Chuyện thật như đùa: Định cư ở nước ngoài vẫn mua được nhà theo Nghị định 61/CP

Đã hoàn thành thủ tục xuất cảnh và sang định cư ở Mỹ, nhưng bằng mọi cách, Nguyễn Ngọc Anh vẫn hóa giá thành công căn nhà số 337/2/6 (phần phụ nhà biệt thự) đường Lê Văn Sỹ, phường 1 quận Tân Bình - TPHCM rồi sau đó nhanh chóng chuyển nhượng thành công cho người khác.

Đã hoàn thành thủ tục xuất cảnh và sang định cư ở Mỹ, nhưng bằng mọi cách, Nguyễn Ngọc Anh vẫn hóa giá thành công căn nhà số 337/2/6 (phần phụ nhà biệt thự) đường Lê Văn Sỹ, phường 1 quận Tân Bình - TPHCM rồi sau đó nhanh chóng chuyển nhượng thành công cho người khác. 

  • “Phù phép” 

Theo tài liệu mà bà L.- vợ đầu của người bị tố cáo (ông Nguyễn Ngọc Anh) cung cấp cho các cơ quan chức năng thì căn nhà số 337/2/6 Lê Văn Sỹ, phường 1 quận Tân Bình - TPHCM có nguồn gốc là nhà Nhà nước, do Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP quản lý. Một phần phụ nhà biệt thự (có vị trí thuộc thửa số 9 tờ 33) do Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP bán hóa giá cho ông Nguyễn Ngọc Anh ngày 18-4-2007 với diện tích 88m². Theo tinh thần của Nghị định 61/CP quy định thì Chính phủ cho phép hóa giá những căn nhà này với điều kiện không xuất cảnh định cư ở nước ngoài. Thế nhưng, Nguyễn Ngọc Anh đã định cư nước ngoài theo diện H.O nhiều năm nay và hồ sơ thể hiện rõ tại Cục Xuất Nhập cảnh - Bộ Công an.

Theo quy định, căn nhà trên phải trả về cho Nhà nước vì tất cả những người trong nhà đều đã xuất cảnh sang Mỹ định cư. Để “phù phép” có được căn nhà này, trong suốt 2 năm 2006 - 2007 ông Nguyễn Ngọc Anh từ Mỹ đã trở về Việt Nam liên tục khi được thông báo thông tin cơ quan chức năng đang làm thủ tục đo đạc nhà.

Không chỉ lừa được cán bộ đo đạc, ông Ngọc Anh còn mạo danh cả chữ ký của một chiến sĩ Công an phường 1 quận Tân Bình khi xác nhận tại phường về việc không đi xuất cảnh, đang ở Việt Nam để được hóa giá nhà. Ngay sau khi được hóa giá nhà, ông Ngọc Anh đã lập tức sang tên lại cho bà N.T.Q, và rút sang Mỹ! 

Giải thích về trách nhiệm của quận trong việc giải quyết hồ sơ pháp lý để căn nhà trên được hóa giá, bà Thái Thị Dư, Chủ tịch UBND quận Tân Bình trong một báo cáo với UBND TP đã cho rằng: “Thời điểm nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận của bà Q., căn nhà 337/2/6 Lê Văn Sỹ, phường 1 quận Tân Bình không có tên trong danh sách ngăn chặn tranh chấp, thế chấp. Vì thế, căn cứ vào Điều 10 của Quyết định số 54 của UBND TP, Phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình đề xuất UBND quận cấp giấy chứng nhận cho căn nhà trên vào tháng 10-2007. Ngày 4-6-2008, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP mới có công văn đề nghị UBND quận Tân Bình và các cơ quan có liên quan không cho chuyển dịch, mua bán, sang nhượng căn nhà 337/2/6 Lê Văn Sỹ, phường 1 quận Tân Bình (phần nhà phụ biệt thự)”. 

Còn trong báo cáo của Công an phường 1 quận Tân Bình thì cho rằng: “Công an phường không có đồng chí nào tên Nguyễn Thị Xuân mà chỉ có đại úy Phạm Thị Xuân, là cán bộ nội cần tiếp dân của Công an phường 1. Hình dấu tròn đóng trong đơn không phải là dấu của Công an phường 1 đóng ra. Chữ ký và chữ viết trong đơn không phải chữ ký, chữ viết của đồng chí Phạm Thị Xuân”! 

  • Trách nhiệm của ai? 

Để hoàn thành trọn vẹn thủ tục một căn nhà mua theo Nghị định 61/CP vốn không dễ dàng và phải mất khá nhiều thời gian. Điều đáng nói là ông Nguyễn Ngọc Anh lại hoàn thành những thủ tục này rất “nhẹ nhàng”. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn thì trường hợp của ông Ngọc Anh lẽ ra phải bị loại hồ sơ từ đầu.

Vì theo Điều 2 Quyết định số 03/2003/QĐ-UB của UBND TPHCM quy định về thực hiện bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định số 61/CP của Chính phủ trên địa bàn TPHCM thì: “Người mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước phải có hộ khẩu thường trú tại TPHCM, trừ trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, không có hộ khẩu tại TPHCM, Sở Địa chính - Nhà đất, Hội đồng bán nhà ở TP báo cáo UBND TP xét giải quyết”.

Thế nhưng, hồ sơ của ông Ngọc Anh đã được cán bộ Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP “cho qua” một cách dễ dàng. Chưa kể, theo các tài liệu mà chúng tôi có thì Công an phường 1 quận Tân Bình đã quá “thoáng” trong việc quản lý nhân hộ khẩu trên địa bàn khi để ông Ngọc Anh 2 lần làm thủ tục xuất cảnh (năm 2003 và 2007) và ngày 6-9-2005 đã đi Mỹ với mục đích định cư nhưng từ 2 tháng (tháng 10-2006 và tháng 8-2007), đương sự về Việt Nam bằng thủ đoạn giả mạo để làm thủ tục hóa giá nhà hoàn tất, được cấp giấy chứng nhận sau đó tiếp tục bán nhà, chuyển đổi giấy chứng nhận cho người mua nhưng đơn vị không hề hay biết!?.

Chính việc không thu giữ hộ khẩu chính, sau khi làm thủ tục xuất cảnh tạo sự ngộ nhận như người không đi xuất cảnh là điều kiện để ông Ngọc Anh thực hiện việc hóa giá nhà trái quy định. 

Dư luận đang đặt câu hỏi vì sao quy trình hóa giá nhà theo Nghị định 61 với căn nhà trên của ông Ngọc Anh lại diễn ra suôn sẻ đến vậy, vì sao ông Ngọc Anh dễ dàng giả mạo chữ ký của công an trong hồ sơ hóa giá nhà mà vẫn không bị ai phát hiện?... Đến nay, ông đã chuyển nhượng nhà thành công cho người khác, vậy trách nhiệm của các cơ quan có liên quan nằm ở đâu? 

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục