Phập phù xóm ngụ cư

Với hy vọng sẽ có cuộc sống khấm khá hơn, không ít người đã tìm đến “thủ phủ dầu khí” Vũng Tàu để lập nghiệp. Thế nhưng, sau hàng chục năm sinh sống ổn định thì nhiều hộ gia đình đã bất ngờ bị mất nhà, trôi dạt đến những căn nhà trọ sống cuộc sống tạm bợ. 
Một trong số 28 hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án Khu tái định cư phường 10, TP Vũng Tàu
Một trong số 28 hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án Khu tái định cư phường 10, TP Vũng Tàu

Nhiều hoàn cảnh khó khăn

Gần 20 năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Mai (50 tuổi, quê Ninh Bình) gồm đứa con nhỏ và bố mẹ chồng đến thành phố biển lập nghiệp. Bố chồng bà Mai là ông Quách Trọng Cật (91 tuổi) đã bán toàn bộ tài sản ở quê gồm căn nhà 5 gian và mấy mẫu vườn để mua gần 80m2 đất tại phường 10 (TP Vũng Tàu), dựng căn nhà làm chỗ tránh nắng mưa cho con cháu. Sau gần 20 năm gắn bó, gia đình chị buộc phải đưa mẹ già gần 90 tuổi, nhiều bệnh tật ra sống ở nhà trọ để trả lại đất cho chính quyền thực hiện dự án mà không được đền bù thỏa đáng. “Buôn bán ế ẩm, mỗi ngày chỉ bán được hơn chục ổ bánh mì, chồng tôi thất nghiệp, mới đi chạy taxi nhưng quá vắng khách nên gia đình đang rất khó khăn”, chị Mai bùi ngùi.

Cũng là một hộ ngụ cư ở phường 10 bị giải tỏa, đây là lần thứ 3 trong năm gia đình ông Đỗ Việt Cường (62 tuổi) phải chuyển nhà trọ. Sau khi tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, ông vào Nam mưu sinh và qua nhiều nơi. Năm 2002, ông chuyển nhượng hơn 92m2 đất dựng nhà ở. Đến cận tết năm 2019, nhà của ông bị chính quyền cưỡng chế và gia đình phải nương náu ở những căn nhà trọ chật chội trong thành phố. Trường hợp bà Bùi Thị Song (54 tuổi) éo le hơn cả, vừa chạy chữa bệnh ung thư vừa nuôi con ăn học, bà cũng buộc phải rời khỏi căn nhà trên mảnh đất hơn 80m2 (nhận chuyển nhượng từ ông Vũ Quang Ánh) để chính quyền thực hiện dự án... Nhiều hộ dân khác từng ở hẻm 216 đường 3-2, phường 10, TP Vũng Tàu Tàu đã xây dựng nhà cửa, có hộ khẩu thường trú, sinh sống ổn định hơn 15 năm nay cũng bị giải tỏa và không được đền bù thỏa đáng. 

Người dân cần được hỗ trợ

Theo UBND TP Vũng Tàu, lô đất 5.000m2 (khu vực đất có 28 hộ dân đang ở) do ông Vũ Quang Ánh khai phá từ năm 1975, chuyển nhượng cho ông Lê Anh Tuấn vào năm 1994. Tài sản này sau đó đã thế chấp cho Ngân hàng Công thương Việt Nam và là tài sản trong vụ án Epco-Minh Phụng, được TAND tối cao tại TPHCM tuyên giao cho ngân hàng theo Bản án số 05/HSPT ngày 12-1-2000 đã có hiệu lực pháp luật. Đến ngày 29-12-2000, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Quyết định số 6841/QĐ-UB thu hồi 1.862m2 (trong lô đất 5.000m2) để triển khai dự án Khu trung tâm đô thị Chí Linh, phường 10; phần diện tích còn lại 3.138m2 vẫn thuộc quyền quản lý của ngân hàng và phần này nằm trong dự án Khu tái định cư 10ha, phường 10. 

Tuy nhiên, diện tích thực tế chỉ còn 2.909m2, nguyên nhân giảm là do sai số trong đo đạc và trên diện tích 2.909m2 này có 28 hộ dân lấn chiếm, tự ý xây dựng nhà trái phép, sang nhượng miệng hoặc bằng giấy tay thời điểm năm 2004-2010. Do đó, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư TP Vũng Tàu thống nhất chỉ bồi thường cho ngân hàng, không bồi thường cho 28 hộ dân.

Không đồng ý với quyết định trên, các hộ dân đã thu thập tài liệu và cho rằng có sự làm sai lệch hồ sơ dẫn đến việc người dân không được nhận đền bù. Trong đó có việc yêu cầu giám định lại chữ ký mà ông Vũ Quang Ánh (đã chết) ký bán cho ông Lê Anh Tuấn khiến phần đất họ đã ở trở thành tài sản bị thế chấp ở ngân hàng. Các hộ dân đưa ra 5 mẫu chữ ký của ông Ánh nhưng điều rất lạ chỉ 2 mẫu chữ ký không được công chứng được đem đi giám định so sánh, còn 3 mẫu chữ ký có công chứng thì bị bỏ qua. Nghi ngờ, người dân đã tự thu thập tài liệu và đưa đi giám định tại Trung tâm Giám định dân sự (Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) và kết quả cho thấy chữ ký của ông Ánh trong giấy mua bán đất với ông Tuấn không giống với chữ ký trong các giấy tờ đã được cơ quan chức năng kiểm định, công chứng. 

Ngoài ra, người dân cũng cho rằng khi có bản án, cơ quan chức năng không tổ chức bàn giao đất trên thực địa mà chỉ bàn giao trên giấy tờ, dẫn đến việc dù không có giấy tờ hợp pháp về đất đai nhưng họ sinh sống từ nhiều năm qua mà không bị chính quyền địa phương nhắc nhở, yêu cầu không được xây dựng cũng như không bị phía ngân hàng yêu cầu di dời.

Đại tá Đặng Công Hậu (tên thường gọi Tư Nam, bí danh Bá Âm), Anh hùng LLVT, nguyên Giám đốc Công an đặc khu, nguyên Phó Chủ tịch UBND Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, chia sẻ, sau khi nhận phản ánh của người dân, ông đã gửi thư phản ánh và kiến nghị đến cơ quan chức năng để làm rõ những uẩn khúc trong vụ việc. Theo ông, chính quyền TP Vũng Tàu nên có chính sách hỗ trợ người dân hoàn cảnh khó khăn để ổn định cuộc sống, cần tăng cường công tác quản lý đất đai tránh để rắc rối xảy ra mà phần thiệt thòi thuộc về người dân.

Tin cùng chuyên mục