Phát triển đô thị bền vững. Bài 2: Cân đối nhu cầu thực tế

Không phải ngẫu nhiên TPHCM chọn hai hướng phát triển chính là Nam và Đông. Hướng Nam phát triển ra biển, gắn với hoạt động kinh tế biển. Trong tương lai không xa, khai thác các nguồn lợi từ biển sẽ là một trong những hướng phát triển khôn ngoan của nhiều quốc gia cũng như nhiều thành phố trên thế giới. Hướng Đông gắn kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế quan trọng bậc nhất đất nước. Tuy nhiên, điều này cũng không cho phép bỏ qua những gì thực tế đang diễn ra…
Phát triển đô thị bền vững. Bài 2: Cân đối nhu cầu thực tế

Không phải ngẫu nhiên TPHCM chọn hai hướng phát triển chính là Nam và Đông. Hướng Nam phát triển ra biển, gắn với hoạt động kinh tế biển. Trong tương lai không xa, khai thác các nguồn lợi từ biển sẽ là một trong những hướng phát triển khôn ngoan của nhiều quốc gia cũng như nhiều thành phố trên thế giới. Hướng Đông gắn kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế quan trọng bậc nhất đất nước. Tuy nhiên, điều này cũng không cho phép bỏ qua những gì thực tế đang diễn ra…

“Nở nồi” sai quy hoạch

Nhận xét về sự chọn lựa “an cư” tại các khu vực thuộc hướng Tây, Tây Nam của nhiều người dân thành phố (bao gồm cả những người nhập cư và về lâu dài, theo quy định của pháp luật họ sẽ trở thành cư dân chính thức của thành phố), PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho biết, đối với người dân, nơi nào ở được với chi phí phù hợp thì họ chọn lựa. Người dân ở đây không chỉ là những công nhân lao động có thu nhập thấp, buộc phải đến sinh sống gần các khu công nghiệp ở các quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân… để tiện làm việc mà còn là những công chức, những người làm việc trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cứ quan sát giao thông trong giờ cao điểm sáng và chiều tại nhiều tuyến giao thông quan trọng theo hướng trung tâm thành phố đi các khu vực thuộc hướng Tây, Tây Nam và thậm chí Tây Bắc của thành phố sẽ thấy rõ điều này. Giờ cao điểm sáng, dòng người từ các khu vực Tây, Tây Nam, Tây Bắc dồn về trung tâm thành phố làm việc nên làn đường dành cho hướng này luôn đông đặc người đi, còn làn đường theo hướng ngược lại loe hoe.

Giờ cao điểm chiều, cảnh tượng sẽ như bức hình buổi sáng quay đúng 180 độ. Chắc chắn, đa phần công chức, những người làm việc trong các doanh nghiệp biết và hiểu rõ mục tiêu và hướng phát triển đô thị chính của thành phố. Thế nhưng, họ vẫn chọn hướng phát triển đô thị phụ để làm nơi an cư, cho dù hướng phụ về nguyên tắc không bao giờ được đầu tư nhiều như hướng chính. Đó là chưa kể, biến đổi khí hậu đang có những ảnh hưởng tiêu cực đến TPHCM. Người dân, với tâm lý (hoàn toàn chính đáng) sẽ có xu hướng chọn nơi ở xa các vùng thấp, gần biển hay có mưa bão…

Một khu dân cư mới ở đường số 18, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Ảnh: CAO THĂNG

Thực ra, theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đô thị TPHCM đến năm 2025, TPHCM có khá nhiều kế hoạch “hoành tráng” phát triển về hướng Bắc, Tây Bắc, Tây và Tây Nam không thua kém hướng Nam và Đông. Tiêu biểu, khu vực huyện Củ Chi và Hóc Môn có dự án đô thị Tây Bắc rộng tới 9.000ha. Theo quy hoạch, đây sẽ là khu đô thị sinh thái hiện đại, nơi tọa lạc của nhiều trường đại học hàng đầu Việt Nam và khu vực. Dân số khu đô thị Tây Bắc dự kiến 450.000 người.

Cách đây vài tháng, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cùng nhiều lãnh đạo các sở ngành, Ban quản lý dự án đô thị Tây Bắc đã ra nước ngoài, tổ chức nhiều cuộc họp kêu gọi đầu tư vào khu đô thị này. Chưa hết, dọc theo một tuyến đường (nhỏ) nằm song hành với đường xuyên Á còn có nhiều khu dân cư mới được quy hoạch bài bản đang hình thành.

Nhận xét về các khu dân cư này, một lãnh đạo của Hiệp hội Bất động sản TPHCM đánh giá: Nếu quy hoạch được tuân thủ nghiêm ngặt, các khu đô thị mới đó sẽ rất đẹp, không thua kém nhiều so với khu đô thị mới ở hướng Nam thành phố. Tuy nhiên, đa phần các khu đô thị này mới trong giai đoạn quy hoạch… trên giấy. Do nguồn lực có hạn, TPHCM buộc phải dồn sức đầu tư cho các hướng phát triển chính.

Sẽ trả giá đắt nếu…

Bên cạnh tình trạng ngập nước, ùn ứ giao thông như chúng tôi đã nêu trong bài trước, vụ việc hàng trăm ngôi nhà xây dựng trái phép, không phép ở quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh… bị dỡ bỏ trong thời gian qua, tiếp tục là bằng chứng cho thấy, cái giá phải trả cho sự lệch pha trong phát triển đô thị ở TPHCM. TPHCM tập trung nguồn lực để hình thành nên các đô thị hiện đại ở hướng Nam, hướng Đông với mong muốn người dân có được cuộc sống tốt nhất. Người dân cũng mong muốn như vậy nhưng khả năng chi trả lại có hạn, do vậy họ buộc phải chuyển hướng ra những khu vực có chi phí đất và xây dựng rẻ.

Tất nhiên, việc xử lý những ngôi nhà xây dựng không phép, sai phép là hoàn toàn đúng đắn nhưng rõ ràng, nhìn ở góc độ kinh tế đây là tổn thất lớn không chỉ cho người dân mà còn cho cả thành phố.

Làm thế nào để cân đối nhu cầu, khả năng chi trả hiện tại của người dân với mục tiêu phát triển lâu dài của thành phố? Theo ông Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TPHCM, cách tốt nhất là thành phố chủ động tạo ra các khu vực phát triển đô thị có giá bán phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Việc hình thành ngay các đô thị hiện đại không sai, nhưng chỉ đáp ứng cho nhu cầu của một bộ phận (không lớn) người dân có thu nhập khá và cao. Để hình thành các khu đô thị có giá bán phù hợp túi tiền đa số người dân, bên cạnh những chính sách ưu đãi về đất đai, các loại thuế… TPHCM nên nghiên cứu thực hiện “quy hoạch cắt lớp” như đề xuất trước đây của PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa.

“Quy hoạch cắt lớp” là nhà nước chỉ thực hiện quy hoạch ở mức tối thiểu như làm đường, hệ thống cống cấp, thoát nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy… để đảm bảo môi trường sống cơ bản cho người dân. Các chỉ tiêu quy hoạch khác như công viên, cây xanh và các tiện ích công cộng khác tạm gác lại. Người dân được quyền xây, sửa nhà cửa theo nhu cầu của mình nhưng phải tuân theo các chỉ tiêu cơ bản nêu trên. Như vậy, giá đất ở các khu vực này sẽ phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập thấp.

Theo thời gian, khi kinh tế - xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng lên, nhà nước và nhân dân sẽ cùng cải tạo dần các điều kiện sống trong khu vực, như xây dựng thêm công viên cây xanh, trường học, bệnh viện… Lúc ấy, nhà nước cũng không tốn thêm nhiều tiền đầu tư bởi những chỉ tiêu quy hoạch cơ bản nhất đã có. Cách thực hiện quy hoạch như vậy được gọi là “cắt lớp”. Đầu tiên là “lớp” cơ bản bao gồm các hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng nhất. Sau đó, đến hạ tầng xã hội cùng các tiện ích khác.

Đi sau giải quyết hậu quả sẽ không phải là cách làm hiệu quả mà ngược lại… TPHCM nên chủ động tạo ra các khu đô thị giá rẻ trên tinh thần lắng nghe thêm nhu cầu thực sự của người dân. Đừng để sự lệch pha kéo dài và người dân do nhu cầu an cư sẽ phải tìm mọi cách để… tồn tại.

NGUYỄN KHOA

>> Bài 1: Lệch pha…

Tin cùng chuyên mục