Phải từ cấp Phó Vụ trưởng trở lên mới bổ nhiệm làm Đại sứ

Chiều 21-11, Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
ĐBQH bấm nút thông qua luật
ĐBQH bấm nút thông qua luật

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Cơ quan đại diện (CQĐD) lần này tập trung vào việc thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, bổ sung nhiệm vụ về thông tin đối ngoại mà CQĐD đang thực hiện nhưng chưa được Luật quy định, hoàn thiện cơ chế quản lý kinh phí, đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của CQĐD và bổ sung một số chế độ, chính sách cho thành viên CQĐD để phù hợp với tình hình thực tế.

Theo quy định, các CQĐD của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận và hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của các Công ước Viên về quan hệ ngoại giao, quan hệ lãnh sự và quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ biến mà Việt Nam là thành viên.

Theo Công ước này, Văn phòng đại diện ở nước ngoài của các bộ, cơ quan báo chí ở nước ngoài không thuộc cơ cấu tổ chức của CQĐD, không được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.

Nhằm thống nhất quản lý và tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại của các cơ quan này, Luật CQĐD quy định các văn phòng đại diện chịu sự chỉ đạo thống nhất về hoạt động đối ngoại của CQĐD.

Về việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng của CQĐD, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các dự án đầu tư xây dựng của CQĐD được triển khai ở nước ngoài phải chịu sự tác động của sự biến động tỷ giá, các yếu tố về chính trị, nguồn tài sản rao bán có thời gian nhất định. Do vậy, để có thể thực hiện và quyết định nhanh chóng, kịp thời, chủ động, không bỏ lỡ cơ hội, cần có quy định cho phép áp dụng quy trình, thủ tục rút gọn đối với một số dự án trong trường hợp cần thiết. Dự thảo Luật quy định trình tự, thủ tục rút gọn được áp dụng đối với quy trình xét duyệt, quyết định chủ trương đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết, chặt chẽ đảm bảo triển khai thuận lợi, kịp thời.

Luật quy định tiêu chuẩn Đại sứ từ cấp Phó Vụ trưởng hoặc tương đương trở lên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu đối ngoại và thực tiễn bổ nhiệm Đại sứ.

Đối với một số nước lớn, nước đối tác chiến lược, người được tiến cử thường là Thứ trưởng, Vụ trưởng nhưng phần lớn người được tiến cử Đại sứ ở các nước khác thường giữ chức vụ Phó Vụ trưởng hoặc tương đương do mức độ quan hệ chính trị, quy mô của CQĐD và quan hệ đối đẳng có đi có lại trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với quốc gia tiếp nhận.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ từ cấp Phó Vụ trưởng trở lên. Nhiệm kỳ công tác của Đại sứ là 36 tháng.

Trong trường hợp cần thiết Đại sứ đặc mệnh toàn quyền phải kéo dài thời gian sau khi kết thúc nhiệm kỳ không quá 3 tháng do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định; trường hợp cần thiết kéo dài nhiệm kỳ trên 3 tháng Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; các quyết định kéo dài thời gian nhiệm kỳ phải gửi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.

Nhằm tạo điều kiện để thành viên CQĐD yên tâm, cống hiến cho công tác đối ngoại, dự thảo Luật bổ sung một số chế độ bảo đảm chi phí đi lại trong trường hợp cha, mẹ của thành viên CQĐD, cha, mẹ của vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng, con chết trong nhiệm kỳ công tác và hỗ trợ một phần học phí tại quốc gia sở tại và chi phí bảo hiểm khám, chữa bệnh cho con chưa thành niên đi theo thành viên CQĐD. Chính phủ quy định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp, khả thi với điều kiện kinh tế - xã hội và cân đối ngân sách của nước ta.

Tin cùng chuyên mục