Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Bưng bít thông tin là vi phạm luật

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Bưng bít thông tin là vi phạm luật

Dự thảo Chiến lược phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 vừa được Thanh tra Chính phủ hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Một trong những mục tiêu mà Chiến lược phòng, chống tham nhũng đề cập đến là tính minh bạch, công khai về cơ chế chính sách pháp luật (thể chế). Để thực hiện mục tiêu này, vấn đề quyền được tiếp cận thông tin của người dân cũng sẽ được luật hóa bằng Luật tiếp cận thông tin. Tới khi đó, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, lối tư duy cục bộ nhằm bưng bít thông tin tại một số cơ quan công quyền hiện nay sẽ phải thay đổi.

- PV: Thưa Tổng Thanh tra, để tiếp cận được thông tin, nhà báo và cơ quan báo chí hiện nay đang đối mặt với “hàng rào” về các quy định hạn chế quyền tiếp cận và thông tin trên mặt báo. Ông nghĩ sao về điều này?

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Bưng bít thông tin là vi phạm luật ảnh 1

- Tổng Thanh tra Chính phủ TRẦN VĂN TRUYỀN: Theo tôi, để bảo đảm xây dựng một nền công vụ và đội ngũ công chức tận tụy, liêm khiết và thực hiện công vụ có hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho người dân thì trước tiên phải thực hiện công khai minh bạch.

Muốn thực hiện công khai minh bạch phải có cơ chế để công luận và xã hội được tiếp cận thông tin - có nghĩa là luật hóa quyền thông tin của người dân. Tuy nhiên, trong thực tế quyền này đang ít nhiều bị ngăn cản bởi các quy định về quyền tiếp cận thông tin.

Tình trạng bưng bít thông tin, tìm cách hạn chế quyền được thông tin của người dân thông qua kênh báo chí đang diễn ra tại nhiều cơ quan công quyền. Chúng ta vẫn biết, bưng bít thông tin là vi phạm quy định. Thế nhưng, trong thực tế nó đang xảy ra ở chỗ nọ, chỗ kia.

- Thưa Tổng Thanh tra, nhiều cơ quan công quyền hiện nay vẫn lạm dụng dấu “mật” vào các văn bản, tài liệu; hễ đụng chuyện là khép vào loại bí mật Nhà nước, nhằm hạn chế việc công khai trước dư luận. Điều này sẽ được chấn chỉnh ra sao khi có Luật tiếp cận thông tin?

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Bưng bít thông tin là vi phạm luật ảnh 2

Buổi đối thoại giữa người dân với chính quyền quận 12 - một sinh hoạt thể hiện tính công khai, minh bạch của cơ quan công quyền. Ảnh: HOÀI NAM

- Việc tùy tiện đóng dấu “mật” này là do quy định hiện nay chưa chặt. Điều này là vi phạm pháp luật hiện hành. Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương là phải chủ động thông tin cho xã hội, các cơ quan ngôn luận. Tất cả mọi việc không có gì phải giấu giếm. Tôi làm đến đâu, làm việc này tốt xấu ra sao phải chủ động thông tin cho báo chí biết.

Như tại Thanh tra Chính phủ, chẳng có gì phải khuất tất cả, trừ những vấn đề nhạy cảm. Nhưng cũng phải có cách thông báo sao để mọi người hiểu một cách chính thống.

Công khai minh bạch được xem là vấn đề quan trọng và sắp tới phải được tăng cường hơn nữa, nhất là khi quyền được thông tin của người dân được luật hóa bằng Luật tiếp cận thông tin.

- Danh mục tài liệu “mật” hiện nay mỗi nơi quy định một kiểu. Hầu như cấp nào cũng có quy định “mật”...

- Loại tài liệu nào của Nhà nước ban hành phải được công bố, trừ những tài liệu liên quan đến an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia thì đó mới là “mật”. Mặt khác, theo tiến trình cải cách hành chính, sắp tới Chính phủ sẽ có những quy định cụ thể hơn, với tinh thần giảm bớt những loại văn bản mà mình đã “khóa” lại, không công bố và tinh thần chung là tất cả mọi văn bản Nhà nước, như tôi nói ở trên, đều phải công bố công khai, trừ những văn bản liên quan đến an ninh quốc phòng và bí mật quốc gia.

- Trong khi chưa có Luật tiếp cận thông tin, nhiều vấn đề chưa được công khai rộng rãi đến người dân, thậm chí có nơi còn bưng bít thông tin mỗi khi báo chí tiếp cận...

- Thực tế, thông tin hiện nay đang được mở rộng qua kênh của Quốc hội và Chính phủ với nhiều vấn đề quốc kế dân sinh được đưa ra bàn bạc công khai. Mới đây, trong một cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải thông tin cho báo chí đầy đủ thông tin vụ việc có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã ban hành Quy chế về cung cấp thông tin. Trong đó có việc giao cho các bộ ngành và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm phát ngôn cho công luận và cho báo chí. Như vậy, cơ quan, đơn vị, tổ chức nào thực hiện không nghiêm quy chế này, hoặc cố tình bưng bít thông tin là vi phạm về quy chế phát ngôn.

- Thế nhưng, tình trạng loạn “mật” hiện nay vẫn còn và nó đang gây cản trở thông tin của báo chí đến người dân?

- Có tình trạng ở ngành này hoặc địa phương khác cứ đưa vào “mật” để không công bố. Điều này vi phạm cả với pháp luật hiện hành vì theo quy định, chỉ có Chính phủ và Bộ Công an mới công bố và xác định danh mục tài liệu nào mật thì mới được đóng dấu “mật”.

- Như vậy, bản kết luận thanh tra không nằm trong danh mục “mật”?

- Như tôi đã nói, tất cả mọi việc không có gì phải giấu giếm. Các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đều được công khai đến nhà báo vì tài liệu này theo Luật Thanh tra là văn bản công khai.

HOÀI NAM (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục