Tờ trình Chính phủ nêu rõ, Luật Quốc phòng có hiệu lực từ ngày 1-1-2006. Sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật Quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng; nhiều nội dung về hoạt động quốc phòng còn đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật tính pháp lý không cao hoặc chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Vì vậy, sửa luật nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị để xây dựng phát triển đất nước.
Quan điểm chỉ đạo là giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, dân quân tự vệ và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 46 điều (giảm 2 chương, 5 điều so với Luật Quốc phòng năm 2005). Trong đó quy định rõ các vấn đề như: Khu vực phòng thủ; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Động viên quốc phòng; Công nghiệp quốc phòng; Phòng thủ dân sự; Đối ngoại quốc phòng; Tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Quy định về các vấn đề như: Tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; Tổng động viên, động viên cục bộ; Thiết quân luật và giới nghiêm....
Về một số vấn đề xin ý kiến, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội vấn đề về quy định Hội đồng quốc phòng và an ninh có Cơ quan Thường trực giúp việc. Theo đó, Chính phủ tán thành quy định Hội đồng quốc phòng và an ninh có Cơ quan Thường trực giúp việc, theo hướng “Bộ Quốc phòng là Cơ quan Thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc phòng và an ninh; thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Cơ quan Thường trực do Hội đồng quốc phòng và an ninh quy định (loại ý kiến thứ hai đề nghị Hội đồng quốc phòng và an ninh có cơ quan giúp việc, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước phụ trách).
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số luật: Luật dân quân tự vệ, Luật về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Luật về lực lượng dự bị động viên.
Thẩm tra về luật này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (UBQPAN) nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Quốc phòng năm 2005. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị cân nhắc, đồng thời làm rõ về sự cần thiết quy định nội dung “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng”.
Về phòng thủ quân khu, UBQPAN cho rằng, phòng thủ quân khu chưa được quy định trong luật nhưng là địa bàn có vị trí chiến lược, có thực lực về mặt quốc phòng, quân sự, có một hệ thống tổ chức chỉ huy đầy đủ và hiện nay đang giữ vai trò chỉ đạo trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Vì vậy, quy định phòng thủ quân khu là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ phạm vi phòng thủ quân khu bao gồm phòng thủ tỉnh và liên kết tỉnh do cấp có thẩm quyền quyết định phù hợp với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc; bổ sung chức năng của quân khu trong xây dựng khu vực phòng thủ làm cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện.
UBQPAN cũng đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ nội hàm của sự kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và những điều kiện, nguyên tắc cơ bản của sự kết hợp để bảo đảm tính khả thi của điều luật. Ủy ban đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành về công tác quốc phòng nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế trong thời gian qua và cân nhắc không nên quy định tổ chức, biên chế trong dự thảo Luật cho phù hợp với chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Về thiết quân luật, UBQPAN cơ bản đồng ý như dự thảo Luật và cho rằng, đây là nội dung hết sức cần thiết trong trường hợp chính trị, trật tự an toàn xã hội bị xâm phạm nghiêm trọng. Vì vậy, đề nghị cần làm rõ cơ chế điều hành, bảo đảm chỉ huy thống nhất, kịp thời, chính xác; quy định rõ quyền quyết định của quân đội (Bộ Quốc phòng) để điều hành, thực thi nhiệm vụ.
Điều 18. Tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh
1. Khi Tổ quốc bị xâm lược, Quốc hội quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; giao cho Hội đồng quốc phòng và an ninh thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt.
2. Khi không còn tình trạng chiến tranh, Quốc hội quyết định bãi bỏ tình trạng chiến tranh.
3. Trong trường hợp Quốc hội không thể họp được, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh và báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.
4. Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố quyết định tuyên bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh.
(Dự án Luật Quốc phòng sửa đổi)