Góp ý xây dựng Luật Trẻ em (sửa đổi) 2015: Ưu tiên tập trung giai đoạn đầu đời của trẻ

Góp ý xây dựng Luật Trẻ em (sửa đổi) 2015: Ưu tiên tập trung giai đoạn đầu đời của trẻ

(SGGPO).- Sáng 6-10, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì tổ chức Hội thảo Góp ý xây dựng Luật Trẻ em (sửa đổi) 2015 với chủ đề: “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ và giám sát độc lập thực thi quyền trẻ em”.

Nhiều ý kiến tại hội thảo đề nghị dự thảo Luật ưu tiên tập trung vào giai đoạn đầu đời của trẻ, để đảm bảo có được lợi ích cao nhất cho bản thân trẻ, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

BS, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) đã cung cấp những bằng chứng khoa học cho luận điểm này. Ông nói: “Não bộ của con người được xây dựng dần theo thời gian. Trong đó, giai đoạn bắt đầu từ trong bào thai và hai năm sau khi sinh ra mang ý nghĩa then chốt trong việc quy định tốc độ hình thành, chất lượng phát triển của não bộ và các khả năng con người. Gene và trải nghiệm của trẻ từ chăm sóc gia đình và cộng đồng trong những năm đầu đời tương tác với nhau làm nên kiến trúc não bộ của trẻ và là cơ sở hình thành, phát triển các khả năng sau này”. 

Thẳng thắn nhận xét rằng dự thảo hiện nay chưa bắt kịp thành tựu khoa học về phát triển trẻ em thế kỷ 21, TS Trần Tuấn đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật giải thích một số thuật ngữ cơ bản về phát triển toàn diện trẻ em, cũng như đưa vào chương về các quyền và bổn phận của trẻ em một nội dung mới. Đó là: “Trẻ em được ưu tiên chăm sóc cho sự phát triển toàn diện ngay từ giai đoạn đầu đời”.

Nhiều ý kiến tại hội thảo đề nghị dự thảo Luật ưu tiên tập trung giai đoạn đầu đời của trẻ, để đảm bảo có được lợi ích cao nhất cho trẻ, gia đình, cộng đồng. Ảnh minh họa: MAI HẢI

Vẫn theo ông Trần Tuấn, quyền nêu trên cần được coi là quyền cơ bản, điều chỉnh các nội dung có liên quan khác trong toàn bộ dự Luật. Chẳng hạn, Luật cần chế định việc đưa chương trình đào tạo cha mẹ và các thành viên trong gia đình về kiến thức, kỹ năng và thái độ chăm sóc cho trẻ phát triển toàn diện ngay từ giai đoạn đầu đời vào gói dịch vụ y tế dự phòng do bảo hiểm y tế chi trả. Hoặc đối với các trẻ bị “toxic stress” (do bị bạo lực về thân thể, bị bỏ bê hoặc xao nhãng chăm sóc; khiến trẻ bị thường xuyên căng thẳng, sợ hãi...), cần xây dựng các dịch vụ can thiệp hỗ trợ chăm sóc trẻ tại gia đình và cộng đồng đáp ứng các tình huống khác nhau, bao gồm cả việc đưa trẻ ra khỏi gia đình “toxic stress”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục