Phát triển bền vững, doanh nghiệp phải xanh

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào thị trường thế giới thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), thì việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không những giúp doanh nghiệp phát triển ổn định trong nước, mà còn vượt qua rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực cải thiện môi trường sản xuất ngày càng xanh, thì những động thái hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng đang tiếp sức để doanh nghiệp phát triển ổn định hơn.
 Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xanh đã được triển khai. Ảnh: THÀNH TRÍ
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xanh đã được triển khai. Ảnh: THÀNH TRÍ
Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất sạch
Một trong những chính sách hỗ trợ tích cực hiệu quả cho nỗ lực cải thiện môi trường sản xuất của doanh nghiệp là hỗ trợ vốn lãi suất thấp. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam vừa công bố hạ mức lãi suất cho vay ưu đãi còn 2,6%/năm đối với các dự án thuộc các lĩnh vực xử lý nước thải tập trung khu hoặc cụm công nghiệp; xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày/đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên; xử lý chất thải các nhà máy, bệnh viện và làng nghề; và các dự án vay vốn đầu tư bảo vệ môi trường có biện pháp đảm bảo tiền vay bằng bảo lãnh của ngân hàng. 

Trước đó, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã công bố hỗ trợ các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư hạ tầng xử lý môi trường với mức lãi suất 3,6%. Tuy nhiên, khảo sát sau 2 năm áp dụng, còn có nhiều doanh nghiệp khó khăn, không thể tiếp cận nguồn vốn này. Nguyên nhân là mức lãi suất ưu đãi vẫn còn cao so với thực tế nội lực của doanh nghiệp. Mặt khác, những thủ tục hành chính phức tạp cộng với những quy định liên quan đến tài sản thế chấp gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Ngoài những ưu việt là giảm lãi suất cho vay, chính sách cho vay cũng được thực hiện mở rộng cho các dự án có bảo lãnh ngân hàng. Cùng với đó, những quy trình, thủ tục vay vốn phức tạp cũng được khắc phục theo hướng đơn giản, thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp dễ tiếp cận. Thẩm quyền phê duyệt cho vay vốn với lãi suất ưu đãi do giám đốc quỹ ký duyệt. Số tiền cho vay tối đa là 15 tỷ đồng và thời gian cho vay tối đa là 7 năm.

Cùng nằm trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực xử lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm di dời kết hợp đổi mới công nghệ sản xuất. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có các chương trình, dự án, các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, phân loại rác tại nguồn, tiết giảm, tái sử dụng, tái chế chất thải, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, phòng chống, ứng phó, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, xử lý triệt để các nguồn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố… có nhu cầu vay vốn sẽ được Quỹ Bảo vệ môi trường thành phố cho vay với lãi suất vay ưu đãi 4,9%/năm. Thời gian vay tối đa 5 năm và hạn mức cho vay tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án và không quá 6,8 tỷ đồng. Quỹ cho vay trên cơ sở có tài sản đảm bảo bằng các hình thức thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh của bên thứ ba. 

Mở rộng cơ hội của doanh nghiệp với thị trường

Liên quan đến những chính sách hỗ trợ vốn để đầu tư xanh, đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam khẳng định, đây sẽ là yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp có thể ổn định sản xuất và phát triển thị phần ra nước ngoài. Đặc biệt, trong bối cảnh các nước trên thế giới xây dựng dày đặt rào cản kỹ thuật, nhất là rào cản liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm khi hàng rào thuế quan dần bị gỡ bỏ. Đơn cử, với hàng dệt may, nếu doanh nghiệp nội bị các đối tác phát hiện vi phạm môi trường hoặc không đảm bảo các điều kiện an toàn lao động, chế độ chính sách cho người lao động không đảm bảo đúng quy định sẽ lập tức bị hủy hợp đồng xuất nhập khẩu. Tương tự, với lĩnh vực thực phẩm chế biến, những quy định về an toàn môi trường càng chặt chẽ hơn. Đơn cử chỉ cần vi phạm an toàn về lưu hóa chất hoặc thùng hóa chất đã qua sử dụng, doanh nghiệp cũng đã phải đối mặt với nguy cơ bị đối tác trả lại hàng. 

Cùng với việc doanh nghiệp phải chủ động thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và cơ quan chức năng tích cực trong việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư dự án xanh, đại diện Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam cho rằng, chính quyền địa phương cũng cần phải thay đổi quan điểm nhìn nhận về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Hiện để hoàn thiện chuỗi cung ứng sản phẩm, cần thiết phải đầu tư những nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm (ngành may), thuộc da (ngành da giày và túi sách), xi mạ (ngành chế tạo cơ khí, điện - điện tử)… Nhưng phần lớn lãnh đạo địa phương cho rằng đây là những ngành nghề nhạy cảm với môi trường nên không cấp phép đầu tư. Quan điểm này cần phải thay đổi, nhất là trong bối cảnh công nghệ sản xuất hiện nay rất tiên tiến và hoàn toàn có thể chủ động trong hoạt động xử lý chất thải phát sinh từ sản xuất. Mặt khác, Chính phủ đang khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất nguyên phụ liệu.

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh: “Ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân. Do vậy, ngoài những biện pháp nhằm khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng như công trình xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị và nông thôn; trồng cây xanh chắn cát, chống xói lở và ngăn ngừa xâm nhập mặn; thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu... các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; rà soát các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư phát triển đảm bảo thực hiện nghiêm túc mục tiêu không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”.

Tin cùng chuyên mục