Tư vấn pháp luật

Điều kiện, thủ tục cấp giấy phép cho lao động nước ngoài

Điều kiện, thủ tục cấp giấy phép cho lao động nước ngoài

Để giúp lao động là người nước ngoài chuẩn bị đến Việt Nam (VN) và đang làm việc tại VN hiểu rõ hơn về quy trình, thủ tục cấp giấy phép lao động (GPLĐ), bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công (Sở LĐTB-XH TPHCM) đã tư vấn, giải đáp một số vấn đề bạn đọc thắc mắc sau đây.

- Hỏi: Quy trình, thủ tục, thời gian xin cấp giấy phép lao động đối với người nước ngoài làm việc tại VN như thế nào?

- Trả lời: Người nước ngoài trước khi vào làm việc tại VN phải có GPLĐ do cơ quan lao động địa phương nơi đóng văn phòng chính của doanh nghiệp (DN) sẽ tuyển dụng họ cấp. Về trình tự cấp giấy phép lao động, khoản 5, Điều 9, Nghị định số 34/2008/NĐ-CP, ngày 25-3-2008 quy định: trước thời hạn ít nhất 20 ngày, kể từ ngày người nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại DN, cơ quan, tổ chức tại VN, người sử dụng lao động hoặc đối tác phía VN, đại diện của tổ chức phi chính phủ nước ngoài được phép hoạt động theo quy định của pháp luật VN phải nộp hồ sơ xin GPLĐ cho lao động người nước ngoài (tại Sở LĐTB-XH địa phương nơi người nước ngoài thường xuyên làm việc). Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở LĐTB-XH phải cấp GPLĐ cho người nước ngoài và trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bắt buộc phải có giấy phép lao động. Ảnh: H.K.

Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bắt buộc phải có giấy phép lao động. Ảnh: H.K.

- Thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động gồm những gì?

- Hồ sơ đề nghị cấp GPLĐ đối với người nước ngoài tương ứng với mỗi hình thức người nước ngoài làm việc tại VN mà có quy định những loại hồ sơ khác nhau. Cụ thể các trường hợp như sau:

Thứ nhất: người nước ngoài làm việc theo hình thức thực hiện hợp đồng lao động tại Việt Nam, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, gồm: văn bản đề nghị cấp GPLĐ, phiếu đăng ký dự tuyển lao động của người nước ngoài, phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền - nơi người nước ngoài cư trú trước khi đến VN cấp.

Trường hợp người nước ngoài hiện đã cư trú tại VN đủ 6 tháng trở lên thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp của VN nơi người nước ngoài đang cư trú cấp; bản lý lịch tự thuật của người nước ngoài theo mẫu quy định của Bộ LĐTB-XH; giấy chứng nhận về trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao của người nước ngoài (bằng đại học hoặc tương đương trở lên).

Đối với người nước ngoài là nghệ nhân những ngành nghề truyền thống hoặc người có kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý mà không có chứng chỉ, bằng cấp công nhận thì phải có bản xác nhận ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong nghề nghiệp, điều hành sản xuất, quản lý được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận; 3 tấm ảnh màu (kích thước 3 cm x 4 cm).

Thứ hai, người nước ngoài làm việc theo hình thức di chuyển trong nội bộ DN có hiện diện thương mại tại VN, ngoài các loại giấy tờ nêu ở trên kèm theo văn bản của DN nước ngoài cử lao động nước ngoài sang làm việc tại hiện diện thương mại của DN nước ngoài đó trên lãnh thổ VN.

Thứ ba, người nước ngoài vào VN làm việc theo hình thức thực hiện các loại hợp đồng (không phải hợp đồng lao động) hoặc cung cấp dịch vụ theo hợp đồng, ngoài các loại giấy tờ nêu trên cần kèm theo hợp đồng ký kết giữa đối tác phía VN và phía nước ngoài.

Thứ tư, người nước ngoài làm đại diện cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, ngoài các loại giấy tờ nêu trên, cần kèm theo giấy chứng nhận tổ chức phi chính phủ nước ngoài được phép hoạt động theo quy định của pháp luật VN.

- Trong trường hợp gia hạn GPLĐ cần thủ tục, giấy tờ nào?

- Hồ sơ đề nghị gia hạn GPLĐ gồm có: đơn của người sử dụng lao động, bản sao hợp đồng lao động (có xác nhận của người sử dụng lao động) và GPLĐ đã được cấp.

Thông qua các quy định về trình tự, thủ tục đề nghị cấp GPLĐ, một lần nữa tôi xin khẳng định rõ rằng, đối với lao động là người nước ngoài để được làm việc tại VN phải có GPLĐ. Để có giấy phép này, lao động là người nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện theo quy định nêu trên chứ không phải người nước ngoài có trình độ đại học trở lên là được giao kết hợp đồng lao động.

- Hình thức xử phạt đối với những vi phạm về tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài tại VN?

- Theo quy định của Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16-4-2004 của Chính phủ, trường hợp người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài không có GPLĐ bị phạt tiền 5 triệu - 10 triệu đồng. Trường hợp người nước ngoài làm việc tại VN mà chưa có GPLĐ thì phải làm thủ tục để đề nghị cấp GPLĐ, sau 6 tháng làm việc tại VN nếu người nước ngoài không có GPLĐ thì Sở LĐTB-XH đề nghị Bộ Công an ra quyết định trục xuất khỏi VN theo quy định của pháp luật (áp dụng theo quy định của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP, ngày 25-3-2008 của Chính phủ).

BAN BẠN ĐỌC 

Tin cùng chuyên mục