Hoạt động báo cáo, tuyên truyền pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu

(SGGPO).- Nhằm từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ báo cáo viên pháp luật (BCVPL) đáp ứng yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới, ngày 10-3 Sở Tư pháp TPHCM tổ chức Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố”.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tính đến ngày 31-12-2016, trên địa bàn TPHCM có 155 báo cáo viên pháp luật thành phố, 407 báo cáo viên pháp luật quận - huyện, 2.907 tuyên truyền viên pháp luật (TTVPL) cấp xã.

Theo bà Trần Việt Thái, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp TPHCM, số lượng đội ngũ BCVPL và TTVPL như trên chưa đủ đáp ứng nhu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố. Trong thực tế hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương không chỉ mời các BCVPL, TTVPL có tên trong danh sách mà còn mời gọi, huy động thêm các chuyên gia có kinh nghiệm từ các cơ quan tư pháp; các lĩnh vực nóng (môi trường, đất đai, xây dựng, bảo hiểm xã hội, y tế...); các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, các tổ chức hành nghề luật khác; các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật, đào tạo các chức danh tư pháp (Trường Đại học Luật TPHCM, Học viện Cán bộ TPHCM) và những người có kiến thức pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa bàn.

Đại tá Nguyễn Văn Của, Phó Chủ nhiệm Chính trị - Bộ Tư lệnh TPHCM trao đổi về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lực lượng vũ trang thành phố

Bên cạnh đó, các BCVPL hoạt động chưa đều và nhiều BCVPL không thông tin, báo cáo gây khó khăn trong công tác thống kê, tổng hợp. Chỉ có khoảng 40% BCVPL thành phố hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tích cực, nhiệt tình, phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác; số BCVPL còn lại chưa tham gia các hoạt động tuyên truyền pháp luật. Ở cấp quận - huyện, tỷ lệ BCVPL tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Chỉ có 4 quận, huyện huy động đạt 100% BCVPL tham gia (quận 3, quận 5, quận Gò Vấp, huyện Nhà Bè); một số quận, huyện chỉ huy động được hơn 30% BCVPL tham gia (quận 4, quận 7, quận 8...). Ở cấp xã, tỷ lệ TTVPL còn thấp hơn. Chỉ có quận Gò Vấp và quận 11 huy động 100% TTVPL tham gia; trong khi đó, quận 3, quận 9, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ chỉ huy động được dưới 15% TTVPL tham gia.

Buổi tọa đàm cũng ghi nhận phản ánh từ các cơ quan, đơn vị, địa phương về một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, dẫn đến các chủ trương, chính sách, pháp luật không thể đi sâu vào cộng đồng và tất yếu dẫn đến công tác tuyên truyền không đạt hiệu quả theo yêu cầu đề ra.

Theo ông Tăng Cẩm Vinh, Phó Trưởng Ban Dân tộc TPHCM, có sự thiếu hụt, nghiêm trọng BCVPL, TTVPL trong đồng bào dân tộc Hoa, Chăm, Khmer; đồng thời sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho công tác tuyên truyền, vận động bằng tiếng dân tộc trong đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, thậm chí thiếu.

Ông Tăng Cẩm Vinh đề xuất cần xây dựng một lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, am hiểu pháp luật và phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Lực lượng này cần được tuyển chọn từ các sinh viên, giáo viên, luật sư, luật gia các vị người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, từ các đoàn viên hội viên nòng cốt, nhiệt tình có trình độ có tâm huyết… Bên cạnh đó, cần tăng cường môi trường, điều kiện tiếp cận chuẩn pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc vận dụng, sử dụng các phương thức mới, phương tiện mới kết hợp cải tiến nội dung tuyên truyền gọn nhẹ, dễ hiểu, phù hợp với mọi đối tượng. Ngoài những hình thức tuyên truyền truyền thống như hội nghị, họp tổ dân phố chỉ tuyên truyền đến một lượng rất nhỏ người dân thì cần mạnh dạn sử dụng các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Wechat, Youtube), các kênh tuyên truyền qua máy điện thoại di động.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục