Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước

Sáng 28-1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”. Buổi tọa đàm được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

(SGGPO).- Sáng 28-1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”. Buổi tọa đàm được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các vị khách mời đánh giá cao những điểm mới rất tiến bộ của dự thảo Bộ luật như cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định; quy định về nghĩa vụ của Tòa án không được từ chối thụ lý vụ việc của người dân với lý do chưa có pháp luật điều chỉnh; không chỉ liệt kê các hình thức sở hữu mà còn khẳng định quyền của mọi chủ sở hữu đều được bảo vệ như nhau...

Đại diện cơ quan soạn thảo, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định, Bộ luật Dân sự là bộ luật quan trọng, bao trùm mọi quan hệ giao dịch dân sự.
"Nếu người dân không tìm được cơ chế để bảo vệ quyền dân sự của mình thì coi như thất bại. Dân có vụ việc đưa ra tòa, tòa không thể từ chối, phải giải quyết. Tòa không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự do hết thời hiệu", ông Huệ nói.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có 712 điều, được chia thành 6 phần, 26 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều.

Các vấn đề trọng tâm cần xin ý kiến nhân dân bao gồm: trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; hình thức sở hữu; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu.

Để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân có tính hiệu quả và thực chất, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế nhấn mạnh yêu cầu căn cứ vào tình hình, mặt bằng dân trí ở từng địa phương để có cách tuyên truyền phù hợp với mọi đối tượng, đảm bảo để dự thảo Bộ luật quan trọng này có thể “phản ánh được hết các ý kiến của người dân, nhất là những nhóm yếu thế trong xã hội”.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục