Sáng 22-5, trong ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội.
Nỗi lo kinh tế Việt Nam phụ thuộc đầu tư nước ngoài
Tại tổ TPHCM, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, kinh tế năm 2017 và đầu năm 2018 có nhiều tín hiệu tích cực, cho thấy định hướng điều hành đúng, chúng ta cần trân trọng kết quả của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, ĐB Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng còn nhiều vấn đề cần chú ý, điều chỉnh để nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Nền kinh tế chúng ta có độ mở cao, đứng thứ 7, vì thế rất nhạy cảm với những biến động của thế giới, do đó cần quan tâm đặc biệt đến thị trường nội địa với hơn 93 triệu dân.
Thị trường Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn của thế giới. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 30 năm qua đạt 318 tỷ USD vốn đăng ký, giải ngân hơn 172 tỷ USD, FDI hỗ trợ tăng trưởng 20%, kim ngạch xuất khẩu FDI chiếm tới 72%. ..
“Nhưng đây là yếu tố không bền vững, chỉ cần có chuyển hướng của vốn nước ngoài hoặc rút vốn sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta đã để FDI phát triển quá mạnh ở Việt Nam. Dù vẫn rất cần vốn FDI vì thế đã đến lúc chuyển hướng vốn FDI theo hướng xanh-sạch-chất lượng-lan tỏa”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, khi cấp phép cho dự án FDI phải tính đến yếu tố bảo đảm môi trường, công nghệ thân thiện, có tác động lan tỏa, bảo đảm hoạt động minh bạch, chống chuyển giá. Vừa qua FDI mạnh nhưng tác động lan tỏa đến các ngành khác, nhất là công nghiệp hỗ trợ của chúng ta còn ít.
Về vấn đề FDI, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng nhận định, có quá nhiều bài học, nhiều vấn đề đặt ra nhưng chưa được giải quyết. FDI có 2 mặt, nhưng chúng ta giải quyết chưa tốt nên có nhiều hạn chế, nhất là về mặt môi trường.
FDI họ vào và hưởng ưu đãi, sử dụng nhân công giá rẻ, hưởng lợi nhuận, nhưng những gì chúng ta khai thác được chưa tương xứng với những gì họ được hưởng, đóng góp ngân sách chưa đáng kể.
“Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận và có một giải pháp khác đi đối với FDI. Chúng ta ưu đãi cho FDI thì phải được hưởng về công nghệ sạch, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực..”, ĐB Nghĩa nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, các dự án năng lượng sử dụng vốn FDI cần được kiểm soát chặt chẽ, phải theo hướng sạch, thân thiện với môi trường. Các dự án năng lượng hiện nay của chúng ta quá thiên về nhiệt điện, than; năng lượng tái tạo chưa được chú trọng do đắt đỏ.
Chủ tịch Quốc hội phân tích: “Khách quan mà nói, tăng trưởng cao ở quý I nhờ một phần ở giá trị GDP của năm trước không cao. Sự tăng trưởng của quý I chủ yếu nhờ vào công nghiệp chế biến, chế tạo, mà tập trung vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi nếu tăng trưởng chỉ dựa vào một vài doanh nghiệp thì nền kinh tế dễ bị gặp rủi ro. Các số liệu của Chính phủ cho thấy trụ cột tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tập trung vào một số ngành, một số doanh nghiệp có số thu ngân sách lớn, sản phẩm xuất khẩu cao, đóng góp cho tăng trưởng nhiều. Điều đó chưa làm nên tính bền vững của cả một nền kinh tế”.
Và mặc dù công nghiệp chế tạo chế biến có đóng góp nhiều nhưng cũng chỉ dừng lại ở khâu gia công, chứ chưa phải là công nghệ cao thực sự. Tính kết nối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước thực sự chưa hiệu quả. Những doanh nghiệp lớn chưa tạo ra hiệu ứng lan tỏa và kết nối một chuỗi giá trị tạo liên kết với doanh nghiệp trong nước.
“Không thể phủ nhận sự đóng góp của doanh nghiệp FDI, nhưng sẽ tốt hơn nếu kết nối với doanh nghiệp trong nước thành một chuỗi giá trị”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ, bảo đảm tiến độ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia; chấn chỉnh lại công tác quản lý nhà nước về đất đai, về tài sản công; quản lý đô thị, quy hoạch đô thị; rà soát tổng hợp các dự án ODA đăng triển khai…
Người dân đóng thuế thì phải được thụ hưởng dịch vụ công
Vẫn theo ĐB Trần Hoàng Ngân, vấn đề khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng rộng ra. Việt Nam là nước có nền nông nghiệp phát triển, lao động nông nghiệp nhiều, vì vậy cần một cuộc chấn hưng nền nông nghiệp Việt Nam để bảo đảm sản xuất nông nghiệp có chất lượng, có thương hiệu, ứng dụng nông ngiệp công nghệ cao để tiến đến sản xuất lớn, từ đó bảo đảm đời sống của lao động nông nghiệp.
Cùng mạch vấn đề về phát triển nông nghiệp, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, không một kỳ họp Quốc hội nào mà vấn đề nông nghiệp không được đặt ra.
“Tổ chức sản xuất nông nghiệp của chúng ta không ổn, vì thế đời sống của nông dân luôn khó khăn. Người nông dân vẫn loay hoay trên mảnh đất của mình, họ không còn mặn mà với đất sản xuất. Cho dù phát triển công nghệ đến mức nào thì tư liệu sản xuất là đất vẫn phải giữ”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, nông dân bỏ đất đi làm nghề khác có thể thu nhập cao hơn, nhưng nếu vẫn trên mảnh đất đó chúng ta tổ chức được sản xuất, để người nông dân có thu nhập, sống được, bám đất bám làng vẫn là tốt hơn cả.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn ra hệ lụy của việc người nông dân bỏ đất bỏ làng đi tha phương kiếm sống, công việc bấp bênh, con cái phải về gửi quê, không được sống gần cha mẹ...để kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách vĩ mô, toàn diện về phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh sản xuất công nghiệp, chế biến đang chậm lại.
“Chính phủ cần tiếp thu ý kiến tâm huyết của ĐBQH trong vấn đề này, không để năm nào báo cáo cũng lập lại nội dung đời sống nông dân còn nhiều khó khăn”, ĐB Quyết Tâm nhấn mạnh.
Về các chính sách an sinh xã hội, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh đến việc điều hành giá, thuế. Người dân đóng thuế xây dựng đất nước thì phải được thụ hưởng những dịch vụ công, không phải cái gì cũng theo giá thị trường, cũng phải đóng tiền. Ví dụ giáo dục, nếu đã phổ cập bắt buộc thì phải được miễn học phí. Phải có chính sách ưu đãi đối với giáo viên, đừng để họ sống bằng học phí. Quốc hội cần nghiên cứu để có chính sách đối với giáo dục phổ thông. Đầu tư cho hạ tầng giáo dục nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc.
“Chỉ riêng việc hạn chế lãng phí đã đủ tiền để đầu tư hạ tầng giáo dục vùng khó khăn”, ĐB Quyết Tâm nói.
Từ phân tích trên, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thể hiện sự không đồng tình khi Chính phủ xác định sẽ dần tiến đến cơ chế giá thị trường đối với giáo dục, y tế. Từ tiền thuế của người dân, nhà nước phải chăm lo cho ngành giáo dục, y tế. Phải có chính sách cho người thầy giáo, người thầy thuốc.
Liên quan đến các vấn đề xã hội, ĐB Nguyễn Phước Lộc lo ngại về tình trạng người nhà bệnh nhân tấn công y, bác sĩ; thất nghiệp của sinh viên chưa được giải quyết. Do đó, cần tái cơ cấu thị trường lao động, dịch chuyển thị trường lao động để tạo ra một thị trường lao động có sức cạnh tranh, nhất là trong giai đoạn cuộc cách mạng 4.0.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng chỉ ra mối lo về đầu tư công; các vấn đề xã hội nổi cộm như bạo lực y tế, bạo lực học đường, cướp giật.. cho thấy an ninh an toàn chưa được bảo đảm.
Vấn đề chủ quyền cũng cần đặc biệt lưu ý, không được lơ là. “Phát triển kinh tế nhưng không được chủ quan về chủ quyền. Hàng loạt vụ việc vừa qua như du khách Trung Quốc mặc áo "đường lưỡi bò"; chiếu phim Điệp vụ biển đỏ; núp bóng mua đất ở nhiều nơi... phải hết sức chú ý”, ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Chính phủ cần có những điều chỉnh chính sách trong 2 năm rưỡi còn lại của nhiệm kỳ.
Qua thảo luận, các ĐBQH khác cũng có chung nhiều băn khoăn, lo lắng về các vấn đề xã hội như chính sách lương còn nhiều bất cập; nguy cháy nổ chung cư cao tầng; vi phạm an toàn thực phẩm vẫn nghiêm trọng...
Theo các đại biểu, chúng ta phát triển kinh tế nhưng phải bảo đảm tiến bộ xã hội, phải giải quyết tốt các vấn đề xã hội nổi cộm.