Đây là đợt hoạt động cao điểm nhằm loại bỏ, xử lý các vật có thể chứa nước làm nguồn sinh sản cho muỗi khi mùa mưa đến, xử lý, xóa các điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết (SXH), giảm nguồn sinh sản của muỗi trên toàn TP trong mỗi gia đình và từng điểm nguy cơ;...
Chiến dịch bao gồm các hoạt động: kiểm tra, giám sát và xử lý các điểm nguy cơ về dịch bệnh; tổ chức phát động chiến dịch tại các quận, huyện; tổ chức chiến dịch truyền thông; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng hàng tuần từ sau lễ phát động của các quận, huyện đến hết 30-6. Dự kiến, sau khi chiến dịch kết thúc các hoạt động này vẫn được duy trì đến hết năm 2018.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP đề nghị, các cơ quan, công sở, đơn vị và mỗi người dân TP mỗi tuần dành 10- 15 phút để tìm và diệt các ổ lăng quăng nơi làm việc, sinh sống. UBND các quận, huyện phường xã huy động mọi nguồn lực của địa phương tổ chức thực hiện các giải pháp phòng bệnh hiệu quả tại địa phương mình, nhất là đẩy mạnh việc xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, để tồn tại các điểm nguy cơ lây lan bệnh SXH theo quy định.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong số 30 quốc gia có mật độ lưu hành sốt xuất cao nhất thế giới và hơn 50% số ca SXH phải nhập viện của cả nước thuộc các tỉnh miền Nam.
“Việc phát động chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” là một trong những chiến dịch truyền thông sâu rộng đến các tổ chức, người dân, tạo sức cộng hưởng lan rộng trong toàn xã hội, tiến tới thực hiện các giải pháp, chiến dịch hành động cụ thể để phòng chống bệnh SXH”- GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh.