Phát triển nguồn - lưới điện tiết kiệm năng lượng

Tại Hội thảo “Công nghệ mới về nguồn - lưới điện, năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng” do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phối hợp với Hiệp hội Phát triển ngành công nghiệp về lưu trữ năng lượng (KEIDA) tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, năng lượng tái tạo từ mặt trời, điện gió, sinh khối hay thủy điện đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Nguồn năng lượng tái tạo này sẽ có chi phí phù hợp với người dân.

Hệ thống lưới điện thông minh giúp tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Phương Hà

Cơ hội hợp tác

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai các quy hoạch, chiến lược về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nên hội thảo được thực hiện với mục tiêu đưa tới Việt Nam những nghiên cứu, ứng dụng và công nghệ thông minh để góp phần vào việc thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại hội thảo, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết: “Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển ngành năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc thúc đẩy áp dụng công nghệ mới vào phát triển nguồn, lưới điện là rất cần thiết, nhất là trong điều kiện hệ thống điện Việt Nam đang được khuyến khích sử dụng nguồn điện từ năng lượng tái tạo ngày càng nhiều hơn. Điều này giúp giảm bớt nguồn điện hóa thạch, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, vì một nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Tại hội thảo, ông Chang Ho Choi, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển ngành công nghiệp ESS (Hàn Quốc), nhận xét trong những năm gần đây, các công nghệ và ngành công nghiệp liên quan đến năng lượng như quản lý nhu cầu, năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh, hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) đã phát triển nhanh chóng, thông qua ngành công nghiệp năng lượng mới được Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy và liên tục phát huy. Theo ông Choi, ESS đã và đang trở thành ngành công nghệ cần thiết trong quản lý nhu cầu, năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh, xe điện và nhiều hình thức ứng dụng khác đang được phát triển để góp phần sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Công nghệ và hoạt động liên kết năng lượng tái tạo ESS được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ ở cấp quốc gia nhằm giảm phát khí thải nhà kính. Do đó, Hàn Quốc hy vọng những công nghệ này sẽ góp phần tạo ra việc làm, phát triển và xuất khẩu công nghệ năng lượng mới cho Việt Nam. “Tôi hy vọng, công nghệ năng lượng của Hàn Quốc sẽ được sử dụng trong chính sách của Chính phủ Việt Nam, dựa trên tình hữu nghị và tin tưởng giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong kỷ nguyên năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính. Công nghệ này sẽ góp phần tạo việc làm, phát triển và xuất khẩu công nghiệp công nghệ năng lượng mới của Việt Nam”,  ông Chang Ho Choi bày tỏ.

Nhận định về việc này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, phát biểu: “Hàn Quốc là đất nước công nghiệp phát triển có nền kinh tế đứng thứ 3 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là quy mô phát triển năng lượng, trong đó có ngành điện lực. Họ đã đầu tư nhiều công nghệ mới để phát huy hiệu quả rất cao trong công cuộc hiện đại hóa nền công nghiệp đất nước. Vì vậy, các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi những kinh nghiệm này từ phía Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam”. Hội thảo cũng là dịp để doanh nghiệp 2 nước trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác; hỗ trợ nhau về mặt khoa học kỹ thuật, về chuyển giao công nghệ, tài trợ vốn... Mới đây, Công ty Điện lực Wongwang đã tài trợ khoảng 5 triệu USD cho Việt Nam để triển khai một số dự án năng lượng mặt trời.

Cần thêm chính sách ưu đãi

Nói về phát triển lưới điện Việt Nam, đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) cho biết, trong các năm qua, EVN HCMC đã cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa nhiều dự án cho ngành điện theo hướng công nghiệp hóa, tự động hóa để giảm chi phí sản xuất, giảm tiêu hao điện năng, chống thất thoát; tiêu biểu như dự án thí điểm trạm biến áp không người trực (TBA KNT), hệ thống Mico-Grid tại Công viên phần mềm Quang Trung… Theo vị này, những dự án nói trên không chỉ giúp khách hàng có lưới điện ổn định mà còn hỗ trợ ngành điện tiết giảm tối đa chi phí vận hành. Liên quan đến các giải pháp tổng thể về năng lượng tái tạo và giải pháp mạng lưới điện thông minh tại Việt Nam, đại diện Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (GELEX) cho rằng, nắm bắt xu thế triển khai đề án lưới điện thông minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2012, GELEX và các công ty thành viên đã tập trung nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thiết bị điện công nghệ cao sử dụng năng lượng xanh. Trong đó, GELEX sở hữu 2 dòng sản phẩm được nghiên cứu, chế tạo thành công bởi 2 thương hiệu uy tín trong ngành điện là công tơ điện tử thông minh công nghệ RF-MESH và máy biến áp hiệu suất cao sử dụng lõi tôn vô định hình của THIBIDI. Các dòng sản phẩm này đang được nhiều công ty điện sử dụng, giúp ngành điện giảm chi phí kinh doanh do giảm nhân công đi ghi số công tơ, nâng cao quản lý lưới điện và sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời, giảm đáng kể lượng khí thải CO2 ra môi trường, góp phần tiết kiệm năng lượng điện hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp cũng nhìn nhận, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ có chi phí phù hợp với người dân. Riêng lưới điện thông minh có thể tiết kiệm năng lượng từ 20% - 25% nguồn năng lượng. Tuy nhiên, không ít các doanh nghiệp cho rằng, để thực hiện được các mô hình này, doanh nghiệp cần phải có cơ chế chính sách ưu đãi về đất đai, quỹ nghiên cứu khoa học, thuế nhập khẩu… Hiện EVN HCMC là đơn vị đầu tiên xây dựng hệ thống lưới điện thông minh có trung tâm điều khiển vận hành, theo dõi tự động toàn bộ lưới điện tại TPHCM, xây dựng 27/55 trạm biến thế không người trực, hệ thống phòng cháy tự động.

Hà Phương

Tin cùng chuyên mục