Phát triển ca cao chất lượng cao ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó phát triển cây ca cao gắn với sản xuất các sản phẩm như sô cô la, ca cao sữa, trà… đang là hướng đi mới được nhiều doanh nghiệp lựa chọn đầu tư.

Cây ca cao bén duyên với anh Ngô Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) từ những năm 2000. Khi ấy, những cây cà phê ở thủ phủ nông nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu già cỗi, năng suất thấp nên người dân muốn chuyển đổi cây trồng hiệu quả hơn. Lặn lội nhiều nơi, cuối cùng anh Thành tìm đến Đại học Nông Lâm (TPHCM) và may mắn gặp được Tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước khi ông cũng đang có đề án nghiên cứu về ca cao. Ngay lập tức, 2 thầy trò dắt nhau về huyện Châu Đức chia sẻ cho bà con nông dân về cây ca cao và 15.000 cây giống được trồng xen canh trên diện tích khoảng 1.200ha. Ba năm sau, cây cho thu hoạch, anh Thành dẫn các chuyên gia về phân tích chất lượng, kết quả cho thấy cây phát triển tốt, sản phẩm hạt ca cao đứng trong tốp đầu của thế giới, nên mô hình được nhân rộng ra các tỉnh khác ở miền Nam.

Năm 2005, anh Thành quyết định thành lập công ty để bao tiêu sản phẩm ca cao, xuất đi nước ngoài với giá ổn định 60.000 đồng/kg (chủ yếu là các sản phẩm thô, chưa qua chế biến). Từ năm 2007, anh Thành bắt đầu nghiên cứu để sản xuất trực tiếp các sản phẩm từ ca cao ngay trong nước. Đến năm 2017, ngoài 300 tấn ca cao xuất thô đi nước ngoài, các sản phẩm được sản xuất từ ca cao như sô cô la, sữa, bột, trà ca cao của Công ty Thành Đạt đã đến tay người tiêu dùng và được chào đón rộng rãi. Hiện ca cao “made in Bà Rịa - Vũng Tàu” đã đạt 410 tiêu chí của Nhật Bản và toàn bộ đều không dùng thuốc trừ sâu; lá, bã quả ca cao đều được tận dụng để làm phân bón cho cây trồng; trong thời gian tới, sẽ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân. Theo anh Thành, để có thể xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nhật Bản hay châu Âu, thì sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chí về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và các yếu tố về thẩm mỹ.

Cũng là một trong những công ty có tiếng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ ca cao, nhưng Công ty CP Binon ca cao (xã Xà Bang) lại có thêm một hướng đi mới là trở thành điểm du lịch nông trại thu hút du khách. Ngoài trải nghiệm quy trình chế biến ca cao, công ty còn giới thiệu với du khách nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Châu Ro. Vừa qua, công ty đã đón nhiều đoàn học sinh, khách du lịch từ TPHCM và các tỉnh lân cận đến tham quan, mua dùng các sản phẩm làm từ ca cao.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cây ca cao được trồng chủ yếu ở Châu Đức với diện tích khoảng 650ha. Trong Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, xác định đây là một trong những cây chiến lược cần tập trung ưu tiên phát triển. Huyện sẽ đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ phát triển sản xuất; thu hút đầu tư và phát triển NNCNC gắn với việc phát triển hợp tác, liên kết 5 nhà “nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước - nhà bank (ngân hàng)” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu; chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng với nâng cao giá trị gia tăng và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Mới đây, tại buổi làm việc với huyện Châu Đức, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh chỉ đạo, phải có cách làm mới, giải pháp mới để phát triển NNCNC, vì đây là mũi nhọn lớn nhất và là trụ cột duy nhất của Châu Đức nếu xét trên 4 trụ cột kinh tế của tỉnh. Huyện cần phải tăng cường thu hút đầu tư, phải lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, trách nhiệm, đồng thời phải quan tâm đến bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Tin cùng chuyên mục