Báo cáo mới đây của Trung tâm Điện ảnh quốc gia Pháp (CNC), cho thấy Pháp ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà làm phim nội địa và nhất là các hãng phim nước ngoài.
Bên cạnh những bộ phim thương mại hay thuộc dòng nghệ thuật, các bộ phim dài nhiều tập cũng có khuynh hướng chọn cảnh của Pháp làm nền. Lý do giải thích hiện tượng này là kể từ ngày 1-1-2016, một loạt các chính sách ưu đãi về thuế bắt đầu có hiệu lực.
Nếu là một hãng phim nước ngoài, với số tiền chi ra trong thời gian quay phim tại Pháp, họ được hoàn trả đến 30%. Nếu thực hiện phim cho đài truyền hình, phim tài liệu hay một hãng phim Pháp, nhà sản xuất được miễn nhiều khoản thuế.
Một cảnh quay của phim Mission: Impossible - Fallout được thực hiện tại Paris, Pháp
Năm 2017, có tới 52 hãng phim nước ngoài được hưởng các điều khoản ưu đãi về tài chính, trong đó phải kể đến nhà sản xuất tập phim Sense 8, được phát hành trên mạng Netflix, hay bộ phim hành động Mission: Impossible-Fallout với ngôi sao điện ảnh Tom Cruise, được quay giữa lòng thủ đô Paris.
Ông Stephan Bender, đại diện tổ chức Film France, cho hay Paris không phải là điểm duy nhất thu hút các nhà sản xuất ngoại quốc. Để thực hiện At Eternity’s Gate, bộ phim nói về cuộc đời của danh họa Van Gogh, đạo diễn người Mỹ Julian Schnabel đã khởi quay ở thành phố Arles, miền Nam nước Pháp và Auvers Sur Oise, ngoại ô Paris. Theo ông Bender, Pháp đang trở thành “sân chơi của các nhà làm phim” và đây là một dấu hiệu tốt đối với kinh tế của Pháp.
Tác động đầu tiên phải kể đến là khi đoàn làm phim bắt đầu khởi động quay. Ở khâu này, cần thuê địa điểm được dùng làm cảnh phim, thuê phòng cho đoàn phim, thuê nhân viên kỹ thuật tại chỗ, thuê diễn viên phụ...
Qua đó, đem lại công ăn việc làm cho người dân tại chỗ. Nhưng bên cạnh đó, phải kể tới lợi thế về lâu dài đối với hình ảnh của một thành phố, từ đó lượng du khách đến tham quan tăng lên rất nhanh.
“Trong bộ phim La La Land, toàn bộ quay ở Mỹ, nhưng chỉ vì trong phim nhân vật chính có nhắc tới Caveau de la Huchette - điểm hẹn của giới yêu nhạc jazz ở quận 5 Paris, thế là khối lượng khách tham quan đã tăng vọt. Điện ảnh là điều gì đó kỳ diệu, gợi lên ham muốn khám phá của người xem”, ông Bender nói.
Tổ chức Film France phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp vùng, cấp tỉnh trong việc thu hút chú ý của các nhà sản xuất phim nước ngoài. Vùng Alpes-Maritimes chẳng hạn (nơi mà cứ tháng 5, Cannes trở thành điểm hội tụ của các ngôi sao điện ảnh thế giới), trong 10 năm qua, khu vực này đã đón 62 đoàn làm phim. Và theo thống kê chính thức của chính quyền cấp vùng, 62 dự án nói trên đã thu về 21 triệu EUR.
Các chính quyền cấp tỉnh, cấp vùng đóng một vai trò rất lớn trong việc phát triển điện ảnh. Tại Liên hoan phim Cannes năm 2013, có tới 26 bộ phim tranh tài ở các hạng mục nhận được sự hỗ trợ của các chính quyền ở cấp vùng.
Bản thân La Vie d’Adèle của đạo diễn Pháp gốc Tunisia Abdellatif Kechiche giành giải Cành cọ vàng năm đó, đã được vùng Nord-Pas-de-Calais tài trợ 175.000 EUR.
Thành phố Paris sở dĩ dễ dàng cấp giấy phép cho các nhà làm phim, bởi hoạt động này là một nguồn cung cấp việc làm cho người dân Paris và các vùng phụ cận. Đó là chưa kể, mỗi một bộ phim có hình ảnh của đường phố Paris hay một tòa nhà, một hiệu ăn… đều là những công cụ quảng bá cho nước Pháp ở nước ngoài.
Ví dụ bộ phim Midnight in Paris, khai mạc Festival Cannes 2011, đạo diễn Mỹ Woody Allen đã đưa 6 địa điểm của Paris, như cầu Alexandre Đệ Tam, bảo tàng Orangerie, nhà thờ Saint Etienne du Mont… đến gần hàng triệu khán giả.