Phát triển tín dụng xanh

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và kế hoạch hành động nhằm lồng ghép, thực hiện các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Giao dịch vay vốn tại một ngân hàng thương mại để đầu tư dự án xanh
Giao dịch vay vốn tại một ngân hàng thương mại để đầu tư dự án xanh

Trong kế hoạch hành động của Chính phủ, các tổ chức tín dụng được xem là thành phần quan trọng để hướng dòng đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất thân thiện với môi trường, giảm thiểu rủi ro, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tín dụng xanh là những khoản tín dụng được ngành ngân hàng hỗ trợ các dự án sản xuất kinh doanh không gây rủi ro hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đã phát triển từ lâu trên thế giới với mục đích hướng tới các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Các sản phẩm tín dụng xanh góp phần đem lại những lợi ích to lớn về phát triển nền kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Thông qua việc giảm các tác động tiêu cực của khối doanh nghiệp (DN) đến môi trường - xã hội, tín dụng xanh không những có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, mà còn góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế. Vì vậy, “xanh hóa” tín dụng là một hành động rất cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu.

Trong xu hướng này, để góp phần thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh”, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đầu năm 2017, NHNN cũng ban hành Chỉ thị 01/2017 tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Thực tế cho thấy, những năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những điều chỉnh để dòng tín dụng phù hợp hơn với mục tiêu tăng trưởng xanh. Trong năm 2015, các ngân hàng VietinBank, BIDV và MB đã ký kết hợp đồng nguyên tắc về phát triển du lịch xanh cho 3 dự án tại Kiên Giang, Cần Thơ với tổng số vốn cho vay khoảng 1.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực du lịch sinh thái, xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Ngoài ra, để hướng đến mục tiêu phát triển của quốc gia trong việc góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu, một số ngân hàng khác cũng đã đưa ra các gói tín dụng xanh để thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN. Cuối năm 2016, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) có gói “Tín dụng xanh” đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch. Theo đó, Agribank dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiệp sạch. Gói tín dụng này cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn là DN, hợp tác xã, Liên hiệp HTX, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn. Lãi suất cho vay giảm từ 0,5% - 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn bình thường.

Mới đây, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) chính thức tham gia nhóm Sáng kiến Tài chính chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UN Environment Finance Initiative - UNEP FI). Tổng Giám đốc ABBANK Cù Anh Tuấn cho biết: “ABBANK trở thành thành viên của UNEP FI nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh của ABBANK nói riêng và đóng góp vào việc thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nói chung. Đây cũng là tiền đề nghiên cứu một số sản phẩm thúc đẩy tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu danh mục tại ABBANK, giúp đơn vị tránh được các rủi ro về tài chính”. ABBANK cũng chú trọng xây dựng các sản phẩm tín dụng xanh với mục đích hướng tới các dự án đảm bảo các vấn đề về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Hiện các ngân hàng ACB, Sacombank, Techcombank... đã tham gia thực hiện bộ tiêu chuẩn về môi trường - xã hội yêu cầu các dự án và đối tác vay vốn phải tuân thủ nhằm “xanh hóa” tín dụng.

Minh Huy 

Tin cùng chuyên mục