phim hoạt hình tại Việt Nam đều do Hãng phim hoạt hình Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, trở thành Công ty CP Hãng phim hoạt hình Việt Nam, đơn vị này cho thấy những thay đổi nhất định. Theo bà Trần Thị Thu Hiền, tổng giám đốc công ty, việc một số đơn vị tư nhân quyết định đầu tư vào lĩnh vực này là điều bình thường và mỗi đơn vị có mục đích khác nhau, như kinh doanh phục vụ nhu cầu giải trí của trẻ em, quảng cáo thương hiệu... “Bên cạnh hãng phim nhà nước còn có các đơn vị tư nhân tham gia góp phần tạo nên diện mạo phong phú, đa dạng trong sản xuất phim hoạt hình. So với các nước khác, số lượng các công ty làm phim hoạt hình vẫn chỉ là con số khiêm tốn. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu đáng mừng vì đã có những công ty tư nhân quan tâm tới thể loại phim này. Mỗi đơn vị sẽ có cách khai thác đề tài, áp dụng công nghệ riêng làm phong phú sản phẩm phim hoạt hình, mang lại cho khán giả nhỏ tuổi những món ăn tinh thần thú vị và sự cảm nhận đa chiều hơn”, bà Trần Thị Thu Hiền cho biết.
Phim hoạt hình Việt bao giờ ra rạp?
Đó là câu hỏi đã được các chuyên gia, các nhà chuyên môn, báo chí và khán giả đặt ra từ rất lâu đối với phim hoạt hình Việt. Dù có tuổi đời gần 60 năm (thành lập năm 1959), sản xuất hàng trăm phim hoạt hình, đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, nhưng cho đến nay, các sản phẩm của Hãng phim hoạt hình Việt Nam vẫn chưa thể ra rạp, đến với đông đảo khán giả. Theo bà Trần Thị Thu Hiền, sau cổ phần hóa, công ty cũng chú trọng mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác để phát triển mảng kinh doanh, dịch vụ. Bước đầu, công ty đã nhận được một số đơn đặt hàng của đối tác về sản xuất các phim hoạt hình ngắn, clip hoạt hình, minh họa bài hát thiếu nhi, TVC quảng cáo…
Với câu hỏi tương lai nào để phim hoạt hình Việt có thể ra rạp, ông Phan Văn An, Giám đốc Hãng phim Trẻ, đơn vị đồng sản xuất và phát hành bộ phim Con Rồng cháu Tiên, cho hay: “Đó là mơ ước của bất kỳ ê kíp thực hiện nào, nhưng còn rất nhiều thử thách cả về mặt tài chính lẫn chất lượng. Chưa kể, nếu muốn chiếu rạp phải có phim hoạt hình 90 phút, quy trình làm việc với các rạp chiếu rất khắt khe, có khi trước từ 6 tháng đến 1 năm”. Bà Trần Thị Thu Hiền nói: “Hãng phim hoạt hình Việt Nam đã và đang lưu tâm tới việc sản xuất phim truyện hoạt hình chiếu rạp, nhưng quan trọng là phải có kịch bản. Chúng tôi đang tìm kiếm, xây dựng tác phẩm văn học có nội dung hay, hấp dẫn, phù hợp với thiếu nhi và thể loại phim hoạt hình. Để có được phim hoạt hình đáp ứng yêu cầu chiếu rạp còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, kinh phí, nhân sự, công nghệ… Công ty chúng tôi hiện nay đang hoàn thiện các điều kiện này để có thể sớm bắt đầu sản xuất phim chiếu rạp”. Còn theo ông Lê Khắc Hiệp, đơn vị này trước mắt tập trung sản xuất phim hoạt hình nhiều tập dành cho đối tượng đại chúng, sau đó sẽ là các phim hoạt hình chiếu rạp.
Khỉ Monta - nhân vật chủ đạo, xuyên suốt series phim của VinTaTa
Một tín hiệu khá tích cực là dù chưa có phim ra rạp nhưng hoạt hình Việt cũng đã có nhiều bước tiến về mặt công nghệ và kỹ xảo. Con Rồng cháu Tiên với kinh phí sản xuất hơn 2 tỷ đồng cho thấy những nỗ lực rất lớn của ê kíp, sự chỉn chu cả về mặt hình ảnh và âm thanh. 23 phút phim đã được thực hiện trong vòng 6 tháng với 10.000 giờ sáng tạo cùng sự tham gia của hơn 100 nhân sự. “Chúng tôi dám khẳng định, các bạn trẻ Việt không hề yếu kém về mặt kỹ thuật và không phải quá khó đến mức không thể làm được”, ông Phan Văn An nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đó, bà Trần Thị Thu Hiền khẳng định, các phim hoạt hình của hãng đã được nâng cao về mặt thẩm mỹ, nội dung, cũng như thể loại. Với việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng phim hoạt hình ngày càng được nâng cao, hình ảnh rõ nét, âm thanh sống động… Đại diện VinTaTa cũng chia sẻ, 2 studio của hãng tại Hà Nội và TPHCM sử dụng hạ tầng phần mềm và phần cứng hiện đại nhất giống như các studio lớn trên thế giới, đủ để sản xuất hoàn thiện cả hoạt hình 2D và 3D mang đẳng cấp quốc tế. Bộ máy nhân sự cũng quy tụ hơn 100 chuyên gia, các họa sĩ hàng đầu Việt Nam và mời nhân sự từ các hãng hoạt hình lớn trên thế giới.
Để hoạt hình Việt thực sự chuyển mình và có bước đột phá, chắc chắn cần thêm thời gian, kinh phí... cũng như sự chung tay của những người làm nghề, các nhà đầu tư. Ông Phan Văn An tâm sự, các bạn trẻ rất cần sự hỗ trợ đặc biệt về môi trường để có thể thỏa sức sáng tạo, cần sự đồng hành, chia sẻ của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị dù là tư nhân hay Nhà nước đều có chung quan điểm, phải tôn vinh tinh thần và văn hóa Việt, những câu chuyện, nhân vật thuần Việt.