Phát triển đô thị đa trung tâm

Không gian đô thị TPHCM có cấu trúc không bình thường, chủ yếu là đường hẻm và nhà phố dạng ống. Nhà cửa trong các khu dân cư được xây dựng dàn trải, mật độ xây dựng dày đặc nhưng hệ số sử dụng đất thấp (do phần nhiều là nhà 1 - 2 tầng). Không những thiếu các trục đường chính đô thị mà thiếu cả hệ thống cây xanh, thoát nước và công trình công cộng đáp ứng nhu cầu dân cư.

Mô hình khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai. Ảnh: CAO THĂNG

Dạng cấu trúc đô thị đặc trưng này chỉ phù hợp với giao thông bằng xe gắn máy. Do dàn trải nên khó phát triển xe buýt công cộng. Khi kinh tế phát triển, nhiều người chuyển từ xe gắn máy lên ô tô con, dẫn đến ùn tắc giao thông. Cấu trúc đô thị này là nguyên nhân cơ bản nhất của các “vấn nạn đô thị” cũng như ùn tắc giao thông hiện nay.

Nhu cầu đi lại hàng ngày của dân cư là nhu cầu đi từ chỗ ở đến chỗ làm (học tập, làm việc, mua sắm), khoảng cách càng ngắn thì nhu cầu đi trên đường càng ít. Trong 2 mô hình “nén” và “dàn trải”, mô hình nào có khoảng cách đi lại ngắn hơn, số lần đi lại ít hơn sẽ có nhu cầu giao thông nhỏ hơn. Rõ ràng đối với đô thị nén, dồn dân trên một diện tích đất nhỏ và nếu tổ chức dịch vụ đô thị tại chỗ tốt thì khoảng cách đi lại, cũng như nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân ít hơn so với cấu trúc dàn trải.

Cấu trúc đô thị nén còn có hiệu quả sử dụng đất cao hơn, trong đô thị nén hệ số sử dụng đất có thể gấp 5 lần đô thị dàn trải. Việc bố trí hệ thống hạ tầng đồng bộ trong một khu vực nhỏ phục vụ được nhiều người cũng làm tăng hiệu quả đầu tư cho hạ tầng đô thị. Cấu trúc đô thị nén còn hỗ trợ tốt cho giao thông công cộng vì có lượng hành khách tập trung.

Chính vì vậy xu hướng chung của thế giới trong thời gian qua là phát triển đô thị nén với nhà chọc trời, giao thông công cộng khối lớn, đường cao tốc và đi bộ. Đô thị nén quanh các ga metro là mô hình quy hoạch hiện đại, phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD).

TPHCM nên chọn mô hình tổ chức không gian nào? Như đã phân tích ở trên, tổ chức không gian để “vun” dân có hiệu quả kinh tế cao hơn dãn dân nhưng phải với điều kiện đảm bảo hạ tầng tại chỗ để “vun” và giao thông đối ngoại của chỗ “vun” với bên ngoài cũng phải bảo đảm. Khi không bảo đảm điều kiện đó, việc “vun” dân sẽ làm đô thị kẹt cứng.

“Dãn” dân không nên hiểu là tiếp tục phát triển dàn trải bằng các khu dân cư thấp tầng ra ngoại vi thành phố. Việc đưa dân ra phía ngoài mà không có công việc và dịch vụ đi kèm thì chỉ làm tăng nhu cầu giao thông và tăng nguy cơ ùn tắc mà thôi.

“Dãn” dân nên hiểu là một quá trình “vun” dân vào những nơi có điều kiện giao thông đối nội và đối ngoại tốt nhất. Đây chính là định hướng phát triển đô thị đa trung tâm theo quy hoạch chung của thành phố. Mỗi trung tâm là một khu ở hoàn chỉnh về hạ tầng xã hội và được nối kết với nhau bằng hệ thống giao thông công cộng khối lớn và các trục đường chính đô thị.

Đối với các khu đô thị cũ không đủ tiêu chuẩn về hạ tầng đô thị, cần có kế hoạch từng bước cải tạo, nâng cấp và theo đúng nguyên tắc hạ tầng đi trước. Khi chưa có điều kiện cải tạo hệ thống hạ tầng thì tuyệt đối không “vun” dân vào các khu vực đó.


TS Võ Kim Cương

Tin cùng chuyên mục